Thịt heo lậu được chuyển về các chợ bán lẻ bằng xe gắn máy. |
Nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai quận Tân Bình và Gò Vấp, khu phố 11, phường 12, quận Gò Vấp (TP HCM) được xem là một trung tâm giết mổ heo lậu mới nổi lên vài năm gần đây, khi "xóm chả giò" trên đường Phạm Văn Chiêu bị giải tỏa.
Heo mổ tại khu vực này được gom từ khắp các quận, huyện lân cận như Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú..., từ các hộ nuôi lẻ đến trại lớn. Có ít nhất 3 xe ba gác máy không biển số và 2 xe tải chuyên làm nhiệm vụ chở heo về cho các lò giết mổ. Heo của lò nào được đánh dấu trên lưng, đến trước cổng lò nhà xe thả xuống hẻm và gọi người của lò ra lùa vào chờ giết mổ.
Heo được ô tô tải, ba gác máy đi thu gom chở về giao cho các lò giết mổ lậu. |
Khoảng 1h, xóm giết mổ bắt đầu khởi động. Không ồn ào, huyên náo bởi tiếng dao thớt, tiếng heo kêu... như nhiều người nhầm tưởng. Công nghệ giết mổ ở đây đã được "điện khí hóa". Con heo cả tạ được lùa vào một lồng sắt hoặc thắt một sợi dây ở cổ, sau đó hai kẹp điện được kẹp vào hai tai và thợ giết mổ chỉ việc đóng cầu dao điện 220V. Sau một tiếng "ục" nhỏ, con heo chết tươi.
Lúc đó, những tay giết mổ chỉ cần chọc tiết, cạo lông, mổ bụng... và sau khoảng 15 phút, một heo thịt hoàn tất ra lò. Rất êm thấm, nên mấy lần chúng tôi đi ngoài hẻm cố căng tai cũng không thể biết chính xác trong lò đang mổ heo, dù đã xác định địa chỉ cụ thể.
Gọi là lò, nhưng thực chất đây chỉ là những mặt bằng hơn chục mét vuông, không máy móc, dây chuyền..., chỉ có một lò nấu nước sôi để làm lông heo và vài thùng chứa nước.
Xóm heo lậu này có gần 30 lò giết mổ. Còn một người có trách nhiệm tại khu phố 11 đưa ra con số gần 20 lò, trong đó có ít nhất 5 lò giết mổ quy mô khoảng 20 con/ngày. "Thông thường, 1 ngày các lò giết mổ 2 lần. Bình quân mỗi ngày họ giết gần 200 con heo. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật con số này còn cao hơn", một người dân ở vùng lân cận nói.
Sau khi giết mổ xong, đa phần các chủ lò mổ mang thịt heo ra ngay chợ dọc đường Tân Sơn để phân phối. Đoạn đường này, thuộc khu phố 11, phường12, quận Gò Vấp, kéo dài cả cây số, có không dưới 30 sạp thịt "sỉ và lẻ". Sỉ vì từ đây, thịt heo được đưa đến các chợ bán lẻ; còn lẻ là sau thời gian bán sỉ, các sạp này tranh thủ bán luôn cho người dân quanh đó đi chợ hằng ngày.
Thời gian bán sỉ của các sạp thịt heo thường bắt đầu từ 3h hàng ngày. Thịt từ các lò mổ quanh đó được vận chuyển bằng xe gắn máy ra sạp. Tùy theo các mối đã đặt sẵn, thịt được pha lóc thành từng tảng nhỏ, hoặc để nguyên bên (heo xẻ dọc sống lưng làm hai) để chuyển về các chợ lẻ bằng xe gắn máy.
Tất cả được làm công khai dưới ánh đèn điện sáng trưng và kéo dài chừng 2 giờ đồng hồ. Khoảng 4-5 giờ sáng là lúc cao điểm, chợ hoạt động nhộn nhịp với hàng chục xe gắn máy từ các chợ lẻ ra vào lấy thịt. Con đường Tân Sơn chưa kịp trải nhựa, vì thế càng thêm lầy lội, nhầy nhụa bùn đất sau những trận mưa cùng nước thải của các sạp chợ xả thẳng ra đường, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc...
Liên tục những sáng sớm hạ tuần tháng 6, sau khi ghi hình sự náo nhiệt của chợ bán sỉ thịt heo, chúng tôi theo chân một số xe máy vận chuyển thịt về chợ lẻ và nhận thấy "vùng phủ sóng" tiêu thụ của chợ thịt lậu này khá lớn. Xe gắn máy chở hàng tạ thịt túa về đường Phan Huy Ích ra hướng quận Tân Bình ra Quang Trung về chợ Cầu, quận 12, chợ đường Lê Văn Thọ, chợ đường Thống Nhất (phường11), chợ Phạm Văn Chiêu (phường12), chợ Căn cứ 26... quận Gò Vấp. Một số xe chở thịt về nhà riêng để làm chả giò, hoặc sau đó pha, lóc nhỏ rồi mới đem ra chợ bán lẻ cho người tiêu dùng...
Khi thịt giết mổ lậu đã về đến chợ lẻ, người bán cứ vô tư bày lên bàn để bán cho người tiêu dùng theo yêu cầu. Phía người tiêu dùng hình như cũng vô tư không kém, chỉ quan tâm đến cân đủ hay thiếu, thịt tươi hay ôi... mà rất ít người thắc mắc miếng thịt mình mua có an toàn hay không, đã được kiểm dịch hay chưa... Nhưng suy cho cùng cũng khó trách người tiêu dùng, bởi trách nhiệm thuộc về các cơ quan kiểm dịch. Bày bán công khai thịt heo lậu tại các chợ bán lẻ
Bày bán công khai thịt heo lậu tại các chợ bán lẻ. |
Trong khi đó, tình trạng giết mổ heo lậu, xả trực tiếp nước thải thấm xuống lòng đất từ nhiều năm nay đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. "Nước sinh hoạt ở cả 21 tổ dân phố đều bị ô nhiễm. Nhiều tổ dân phố như 211, 197... nước giếng khoan bơm lên có mùi hôi, tanh nhưng người dân vẫn phải dùng", vị cán bộ hưu trí này bức xúc.
Cũng theo vị cán bộ này thì: "Ở đây, người ta giết cả heo chết, heo bệnh vì lợi nhuận. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên phường, rồi trong các cuộc họp hằng tháng với lãnh đạo phường, lần nào cán bộ khu phố cũng phản ánh nhưng từ nhiều năm nay mọi chuyện vẫn thế. Giờ thì dân cũng nản, buông xuôi!".
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn TP HCM có gần 250 điểm giết mổ gia súc trái phép, chủ yếu là giết mổ heo lậu... Bình quân, mỗi đêm có 30-35 tấn thịt heo giết mổ lậu ra lò.
Theo bác sĩ Trần Phi Long, Trưởng trạm Thú y huyện Hóc Môn, TP HCM, hầu hết các điểm giết mổ heo lậu nằm trong khu dân cư, tại các hộ gia đình và rất mất vệ sinh vì giết mổ trực tiếp ngay trên nền nhà lầy lội, dơ bẩn; có nơi còn sử dụng nước ao, hồ để cạo lông, rửa thịt. Người trực tiếp giết mổ không được khám sức khỏe, thịt sau khi giết mổ được vận chuyển bằng đủ mọi phương tiện từ xe đạp, xe máy, ba gác chạy phơi ra đường không đảm bảo vệ sinh; các chủ lò mổ, cá nhân giết mổ, người buôn bán phần lớn không quan tâm đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà chủ yếu là chạy theo lợi nhuận...