Giữ thái độ ngượng ngập một lúc lâu, phạm nhân có mái tóc đã điểm bạc mới dần tâm sự về con đường tội lỗi của mình. Từ lúc vào trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên, người đàn ông 58 tuổi Nguyễn Mạnh Đức, luôn thấy dằn vặt bản thân chỉ vì ham muốn đồng tiền mà đánh mất tất cả.
Ông Đức nguyên là thiếu tá, trưởng phòng của Tổng Cục khoa học kỹ thuật. Trước đó, khi còn đương vị, ông được giao nhiệm vụ quản lý kho công cụ hỗ trợ. Những khẩu súng ông quản lý không còn sử dụng mà chờ thanh lý. Mọi chuyện xảy ra từ buổi ông nói chuyện với người hàng xóm tên Thông về số súng này.
Các phạm nhân tại trại Phú Sơn trong buổi đi lao động về. |
“Tôi được anh ta đặt vấn đề tuồn những khẩu súng đó ra ngoài tiêu thụ”, người phạm nhân luống tuổi kể lại. Lúc đầu, ông đắn đo, suy nghĩ về đề nghị đó. Nhưng rồi, do lòng tham cá nhân, ông Đức mang dần những khẩu súng của đơn vị đem bán. Mỗi khẩu súng, ông Đức được trả 800.000 đồng. Số súng trong kho dần hao hụt. Bản thân ông cũng lo lắng việc sẽ bị phát hiện nhưng đồng tiền đã làm mờ mắt. Ba năm sau, vụ việc bị vỡ lở.
Giọng buồn, ông Đức tâm sự với phóng viên rằng "số sướng mà không biết hưởng". Chỉ vì những cái lợi trước mắt, mọi công danh, sự nghiệp phấn đấu bao nhiêu năm đổ sông, đổ biển.
Năm 2004, từ lời khai của can phạm Thông, vị trưởng phòng Nguyễn Mạnh Đức bị cơ quan điều tra bắt giữ. Ông Đức được xác định đã tuồn khoảng gần 70 khẩu súng ngắn K59, K54, cùng hàng chục viên đạn ra ngoài. “Mọi thứ đổ sụp dưới chân, vợ con tôi không khỏi thất vọng về tôi”, ông Đức cho biết.
Bị đưa ra tòa xét xử và nhận án tù 15 năm, khi đó người đàn ông này đã suy sụp tinh thần nặng. Tuy nhiên những ngày vào trại giam cải tạo, ông Đức quyết tâm làm lại từ đầu, dù có muộn. Trong trại, ông gắng lao động, mong sự khoan hồng của Nhà nước, để rút ngắn đường về với vợ con. Sau 6 năm, nhờ cải tạo tốt, ông Đức được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Ngoài ông Đức, trong số những công an bị vào trại Phú Sơn cải tạo, mỗi người một con đường phạm tội khác nhau. Nông Văn Thế, quê ở Cao Bằng, phải trả giá cho tội hiếp dâm trẻ em.
Thế tâm sự, sau khi tốt nghiệp phổ thông, đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2002, anh ra quân và được nhận vào làm công an của xã nơi mình cư trú. Công việc ổn định, năm 2003, Thế lấy vợ và có một bé gái xinh xắn. Hàng ngày, anh đi làm, còn vợ túc tắc với nghề may ở trong thôn, cũng nuôi gia đình nhỏ đủ sống.
“Hạnh phúc như vậy còn gì mong hơn hả anh. Nhưng em đã làm tan vỡ cái gia đình nhỏ bé đó của mình chỉ bởi ham muốn đê hèn”, Thế dằn vặt. Một ngày tháng 3 âm lịch, ở địa phương Thế có tập tục làm bánh trôi, ăn uống linh đình. Thế xuống chị gái cách nhà vài cây số ăn và uống rượu. Nghe thông báo có bé gái bị lạc giữa bản, anh liền chạy sang nhà bên cạnh hỏi cho ra nguồn cơn. Cô bé cho biết nhà ở thị trấn Hùng Quốc.
Thế nhận đưa cô bé về nhà nhưng vì trong người có hơi men, anh sinh lòng ham muốn nên đã chở bé gái ra cánh đồng, giở trò đồi bại. Nạn nhân gào khóc, chống cự nên Thế chưa thực hiện được hành vi đến cùng. Sau đó, anh bị bắt và bị kết án về tội hiếp dâm trẻ em.
Thế bảo, thời gian ở trại giam tỉnh Cao Bằng, vợ có bế con gái xuống thăm một, hai lần. Từ khi chuyển về trại Phú Sơn, vợ của Thế bặt vô âm tín. “Tôi biết cô ấy xấu hổ vì có người chồng như tôi. Tôi chỉ trách mình vì không kiểm soát hành vi để gây khổ cho cô ấy. Đến giờ sau gần 10 năm trong trại, tôi ân hận nhiều lắm, mong gia đình cô bé tha thứ tội lỗi cho mình”, Thế cúi gằm mặt, nói.
Trong đợt đặc xá của trại, Thế cũng có trong danh sách. Thế mong ước, nếu được Nhà nước ân xá, anh ta sẽ về vay vốn, thực hiện dự án trồng rừng trên chính mảnh đất quê hương, mong phần nào đền đáp lỗi lầm của mình đối với những người thân và xã hội…
Việt Dũng