Trong phác đồ điều trị Covid-19 sửa đổi, bổ sung cập nhật hôm 4/8, Bộ Y tế lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương lấy từ những người bệnh Covid-19 đã khỏi và có đủ tiêu chuẩn để điều trị cho ca bệnh nặng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện kêu gọi những người từng nhiễm nCoV đã khỏi bệnh đến hiến huyết tương phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người đủ điều kiện hiến huyết tương phải 18-65 tuổi, cân nặng trên 50 kg đối với nam và 45 kg với nữ, từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Các đối tượng này sẽ được làm xét nghiệm sàng lọc miễn phí những bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và nhiều xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch.
Hiện sau hai ngày kêu gọi, ít nhất 5 bệnh nhân khỏi bệnh liên hệ hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Chị Hà Thu Thảo, "bệnh nhân 196" ra viện hồi tháng 6, cho biết ngay khi có thông tin, chị đã chủ động gọi điện xin hiến. Chị Thảo cho biết khi bị nhiễm nCoV, chị đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các bác sĩ và bây giờ là lúc chị có cơ hội để trả ơn.
"Tôi cũng đang kêu gọi những bệnh nhân cùng phòng quen biết đợt cách ly cùng tham gia hiến", chị Thảo chia sẻ.
Theo bác sĩ Văn Đình Tráng - Phụ trách khoa Vi sinh, Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc dùng huyết tương của người khỏi bệnh sử dụng trong nghiên cứu, điều trị cho bệnh nhân đang mắc bệnh xuất hiện từ năm 2003, thời điểm các bệnh như sởi, cúm và SARS... bùng phát.
"Đây là việc làm rất ý nghĩa, vì một người mắc Covid-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương thì có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất một bệnh nhân thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng khác", bác sĩ Tráng nói.
Hiện nhiều nước cũng cân nhắc sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19.
Hãng tin Reuters hôm 29/7 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chi 53 triệu USD để thu thập huyết tương từ những người khỏi bệnh để điều trị cho người mắc Covid-19.
Phạm Chiểu