![]() |
Bìa Album Frontier của ca sĩ, nhạc sĩ Keiko Matsui. |
"Khi nghe Tình thôi xót xa, chúng tôi thực sự bị sốc. Tôi không muốn dùng từ ăn cắp, nhưng thực sự là ông ta đã copy toàn bộ phần nhạc. Nếu sự cố này xảy ra ở Mỹ, công ty quản lý của chúng tôi sẽ đưa ra toà và chúng tôi dễ dàng giành phần thắng. Nhưng sự việc xảy ra tại Việt Nam và chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào" - Kazu Matsui, chồng của nữ nhạc sĩ Keiko thành thực cho VnExpress biết suy nghĩ của mình.
Theo Matsui, khi Bảo Chấn nói rằng ông ấy không bị ảnh hưởng từ phía Nhật Bản thì cũng có lý do của nó. Bản nhạc đã được ghi âm với phần lời bằng tiếng Anh cho game điện tử Super Mario Brothers trước khi chúng tôi sử dụng trong album của Keiko. Cả hai đều do tôi sản xuất và Keiko biên soạn.
Ông Đào Anh Tuấn, trưởng phòng bản quyền tác giả, văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh, cho biết, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có một hiệp định song phương nào về bản quyền. Thông thường, các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài có thể được bảo hộ theo Công ước Berne (Berne Convention), tuy nhiên, Việt Nam chưa phải là thành viên, vì vậy tác giả người Nhật không thể cấm việc sao chép hoặc sử dụng nhạc phẩm của mình tại Việt Nam.
Chỉ có một khe hẹp cho vợ chồng nghệ sĩ Nhật Bản bảo vệ mình trước toà án nếu họ đáp ứng được một trong các điều kiện: (1) Bản nhạc được sáng tác ở Việt Nam, (2) Bản nhạc được phát hành ở Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra mắt công chúng.
Theo một luật sư thuộc hiệp hội luật gia TP HCM thì ông Kazu Matsui còn có một lựa chọn khác là đưa ra toà án thông qua hiệp ước bản quyền Việt Nam - Mỹ (VUCT). Hiệp ước này bảo hộ không chỉ cho người Mỹ, mà còn cho những công dân nước có hiệp định về bản quyền với Mỹ.
Trong khi đó, ông Đào Anh Tuấn cũng cho rằng, sẽ có cơ hội cho tác phẩm của Keiko được bảo hộ tại Việt Nam nếu: (1) tác giả Matsui thường trú ở Mỹ; (2) bản nhạc được công bố ở Mỹ trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra mắt; (3) bản nhạc được chuyển nhượng cho thể nhân hoặc pháp nhân của Mỹ trong vòng một năm, kể từ ngày công bố đầu tiên.
Ngay cả khi ông Kazu được bảo hộ bản quyền ở Việt Nam, thì cũng còn mất khá nhiều thời gian để sự việc được rõ ràng. Trước hết, nhà sản xuất Nhật Bản phải trình bày được mức độ giống nhau của hai tác phẩm, sau đó phải xác định rõ, tác phẩm nào ra mắt trước và liệu tác giả của bản nhạc ra sau có điều kiện tiếp xúc với bản nhạc ra trước hay không.
Ông Đào Anh Tuấn cho rằng, điều nhạc sĩ Bảo Chấn nên làm hiện nay là thu thập chứng cứ để chứng minh cho mình. Tuy nhiên, theo VnExpress, nhạc sĩ Bảo Chấn cho biết ông không hề chuẩn bị gì vì quá buồn và bất ngờ về sự cố này. Ông nói: “Dường như số phận bắt tôi phải vất vả vì tác phẩm Tình thôi xót xa. Tôi rất tiếc đã không lưu lại được ngày ra đời của bài hát. Mà có phải cứ sáng tác một ca khúc là có cơ hội ghi âm ngay đâu. Tôi chỉ cảm thấy may mắn là những người thân của tôi như hai em trai là nhạc sĩ Bảo Phúc và Bảo Kình rất tin tưởng tôi”.