Vụ án mạng kinh hoàng khiến 6 người thân trong gia đình chủ xưởng gỗ lớn tại huyện Chơn Thành, Bình Phước tử vong đang gây chấn động dư luận cả nước. Các nạn nhân trong vụ thảm sát là người thân trong một gia đình, bao gồm gia đình ông Lê Văn Mỹ (4 người gồm vợ chồng và 2 con) cùng 2 người cháu (một trai, một gái).
Trừ vợ chồng ông Mỹ và bà Nga là người trưởng thành, các nạn nhân còn lại đều là thanh thiếu niên. Trong số đó, nạn nhân Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, là cháu gái) vừa trở về từ Sài Gòn sau kỳ thi đại học chiều 6/7. Rạng sáng 7/7, cô gái bị sát hại dã man cùng với những người thân trong gia đình.
Bức ảnh cuối cùng Như đăng tải vào chiều 5/7, dòng bình luận cuối cùng của cô gái cho bạn bè vào lúc 18h30 ngày 6/7, chỉ nửa ngày trước khi qua đời.
Trên Facebook, bạn bè của Tố Như vô cùng bàng hoàng và đau xót trước sự ra đi đột ngột này. Nhiều người bạn học chung trường đã đồng loạt để hình đại diện và ảnh bìa là màu đen, hàm ý chia buồn sâu sắc.
Một người bạn (xưng là dì) của Như viết: "Nó nằm đó, được thay một chiếc áo dài trắng, tóc búi cao, nơ đỏ, khuôn mặt trang điểm nhẹ. Con đẹp lắm con gái à. Dì ngỡ như con đang ngủ vậy. Lên thiên đường thanh thản nha con. Lần cuối dì được nhìn thấy con. Tạm biệt con".
"Tao với mày chỉ mới quen nhau gần 500 ngày thôi. Còn nhiều điều tao chưa làm, chưa nói hết với mày. Hôm qua tao với mày còn nói chuyện, còn dự định đi chơi... Chỉ mới hôm qua tao mới hiểu mày tốt với tao thế nào, mà giờ mày đã bỏ tao đi rồi. Sáng nay hẹn đi ăn sáng với nhau, mày chưa đi với tao nữa mà. Thôi mày yên nghỉ nhé, tao sẽ giữ mãi hình ảnh của mày trong tim. Tạm biệt", một người bạn khác viết.
Rất nhiều người bạn vẫn chưa thể tin nổi vào sự thật này, trong khi trước đó ít ngày vẫn liên lạc với nạn nhân. Cô giáo cũ của Như viết: "Cô thật xót xa Như ơi, học trò một thời của cô. Lúc gần thi học kỳ 2 con còn cùng bạn bè ghé thăm thầy cô, giờ nghe tin dữ. Cô chỉ biết cầu cho gia đình con siêu thoát".
Bạn bè chị Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ) cũng chia sẻ bằng những dòng bình luận trên các tấm ảnh cũ của nạn nhân trên Facebook: "Ra đi thanh thản nha chị, công lý sẽ sớm tìm ra thủ phạm. R.I.P...", "Mong em và gia đình ở bên kia thế giới được yên nghỉ và phù hộ cho bé Na đủ mạnh mẽ", "Bạn yên nghỉ nhé, cô gái xinh đẹp...".
Một người bạn thân viết: "Ra đi thanh thản em nhé. Anh không biết khi về tới anh sẽ đối mặt như thế nào. Mới đây em còn nói chuyện, anh còn hứa rảnh sẽ dẫn em đi chơi mà. Mạnh khỏe bên kia em nhé!".
Sau vụ thảm sát kinh hoàng 6 người trong một gia đình tại Bình Phước, đông đảo người dùng Facebook đã chia sẻ một bài viết về cách phòng, chống trộm. Không chỉ nhận được nhiều bình luận hưởng ứng, nhiều Facebooker còn tag bạn bè, người thân của mình vào bài viết.
Rất nhiều người dùng thi nhau chia sẻ kỹ năng phòng chống trộm trên tường của mình. Ảnh chụp màn hình. |
Phòng trộm:
1. Điều đầu tiên ai cũng biết, đó là cẩn thận cửa nẻo. Biết nhưng đôi khi chúng ta vẫn quên. Nhưng nhiều người vì lo lắng thái quá, đã biến ngôi nhà mình thành một chuồng sắt kiên cố và tự chặn đường thoát của chính mình trong những rủi ro cháy nổ. Tất cả chìa khoá cửa và cổng nên tập trung một chỗ, đánh dấu bằng nhiều màu sơn nổi bật trên từng cặp ổ - chìa cụ thể, phòng trường hợp khẩn cấp, thao tác mở sẽ nhanh hơn.
2. Không để nhiều tài sản quý trong nhà. Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất. Két sắt nên để trong đó một ít tiền (lý do sẽ được giải thích bên dưới).
3. Nên đặt những đoạn cây (tre, sắt, gỗ) rải rác trong nhà. Bình thường, hãy đặt chúng trong góc cửa, dưới gầm giường hoặc làm chỗ máng hay treo thứ gì đó. Việc này phải được truyền đạt cho tất cả các thành viên trong gia đình. Nên nhớ, khi đối phương cầm dao thì với một đoạn cây dài trên tay, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn.
4. Nên có số điện thoại của hàng xóm. Và dĩ nhiên, lưu số của công an địa phương là việc làm trước đó.
5. Dù nhà bạn không nuôi con chó nào, vẫn cứ treo trước nhà tấm bảng "Coi chừng chó dữ". Đơn giản thôi, nhưng nó sẽ rất hiệu quả trong việc răn đe.
6. Nếu có điều kiện, nên lắp đặt camera an ninh và hệ thống cảnh báo xâm phạm.
7. Nên có một bình xịt hơi cay để trên đầu giường (cái này không được phép kinh doanh trong nước nhưng nếu muốn, bạn có thể nhờ người quen ở nước ngoài hoặc tìm mua trên mạng, khoảng 350 nghìn).
8. Nên dạy những đứa trẻ trong nhà cách đối phó kẻ đột nhập. Chỉ chúng lối thoát hiểm, nơi để cây tự vệ, hơi cay và cách mở khoá cửa. Dạy chúng cách gọi hàng xóm, công an và người thân. Dạy chúng rằng, mạng người là quý nhất, còn tài sản mất sẽ kiếm lại được.
9. Và, hạn chế việc lên Facebook chia sẻ những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình. Trộm đạo bây giờ là người quen cũng nhiều, xài mạng xã hội cũng nhiều.
Chống trộm:
1. Nếu nghi ngờ có trộm đột nhập sân vườn, tuyệt đối không được bật đèn và mở cửa. Hãy vén rèm, hé thật ít và quan sát khắp các cửa sổ. Nếu nhà không có cửa sổ hoặc cửa sổ song sắt không rèm, nên đi thật nhẹ đến cửa trước hoặc sau, áp tai vào cửa để nghe ngóng. Cầm trên tay đoạn cây và bình xịt hơi cay. Nếu nghe và biết chắc có người phía ngoài, nên giả vờ: "A lô...ủa, vậy hả. Giờ này mà công an khu vực kiểm tra tạm trú tạm vắng hả?"...đại loại vậy. Sau đó quay về phòng, đóng cửa lại và gọi làm phiền hàng xóm. Trong phần lớn trường hợp, họ sẽ có cách quan sát giúp mình mà không bị nghi ngờ hay phát hiện.
2. Nếu phát hiện trộm đã đột nhập vào nhà, nên trở về phòng ngủ, bấm hoặc gài chốt cửa. Đánh thức người bên cạnh và cho họ biết, thật khẽ, hiểm nguy đang hiện diện bên ngoài. Nếu đó là người hay giật mình, nên dùng tay bịt miệng họ trước khi đánh thức. Trong trường hợp nếu muốn ra khỏi phòng, hãy chắc rằng trên tay mình đang có phương tiện tự vệ. Trước khi làm điều này, nên dồn người yếu và trẻ em vào nhà vệ sinh, ở yên trong đó, chốt chặt cửa. Trong những tình huống này, nhà vệ sinh, kho hay sân thượng là những nơi an toàn nhất. Với trẻ lớn, nếu không có nhà vệ sinh trong phòng, nên cho chúng chui xuống gầm giường. Với trẻ nhỏ, xé ngay một miếng băng keo lớn chuẩn bị sẵn, dán kín miệng chúng. Chẳng nguy hiểm gì đâu, chúng vẫn thở được bằng mũi; Lê Văn Luyện giết cháu bé sơ sinh chính vì tiếng khóc của bé.
Khi bước ra ngoài, hãy xác định trong bóng tối vị trí và số lượng kẻ đột nhập. Nhà của mình, mình thuộc, chắc chắn sẽ có lợi thế hơn chúng. Nếu kẻ đột nhập nhiều hơn một, hãy rúc vào một chỗ nào đó và im lặng. Nếu là một, vẫn phải im lặng quan sát. Khi thấy đối tượng manh động, cầm sẵn dao (thường thì chúng bỏ túi) và mình đủ tự tin vào chính mình và người bên cạnh, có thể tấn công phủ đầu bằng những đòn đập mạnh, tốt nhất là vào tay hoặc ống chân. Lưu ý, phải đảm bảo rằng trong trường hợp này, trẻ con vẫn được an toàn trong phòng riêng đã chốt cửa.
3. Trường hợp bị khống chế, phải tuyệt đối làm theo tất cả những yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an, và hãy phục tùng. Hãy chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi. Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết. Khi chúng tra khảo: "Nhà giàu mà sao có ít tiền vậy?", đừng nói mình không có tiền, chúng sẽ cảm thấy tự ái vì bị lừa. Hãy đưa ra một lý do chân thành rằng vừa gom tiền mua hay làm gì đó, chỉ còn lại bấy nhiêu đây.
4. Trường hợp bị tấn công, hãy kêu to lên để người trong nhà gọi công an hoặc trợ giúp của hàng xóm. Nếu đang một mình, vẫn phải làm điều này. Hãy tìm lối gần nhất và thoát ra. Nhưng việc hô hoán với hàng xóm không được khuyến khích bởi việc này chỉ làm chúng manh động thêm. Bình xịt hơi cay sẽ phát huy tác dụng trong lúc này. Trong bóng tối, kẻ đột nhập thường không biết mức độ chấn thương của nạn nhân nên cách cuối cùng trong tình huống này là nằm im giả chết, mặc cho chúng lục lọi, cho đến khi rút đi.
Tóm lại, đừng kháng cự nếu tự thấy mình yếu thế hơn chúng, trong trường hợp nhà có nhiều đàn ông khoẻ mạnh thì dễ rồi. Đa số trộm khi bị bắt thường khai rằng chúng chỉ muốn tài sản chứ không phải máu hay mạng người, nhưng khi thấy sự an toàn của mình bị đe doạ, chúng sẽ rút dao. Mười thằng trộm gần đủ mười có dao. Là để phòng thân. Vì vậy, dẫu biết của-đau-con-xót nhưng luôn nhớ rằng, còn người còn của. Đừng tự đặt mình vào gần hơn với nguy hiểm vì tiếc. Và cuối cùng, trong bất cứ trường hợp nào cũng cần giữ bình tĩnh. Không bình tĩnh không thể làm được gì!
Tùng Dương tổng hợp