Covid-19 ở Sài Gòn tiếp tục diễn biến phức tạp nên nhiều người đã chuẩn bị đồ ăn cho khoảng vài ngày đến một tuần để hạn chế tối đa tiếp xúc bên ngoài. Nhiều mẹo bảo quản đồ ăn cũng được hội chị em yêu bếp núc truyền tai nhau. Nguyễn Thao (26 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại TP HCM) có thói quen dự trữ thực phẩm từ trước dịch bệnh. Cô nàng đảm đang đã nghĩ ra cách để kéo dài thời gian dự trữ 11 loại thực phẩm tối đa là một tuần, thay vì trước đây chỉ khoảng 3-5 ngày. Bài chia sẻ của Thao "gây bão" cộng đồng với gần 20.000 lượt yêu thích chỉ sau chưa đầy một ngày.

Nguyễn Thao sở hữu kênh Youtube riêng chuyên về đồ ăn lành mạnh.
Từ lâu, Thao đã có thói quen dự trữ thực phẩm trong vài ngày. Cô nhận thấy việc này vừa tiết kiệm được thời gian đi chợ, thời gian sơ chế bảo quản và rất chủ động trong các bữa ăn hàng ngày vì biết trước kế hoạch ăn uống của mình và kết hợp các nguyên liệu đã mua để nấu nướng mà không bị "bỏ rơi" một món nào dài ngày dẫn đến tình trạng phải bỏ đi do hư hỏng.
Chia sẻ với Ngoisao.net, cô gái Sài Gòn tâm sự: "Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn ngày càng phức tạp. Để có thể hạn chế đi ra ngoài mua thực phẩm thì mọi người phải tích trữ thực phẩm nhiều hơn những ngày bình thường, mình luôn khuyến khích tích trữ tối đa một tuần. Tuy nhiên thì không phải ai cũng biết cách bảo quản thực phẩm đúng cách. Việc bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ khiến thực phẩm giữ được chất lượng lâu hơn, giúp mọi người đảm bảo sức khỏe hơn cũng như bữa ăn ngon miệng hơn. Đó là lý do mà mình quyết định làm một số video và bài viết về phương pháp bảo quản thực phẩm dựa trên kinh nghiệm mà mình đã áp dụng hiệu quả trong một thời gian dài. Hy vọng chia sẻ của mình sẽ giúp cho mọi người có thể bảo quản thực phẩm tốt hơn, lâu hơn để bữa ăn ngon miệng và tốt cho sức khỏe hơn".

Tủ lạnh chứa đầy đồ ăn dự trữ của gia đình Nguyễn Thao.
Người vợ trẻ bắt đầu nhận ra niềm đam mê về nấu nướng từ cách đây hơn 3 năm, khi làm việc ở một công ty chuyên đào tạo về F&B, thường xuyên cập nhật các kiến thức về nấu nướng cũng như tham gia các lớp học để lấy tư liệu truyền thông, từ đó khơi dậy niềm đam mê của cô với căn bếp. Thao cảm thấy vui khi được nấu nướng, làm bánh và đọc các bài viết về ẩm thực. Từ khi kết hôn cách đây một năm, Thao càng chú trọng đến sức khỏe và dinh dưỡng hơn nên đã tìm hiểu nhiều về phương pháp eat clean.
"Mình có tham gia một số khóa học cũng như đọc sách và tự nghiên cứu thêm trên internet. Càng nghiên cứu mình càng cảm thấy thấm và muốn chia sẻ những điều mình biết đến với cộng đồng. Vì vậy nên mình mới làm kênh Youtube chuyên về eat clean cũng như chia sẻ các bài viết lên các group ẩm thực", Thao cho biết. Kênh của Thao hiện có hơn 3.000 người theo dõi và hàng chục nghìn lượt view mỗi video.
Lần này, Thao được mẹ tiếp tế một thùng đồ ăn lớn, toàn bộ là rau củ quả nhà trồng và thịt cá mẹ mua. Nhà ít người không ăn hết trong một tuần, cô nàng quyết định gói ghém và gửi cho các anh chị trong gia đình cùng ăn.
Kinh nghiệm bảo quản 11 loại thực phẩm của Nguyễn Thao (ThaTha):
1. Tỏi
- Tỏi rửa sạch, thấm khô hết nước
- Xay nhuyễn, cho vào khay đá tổ ong có nắp và cho vào tủ đá 4 tiếng, sau đó lấy ra cho vào lọ thủy tinh và để lại vào ngăn đá để khi nào nấu ăn thì lấy từng viên ra dùng dần.

Các viên tỏi sơ chế xong được Thao cho vào hũ.
2. Hành lá
- Hành lá rửa sạch để ráo nước
- Một phần cắt nhỏ để vào ngăn đông dự trữ lâu (chiên trứng, nấu ăn)
- Một phần cắt khúc cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt hành và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát
3. Ớt
- Ớt rửa sạch, thấm khô hết nước.
- Một phần để ngăn đông (sử dụng trong nấu nướng)
- Một phần cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt ớt và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát (làm nước chấm).

4. Giá và đậu phụ
- Đậu phụ rửa sạch và cho vào hộp, đổ ngập nước và để vào ngăn mát tủ lạnh.
- Giá cũng tương tự đậu phụ. Rửa sạch và cho vào hộp, đổ ngập nước và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tươi lâu.

5. Cà chua
- Cà chua bi: rửa sạch, thấm khô, để vào hộp có lót giấy và không quên phủ một lớp giấy trên mặt cà chua, bảo quản trong ngăn mát.
- Cà chua lớn: để ở ngoài, nhiệt độ phòng.

6. Rau xanh
- Tất cả đều không rửa nước. Cho vào hộp có lót giấy, phủ thêm một lớp giấy trên mặt rau và đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát.

7. Cà rốt
- Không cần rửa trước, cắt bỏ bớt lá vì lá sẽ hút ẩm và khiến cà rốt hỏng nhanh, gói cà rốt bằng giấy bếp và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.

8. Bí ngòi, ớt chuông, súp lơ xanh
- Không cần rửa trước, dự trữ trong túi giấy hoặc gói bằng giấy và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.

9. Khoai tây, khoai lang
- Bảo quản ở ngoài, thoáng khí, nơi không gian tối nhất trong bếp. Bạn cũng có thể để một quả táo vào cùng thì khoai tây sẽ không mọc mầm. Tránh để gần hành tây sẽ làm khoai tây nhanh hư hơn.
- Khoai lang cũng bảo quản ở ngoài, thoáng khí.

10. Thịt, cá, tôm các loại
Rửa sạch, để thật ráo nước và bảo quản ở ngăn đông và chia theo từng bữa ăn để vào từng hộp để tiện rã đông và chế biến. Nếu hộp lớn thì lót giấy nến để ngăn cách các phần ăn ra để lấy cho dễ. Tránh trường hợp rã đông rồi ăn không hết lại cho vào tủ lạnh tiếp thì không tốt.

11. Smoothie
Các nguyên liệu làm smoothie rửa sạch, để ráo nước và cắt nhỏ. Chuối, bơ và rau kale chia thành từng lần ăn vào từng túi zip và bảo quản ở ngăn đông. Sáng lấy ra xay ăn sáng rất tiện.

Lưu ý về khử mùi
Để nhiều đồ trong tủ lạnh nên Thao quan tâm tới vẫn đề khử mùi. Cô hay khử mùi và để vỏ cam, quýt, bưởi vào tủ lạnh cho thơm. Nếu không có vỏ các loại trên, bạn có thể cắt vài lát chanh để vào tủ.
Thao hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm mùa dịch. Video: Eat clean with ThaTha
Ảnh: NVCC