Sang, 35 tuổi, là chuyên viên tin học. Anh đã nghỉ làm và chuyển sang chơi chứng khoán. Kể từ đó, anh không còn tuân theo chế độ dinh dưỡng của một bệnh nhân rối loạn mỡ trong máu mà ăn uống “bừa phứa”, miễn sao đầy bụng là được. Bên cạnh đó, Sang cũng bỏ những thói quen tốt như chạy bộ mỗi sáng và làm việc điều độ. Chỉ sau nửa năm sống “hỗn loạn” như thế, các chỉ số xấu trong máu của anh tăng lên vùn vụt. Trong 4 tháng qua, anh đã nhập viện 2 lần.
Một tay chơi chứng khoán khác là Hoàng cũng khiến bạn bè nhận không ra. Anh không còn dáng vẻ khoẻ mạnh, gọn gàng như ngày nào mà trở nên đi đứng nặng nề, da xanh mét. Hoàng gia nhập đội quân săn cổ phiếu nửa năm nay và từ đó sức khoẻ của anh cũng dần "rớt giá".
Theo bác sĩ Trí Viên, Viện Tim TP HCM, nếu trước đây khi phong trào cá độ bóng đá nở rộ, ông có thể nhận diện “bộ mặt bóng đá” trong nhiều bệnh nhân thì giờ đây cũng không quá khó khi nhận diện “bộ mặt cổ phiếu”. Thật vậy, người mắc bệnh vì “say” cổ phiếu thường có bộ mặt mất hồn, lo âu, căng thẳng, cùng với những biểu hiện xuống cấp thực thể như rối loạn tiêu hoá, hồi hộp tim, cơ bắp chảy sệ… Đây là tình trạng bỏ bê sức khoẻ để tập trung chơi cổ phiếu và sau một thời gian dài, do quá sức chịu đựng, bệnh nhân gặp nhiều hậu quả khác nhau.
Coi chừng rối loạn tâm thần
Với những diễn biến thất thường của thị trường chứng khoán, trái tim của người chơi cũng đập nhanh - chậm theo giá lên xuống của cổ phiếu. Nếu không có “thần kinh thép”, tâm trí họ dễ dàng bị rối loạn.
Hạnh, 42 tuổi, trưởng văn phòng một công ty dược phẩm ở TP HCM, đã rơi vào tình trạng này. Sau khi trúng đậm một số cổ phiếu OTC hồi mới vào chơi, chị ngày càng “say máu” và mua thêm nhiều cổ phiếu khác. Do stress công việc và stress chứng khoán dồn lại, chị bị suy nhược tinh thần, phải dùng đến thuốc ngủ.
Bác sĩ Lê Quốc Nam, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết những căng thẳng kéo dài do chơi chứng khoán có thể dẫn đến những dạng bệnh tâm thần như rối loạn lo âu lan toả (thường xuyên lo lắng, bồn chồn, dễ mệt mỏi dù không làm việc nặng, khó tập trung, dễ cáu giận, khó ngủ), rối loạn trầm cảm (luôn buồn bã, mất hy vọng, không còn thích thú với điều gì, cảm giác không còn sức lực, giảm ngon miệng, sụt cân, dễ nghĩ đến cái chết).
Một dạng tâm thần cũng khá phổ biến là rối loạn stress cấp, xuất hiện khi giá cổ phiếu giảm quá mạnh, đột ngột. Lúc này, bệnh nhân cảm thấy sững sờ, tê liệt cảm xúc, không nhận ra người quen và thường lảm nhảm những câu vô nghĩa trong đó có các từ như “cổ phiếu”. Có những triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ, để lâu dễ dẫn đến mạn tính, hậu quả không lường hết.
Theo bác sĩ Nam, để dưỡng sức nhằm tiếp tục lên sàn, người chơi cổ phiếu nên:
- Làm việc có giờ giấc, kế hoạch, dành đủ thời gian cho nghỉ ngơi và giải trí.
- Ăn uống điều độ, đủ dưỡng chất.
- Ngủ đủ giấc vì trong khi ngủ, tế bào thần kinh có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.
- Luyện tập thái độ bình tĩnh trước những đợt cổ phiếu giảm giá. Thái độ căng thẳng, lo âu, hốt hoảng trong một thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)