Hư thực đến đâu cần một cuộc điều tra làm rõ. Thế nhưng với những điều tiếng không lấy gì làm tốt đẹp (cũng từng râm ran ở nhiều cuộc thi khác), đã đến lúc cần đặt ra tiêu chí về đạo đức đối với thí sinh của các cuộc thi siêu mẫu, hoa hậu...
Đây không phải lần đầu tiên Siêu mẫu Việt Nam bị "tổ trác". Năm ngoái, người đẹp T. và siêu mẫu nam N. giành giải đã làm "ngẩn ngơ" nhiều phóng viên.
Một nhà báo từng viết bài về các người mẫu bán dâm nhận ra "người quen" dự thi đã tìm gặp một thành viên hội đồng giám khảo chất vấn. Khi biết tin, ông tỉnh bơ: "Chúng tôi chỉ chấm điểm hình thể, năng khiếu. Không chấm đạo đức nên chuyện đó không quan trọng!".
Nhờ sự "bao dung" này mà T., N. đã bước vào thế giới người mẫu. Hiện nay hàng đêm T. vẫn xuất hiện ở một vũ trường lớn trên đường Thi Sách (quận 1). Làm gì ở đó thì chỉ có T. mới biết nhưng trong giới chân dài, T. khá nổi tiếng về khoản đón khách, giật mối của đồng nghiệp. Còn N. ngoài dư luận là "trai bao'" cũng vừa gây dư luận vì đã đưa hình khỏa thân lên mạng.
![]() |
3 ngôi vị cao nhất của cuộc thi chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2005, từ trái qua: Phạm Minh Thuý, Nguyễn Thúy Hương, Huỳnh Phạm Ngọc. |
Cũng trong cuộc thi năm nay, người mẫu M. cũng bị cho là "gái gọi". Theo lời của người từng đỡ đầu cho M., người mẫu này là bạn thân của một diễn viên từng bị xử lý về hành vi bán dâm M.. Không thuộc diện đắt sô trong nghề người mẫu nhưng lại sống rất "quý tộc" nhờ có các đại gia lắm tiền cung phụng.
Sau đêm đăng quang Siêu mẫu 2005, M. đã có một cuộc chiến "võ mồm" với một người mẫu đàn chị vì tranh giành một đại gia kinh doanh địa ốc đang cặp bồ với đàn chị này. Nghe đâu chính "đàn chị" này đã viết đơn tố cáo lý lịch "đen" của M. đến cơ quan điều tra và một tờ báo.
Ông Hoàng Đại Thanh, Tổng Biên tập tạp chí Thời trang trẻ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, cho biết, cuộc thi này không chỉ chấm điểm hình thể, năng khiếu như ý kiến của vị giám khảo nọ, "Đạo đức là yêu cầu hàng đầu của người đăng quang siêu mẫu nên không thể để những người có vấn đề về đạo đức tham gia trong cuộc thi!".
Ông Thanh cũng khẳng định nếu dư luận về những chuyện trên là có thật, ban tổ chức sẽ họp, ra quyết định tước danh hiệu siêu mẫu của những người đẹp đó.
Theo ông Thanh, mặc dù chưa có quy định việc tước danh hiệu nhưng quy chế cuộc thi đã buộc các thí sinh phải đảm bảo không có tai tiếng, không vi phạm pháp luật, kể cả sau khi đoạt giải. Do đó thí sinh nào dính vào những điều này coi như không đủ điều kiện thi và không xứng đáng để nhận danh hiệu được trao.
Tuy nhiên, ông Thanh nhấn mạnh việc xác định những người đẹp đó có vi phạm hay không nhất thiết phải có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, "Nếu chỉ dựa vào dư luận thì chưa thể đặt vấn đề tước hay không vì chắc gì dư luận hoàn toàn chính xác".
Liên quan đến kiểm tra lý lịch thí sinh để phát hiện ra trường hợp là gái bán dâm, ông Thanh đã làm rất nghiêm ngặt. Ngoài ràng buộc trình độ (người dự thi tối thiểu phải tốt nghiệp PTCS), không dính vào tai tiếng, thí sinh còn phải qua sự kiểm tra các số đo của các bác sĩ có uy tín trong nghành y. Các chỉ số đo ở các cuộc thi khác hoặc tự do đều không được thừa nhận.
Riêng về khám sức khỏe để xem có bị mắc bệnh xã hội hay không như ý kiến của một số người, ông Thanh cho rằng không cần thiết, "Với trình độ của các bác sĩ đo hình thể họ thừa biết ai có bệnh và ai không. Vả lại với các thí sinh đã đảm bảo về chỉ số, sức khỏe của các em thường không có vấn đề gì".
![]() Ở các cuộc thi quốc tế tôi chưa thấy ai yêu cầu thí sinh phải khám sức khỏe. Có thể họ tôn trọng là một đại diện của quốc gia rồi nên không làm như vậy. Với các cuộc thi người đẹp trong nước, tôi nghĩ phải yêu cầu xuất trình giấy khám sức khỏe của thí sinh là bình thường. Thậm chí còn cần thiết để ban tổ chức có thể chọn lựa chính xác những thí sinh đẹp một cách toàn diện không bệnh tật..
Lâu rồi tôi không để ý đến các cuộc thi người đẹp Việt Nam nữa. Cái chính là tôi không có niềm tin vào kết quả các cuộc thi. Đã không có niềm tin thì xin miễn cho tôi phải nhận xét hay, dở thế nào. Ý kiến khám sức khỏe thí sinh nên hay không, đã chắc gì quy định rồi người ta sẽ thực hiện đúng? Thời buổi này có khó gì để người ta bỏ tiền ra mua những danh hiệu người đẹp làm "trang sức" hay sử dụng nó để trở thành mại dâm cao cấp. Tôi không nói giới người mẫu tất cả đều đàng hoàng nhưng hiện chúng tôi đang ra sức tìm và loại những "con sâu" này ra khỏi nghề nên xin ai đó đừng bắt thêm sâu bỏ vào nồi nữa. |
Cách đây vài năm, cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh và một cuộc thi người đẹp địa phương cũng đã đối diện với những tin đồn tương tự. Tuy nhiên may mắn hơn, những thí sinh bị nghi ngờ là "cave" đã không được vào vòng trong nên những điều tiếng này cũng nhanh chóng "tắt".
Ngoại trừ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam của báo Tiền Phong có phối hợp với cơ quan an ninh văn hóa tư tưởng nơi cư trú của thí sinh để kiểm tra lý lịch từng người đẹp vào vòng chung kết, các cuộc thi khác gần như phó thác cho thí sinh tự khai lý lịch và đánh giá họ dựa vào bản khai cùng những biểu hiện bên ngoài. Đây chính là sơ hở để những thí sinh không đàng hoàng "trà trộn" vào. Ngay như cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, mặc dù khẳng định đạo đức là điều quan trọng nhất và ban tổ chức đã kiểm tra rất chặt chẽ nhưng ông Thanh cũng nhìn nhận khó có thể đảm bảo tuyệt đối điều này. Bởi có nhiều trường hợp "che đậy" rất kín hoặc chỉ xảy ra sau cuộc thi đã kết thúc nên ban tổ chức không lường trước được.
Theo ông Lê Nam, Trưởng phòng Nghệ thuật, cục nghệ thuật biểu diễn, hiện chưa có quy chế chung cho việc tổ chức các cuộc thi người đẹp cũng như việc tước danh hiệu này.
Quy chế bộ đang xây dựng chỉ điều chỉnh riêng cho các cuộc thi Hoa hậu, còn các danh hiệu khác vẫn "ngoài vùng phủ sóng". Mặc dù vậy ông Nam cho rằng không nhất thiết phải đợi đến khi các người đẹp bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật mới đặt vấn đề tước danh hiệu, chỉ cần người đó có những việc làm bị dư luận xã hội lên án gay gắt (chụp ảnh khỏa thân, quan hệ trai gái lăng nhăng...) thì cũng đã không xứng đáng dự thi hoặc giữ danh hiệu đã nhận.
"Dư luận về việc gái bán dâm đi thi người đẹp không phải là vô căn cứ, công an đã từng bắt nhiều người mẫu bán dâm với cái "mác" từng dự thi cuộc thi này, cuộc thi kia. Không phải cứ đi điều tra từng trường hợp bị nghi ngờ mà tự ban tổ chức các cuộc thi phải nghĩ ra cách "gác cổng. Đừng nghĩ cứ trao nhầm rồi tước là xong chuyện, phía sau những sự trao, tước đó còn là uy tín của cả một đơn vị tổ chức và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động văn hóa nói chung của xã hội", ông Nam nhấn mạnh.
(Theo Pháp Luật TP HCM)