Tạ Nam Anh, game thủ Việt Nam duy nhất lọt vào vòng 1/16. |
Trong ngày thi đấu đầu tiên (17/11), game thủ Lê Nguyễn Thế Đạt (TP HCM), người đoạt giải nhì ở game StarCraft năm 2005 của Việt Nam, gặp Florian Rappl (Đức). Nửa trận đầu, Đạt luôn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, cuối cùng Đạt vẫn thất bại do thiếu kinh nghiệm thi đấu. “Ôi trời, chỉ chút xíu nữa thôi là thắng rồi. Sao mà khờ thế!”. Đứng bên ngoài rào chắn, đội trưởng Phương xuýt xoa tiếc nuối. Đạt cũng là người trắng tay sau 7 trận đấu. Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của chàng game thủ được xem “nai” nhất của đoàn Việt Nam.
Tại vòng chung kết WCG 2005, game thủ “nhí” nhất là Amin Golnam (Iran), chỉ mới... 3 tuổi. Amin Golnam (chơi FIFA Soccer 2005) bắt đầu biết đến game cách đây 6 tháng, do người anh họ - vô địch FIFA Soccer 2005 Iran - dạy, từ đó cậu bé thường chơi 3 lần/tuần. Amin Golnam cùng bố được mời đến tham dự vòng chung kết. Game thủ “già” nhất là Lajos Hegedus (Hungary), 39 tuổi. Trong khi đó, nữ game thủ đầu tiên của vòng chung kết WCG là cô Verena Vlajo (24 tuổi, Áo). Cô giáo viên tiểu học này cho biết không hề sợ khi thi đấu với các chàng trai.
“Thiếu kinh nghiệm”, “non tay nghề”... những cụm từ này còn được nghe nhắc đến nhiều hơn mỗi khi có ai hỏi về kết quả của đoàn Việt Nam tại vòng chung kết WCG 2005. Điều này cũng xảy ra với Vương Kim Sơn (TP HCM), giải nhất FIFA Soccer VN 2004. Kết thúc vòng bảng, Sơn bị loại trong sự tiếc nuối của cả đoàn. Trước đó, Sơn đã thắng 4 trận, hòa 1, thua 2, bằng điểm 2 vận động viên khác. Tuy nhiên, khi so sánh hiệu số bàn thắng bại để chọn người vào tiếp vòng trong, Vương Kim Sơn đã bị loại khi thua game thủ Bulgaria 4 bàn thắng!
Một game thủ khác là Nguyễn Lê Công (giải 3 WarCraft VN 2005) đã đánh bại đối thủ John Benedict Cruz (Philippines) để kết thúc vòng bảng với 3 thắng, 2 thua. Với kết quả này, Công bằng điểm 2 game thủ khác là John Benedict Cruz (Philippines) và Masoud Yousefnejad (Iran). Để chọn người vào vòng trong, cả 3 game thủ phải thi đấu vòng tròn với nhau. Trong vòng đấu thêm này, Công đã thua ngược lại John Benedict Cruz (Philippines) và game thủ này cũng loại luôn người còn lại để đoạt vé vào vòng 1/16. Những game thủ còn lại của Việt Nam như Lê Quốc Dũng (Warcraft), Trần Thanh Vy (FIFA Soccer 2005)... đều nhanh chóng ngã ngựa trước các đối thủ đến từ Trung Quốc, Bulgaria...
Game thủ nhí nhất WCG 2005-Amin Golnam. |
Tạ Nam Anh, vô địch FIFA Soccer 2005 VN - game thủ Việt Nam duy nhất lọt vào vòng 1/16 tại WCG 2005 - không khỏi ngạc nhiên trước trận đấu với Sebastiano Trusso Forgia (Italy) khi game thủ này sử dụng một đội hình “không giống ai”. Trong khi Nam Anh - cũng như nhiều game thủ đến từ châu Á - chuyên sử dụng đội hình 4-1-2-1-2 thì Sebastiano sử dụng đội hình 5-3-2. Khá tự tin, Nam Anh cho rằng: “Họ sử dụng đội hình…hơi bị lạ nhưng nếu em đấu hết sức mình thì sẽ thắng”. Sự tự tin là điều tốt, nhưng Nam Anh hầu như không có cơ hội vượt qua đối phương để ghi bàn. Trong khi đó, đội hình của Forgia phát huy được mọi lợi thế của mình để liên tục ghi điểm. Nam Anh đã thua 0-2 và đoàn Việt Nam chấm dứt cuộc thi ở vòng thi đấu này.
Nam Anh - đang là học sinh lớp 12 chuyên tin trường Amsterdam (Hà Nội), tâm sự: “Trình độ của game thủ các nước cũng không cách xa đội Việt Nam. Tuy nhiên, mình lại thiếu kinh nghiệm hơn vì các đối thủ thường xuyên được tham dự những giải lớn trong và ngoài nước. Ở nhiều tình huống mình không còn giữ được bình tĩnh để xử lý cho tốt”. Không chỉ riêng Nam Anh, các thành viên của đoàn Việt Nam đều tỏ ra khâm phục các đối thủ. Nếu so sánh, thời gian dành chơi game mỗi ngày của các game thủ Việt Nam trung bình chỉ khoảng 2 giờ thì các game thủ khác ít nhất có thời gian gấp đôi, chưa kể đến những người xem đó như là nghề của mình.
Nữ game thủ đầu tiên của cuộc thi WCG giữa vòng vây các nhà báo. |
Nếu so sánh với kết quả vòng chung kết WCG 2003 (năm 2004 đoàn Việt Nam không tham dự vì thủ tục giấy tờ), cả đoàn Việt Nam đều dừng ngay từ vòng đấu loại thì lần này kết quả cao hơn. Sau mỗi lần cọ xát, kinh nghiệm cho game thủ Việt Nam đã dày thêm. Không chỉ học hỏi về chơi game, đoàn Việt Nam còn giao lưu tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc từ các đối thủ. Nhìn các đối thủ ở độ tuổi trung bình 20 bá vai, chụp hình và trò chuyện rôm rả trước cũng như sau trận đấu, tôi luôn thấy sự thân thiện lan tỏa khắp nơi. Đó cũng là mục tiêu khi nhà tài trợ Samsung đưa ra khẩu hiệu: “Beyond the Game” (phía sau trò chơi) - cũng là tên bài hát chính thức cho vòng chung kết năm nay.
(Theo Thanh Niên)