Và Chung chọn học bổng tiến sĩ trị giá 42.000 USD/năm của trường Pardee Rand Graduate School thuộc Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ).
Sinh ra trong gia đình nghèo tại ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ Phạm Sỹ Chung đã phải “ăn bánh mỳ đạp xe hàng chục cây số đến trường”. Tốt nghiệp đại học, Chung một mình bươn bả tìm việc tích góp tiền cho một dự án “đầu cơ” lâu dài của đời mình.
Thi đỗ dự án Cao học Hà Lan của trường Kinh tế Quốc dân - chương trình giảng dạy gần như toàn bộ bằng tiếng Anh nên Chung quyết tâm vừa học chuyên ngành vừa “cày” tiếng Anh.
“Hồi đó nhà nghèo lắm, không có tiền để tới trung tâm học ngoại ngữ nên tôi nghĩ ra cách “học lỏm trình độ cao”. Tôi la cà trong các quán bar, kết bạn với người nước ngoài và nói chuyện thường xuyên với họ. Khi biết tôi đang học tiếng Anh, họ cho tôi mượn sách báo, băng đĩa tiếng Anh để tôi tự nghiên cứu. Điều này giúp tôi tự tin hơn, bạo dạn hơn khi nói chuyện với người nước ngoài”.
Hành trang du học của thế hệ trẻ chúng tôi không phải là cái ví tiền mà là sự tự tin, năng động, sáng tạo và một chút liều lĩnh
Ra trường, Chung nổi lên với vai trò là người đồng sáng lập của Tổ chức Rồng Xanh - một tổ chức từ thiện phi chính phủ của Australia.
Nói tới cái duyên trở thành người đồng sáng lập ra Tổ chức Rồng Xanh, Chung nhớ lại: “Michael Brosowski là người thầy Australia dạy tiếng Anh cho tôi lúc tôi còn học cao học. Chúng tôi thường lang thang trong các quán “cóc” và gặp nhiều những hoàn cảnh đáng thương. Cuối cùng, chúng tôi quyết định thành lập một tổ chức để có thể giúp đỡ các em. Chúng tôi lên kế hoạch, gõ cửa các đại sứ quán, thuyết phục tất cả những “mạnh thường quân” mình quen. Công việc tuy vất vả nhưng ý nghĩa nên ai cũng hăng hái.
Năng động, ham tìm tòi, làm được 2 năm, Chung gặp rất nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến tham gia giúp đỡ trẻ em đường phố. “Họ nói nhiều đến nền giáo dục ở Mỹ và đến những kiến thức mà tôi chưa từng biết tới. Thế là cái ý định sang Mỹ học tiến sĩ cứ nung nấu mãi trong tôi”.
Quyết tâm cao như vậy nên anh “liều” xin vào làm nghiên cứu ở UNDP - Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc để quen dần với môi trường làm việc.
Chưa đầy 1 năm, anh gửi đơn xin học bổng và được cả 3 trường Đại học tại Mỹ là: Georgia State University, Kansas State University và Pardee Rand Graduate School thuộc RAND - Trung tâm nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ cấp học bổng toàn phần.
Chung quyết định chọn Pardee Rand Graduate School với chuyên ngành nghiên cứu về chính sách giáo dục là điểm dừng chân của mình.
Chung cho biết: “Điều kiện để xin học bổng của các trường ở Mỹ rất khắt khe. Ngoài việc thi TOEFL trên 600 điểm, GRE (phần thi tiếng Anh bắt buộc với sinh viên sau đại học) trên 1.200 điểm, thì việc quan trọng không kém khi xin học bổng tiến sĩ cần có 3 thư giới thiệu của 3 giáo sư, càng nổi tiếng càng tốt”.
Chung bật mí: “Tôi phát hiện các trường ở Mỹ cũng như ở châu Âu rất chú trọng các hoạt động ngoại khóa và từ thiện trong quá trình bạn học tập và nghiên cứu. Tôi thật sự may mắn vì đã từng hoạt động trong tổ chức Rồng Xanh một thời gian dài”.
Theo kinh nghiệm của Chung: “Để xin học bổng ở Mỹ nên gửi đơn đến nhiều trường nhưng cần phải tìm những trường phù hợp với lực học của mình bởi môi trường làm việc ở Mỹ rất khắt khe và đòi hỏi sự năng động, sáng tạo thường xuyên. Tôi quen một vài người cũng sang theo diện học bổng nhưng đến 6,7 năm vẫn chưa tốt nghiệp được”.
(Theo Tiền Phong)