Đứng bên hàng ôtô chụp một tấm ảnh để gửi về quê nhà. |
Duy Triều, thuộc thế hệ thanh niên VN đến CHDC Đức vào cuối thập niên 1980. Anh kể lại câu chuyện đời mình từ khi rời quê hương Rạch Giá (Kiên Giang) lên TP HCM để bay sang Đức.
"Sau ít ngày tập kết tại một trường nuôi dạy trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp (TP HCM), ngày 4/7/1988 chúng tôi được xe của Cục Hợp tác lao động VN đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến đi của tôi có hơn 150 người là thanh niên ba tỉnh Kiên Giang, Minh Hải và Cửu Long (cũ). Ngày ra đi, hành trang mang theo chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo mới may.
Thậm chí, lúc đó tôi và nhiều người bạn khác còn mang đôi dép lẹp xẹp để lên máy bay. Ngay khi máy bay vừa rời đường băng, nhóm chúng tôi đã có người cất tiếng khóc vì nhớ nhà. Tiếng khóc làm cả khoang máy bay ngậm ngùi sụt sùi theo.
Sau hơn 15 giờ bay, chúng tôi đặt chân đến Berlin, thiên đường của khối các nước XHCN ngày ấy. Dù châu Âu vẫn đang là mùa hè, nhưng Berlin thời điểm đó rất lạnh đối với những người Việt mới sang. Ban ngày là 16 độ C, ban đêm xuống dưới 10 độ C. Rời sân bay Berlin, chúng tôi được đưa lên xe đến tỉnh Wismar cách Berlin hơn 200km.
Lần đầu tiên, tôi được một người bạn dẫn về Berlin đi buôn. Tôi quyết định mua 20 chiếc đồng hồ đeo tay chạy bằng pin (thời đó người Việt hay gọi là đồng hồ điện tử) đem về bán lại. Nhưng khi mang về Wismar mới thấy tá hỏa vì hầu như người Việt nào cũng đã có một chiếc trên tay. Tôi đành phải làm liều là vào mấy quán bia tươi (lúc đấy chỉ có cửa hàng nhà nước mới được bán bia) rao bán. Sau một tuần rao khản cổ, tôi chỉ bán được ba chiếc. Sau chuyến đi buôn thất bại này, tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Những lần tiếp theo, tôi mua về đầu video, đài sử dụng trong ôtô... nhưng cũng chẳng lời được bao nhiêu. Tôi đành giã từ nghề buôn. |
Đường sá lúc đó rất tồi tệ nên phải mất 4 giờ sau chúng tôi mới có mặt tại khu tập thể dành cho người lao động VN. Nhà cửa ở Đông Đức ngày ấy còn bề bộn, không được khang trang như bây giờ, nhưng đối với chúng tôi, những dãy nhà chung cư cao tầng quét sơn đỏ rực được xây ngăn nắp, bao quanh là những hàng rào cây xanh mát rượi đã là thiên đường trước mắt.
Chúng tôi được sắp xếp 6 người cùng đội ở trong một căn hộ rộng khoảng 50 m2. Việc đầu tiên của chúng tôi, hay nói chính xác hơn là đối với mỗi người Việt mới qua thời điểm đó, là đi mua sắm quần áo. Số tiền mua quần áo được xí nghiệp của chúng tôi thanh toán. Lúc đó, cuộc sống ở Đông Đức còn được nhà nước bao cấp nên chẳng khác mấy so với VN.
Cửa hàng có rất ít hàng hóa, thậm chí có nơi chỉ có vài món hàng tượng trưng kiểu như “hàng mẫu không bán” ở VN thời bao cấp. Nếu may mắn tìm được cửa hàng có nhiều quần áo, thanh niên VN cũng khó mua được vì hàng may mặc ở Đông Đức cũ chỉ có kích cỡ lớn dành cho người Đức.
Nhưng khó khăn nhất là tìm mua một đôi giày vừa chân, bởi giày cũng giống như quần áo đều toàn là số to. Bi kịch là nếu không mua được giày sẽ chẳng thể làm được gì vì ở Đức rất lạnh. Vậy mà nhiều thanh niên Việt vào cửa hàng giày đã phải ra về với gương mặt thất vọng ê chề vì không thể tìm được đúng cỡ dù họ đã chầu chực xếp hàng chờ mua từ sáng sớm.
Chúng tôi được đi học việc ở một nhà máy đóng tàu có tên Mathias-thysen-Werft ở Wismar. Nhóm chúng tôi làm nhiều nghề khác nhau, nhiều nhất là thợ hàn, thợ nguội và sơn. Tôi được đưa đi làm thợ sơn. Công việc thật vất vả. Có những mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ xuống dưới âm 20 độ C, nhưng mới 4h tất cả mọi người đã phải thức giấc để chuẩn bị vào ca.
Dưới cái rét lạnh cóng da chân tay tê cứng, những người thợ VN vẫn làm việc cặm cụi và cần mẫn như những chú ong thợ với khát vọng kiếm thật nhiều tiền để gửi về nhà. Thời điểm đó, giá thành các nhà máy đóng tàu ở Đông Đức rất rẻ nên đơn đặt hàng từ các công ty ở các nước tư bản dồn về làm không xuể. Công việc mặc dù rất nặng, nhưng nhờ sức trẻ nên tôi có thể làm bảy ngày liên tục trong tuần mà không bao giờ than mệt!
Nỗi nhớ quê hương ngày càng lớn dần. Có những đêm mùa đông rét cắt da, ngồi làm trên boong tàu mà nước mắt tôi cứ tuôn trào vì nhớ người thân và quê hương. Trong nhóm chúng tôi có những anh công nhân lớn tuổi là bộ đội phục viên hoặc giáo viên đã lập gia đình sống xa vợ con cứ như người thẫn thờ, nhiều anh suốt ngày cứ đi ra đi vào mặt mày ngơ ngác như gà con lạc mẹ. Cách liên lạc duy nhất với gia đình lúc đó là thư từ. Có anh mỗi ngày viết cho vợ một lá thư mà vẫn còn xốn xang nỗi nhớ nhà.
Thời gian lúc đó trôi qua thật nhanh. Sau hơn 3 tháng thực tập làm việc, tôi và một số đồng nghiệp được chấp thuận cho làm “ăn theo sản phẩm”. Tháng lương đầu tiên, tay tôi run bần bật khi nhận được 1.139 DMark (tiền CHDC Đức). Tôi dự định sẽ dành dụm số tiền này để mang về VN một lần khi hết thời hạn lao động.
Nhưng một người trong nhóm tôi với kinh nghiệm đến trước đã khuyên tôi nên sử dụng số tiền này mua hàng gửi về VN sẽ lời hơn. Tôi nghe lời và nhanh chóng đi mua 10 cái bàn ủi cùng 5 thùng ca cao và hãnh diện ra bưu điện gửi về cho gia đình (tiếc rằng sau này tôi biết là gia đình đã bán số hàng này không được bao nhiêu tiền).
Tháng lương thứ hai, tôi đã xếp hàng từ 4h dưới cái rét cóng da để tìm mua chiếc xe đạp Diamant nổi tiếng của thời Đông Đức gửi về cho cậu em trai út đi học. Nhưng cửa hàng lại không có đủ xe đáp ứng cho dòng người VN xếp hàng dài từ nửa đêm. May mắn là sau đó tôi cũng mua được chiếc xe đạp này dù phải trả giá gấp đôi cho một người đồng hương.
Cuộc sống cứ thế trôi qua. Và khi đã bắt nhịp được với cuộc sống mới ở Đức, nhiều người trong số chúng tôi đã rẽ sang con đường khác. Người thì bỏ việc đi buôn (chủ yếu mua những mặt hàng xa xỉ lúc bấy giờ mang về bán lại như quần jean, nước hoa Chanel, đồng hồ điện tử, đầu video...).
Buồn vì xa gia đình và vợ con nên cũng có không ít người vướng vào cảnh rượu chè, cờ bạc. Ở Đức lúc ấy bia rượu, thịt và bánh mì rất rẻ nên họ càng có điều kiện ăn nhậu. Cứ đến cuối tuần là các công nhân VN lại tụ tập ăn nhậu triền miên. Cũng có không ít thanh niên cứ đến giữa tháng là lại đi vay tiền sống vì bao nhiêu tiền làm ra đều mang nướng hết vào các sòng bài.
Tôi chợt nhận ra rằng thiên đường mà tôi mơ ước hãy còn rất xa".
Còn tiếp
(Theo Tuổi Trẻ)