Chúng tôi tới Cali vào giữa tháng 5, và có gần 3 tháng làm việc ở đây. Mục đích chính là hoàn thành việc thu album cho Mỹ Linh trong dự án Coming to America. Công việc của tôi không phải là người giúp đỡ Linh, mà là đồng sản xuất về âm nhạc, chịu trách nhiệm về album, bao gồm phần âm nhạc và phối khí với các nhạc công người Mỹ. Ngoài ra, tôi còn bàn bạc với nhà sản xuất phía Mỹ về những ca khúc họ đặt viết cho Linh sao cho phù hợp với cô ấy cả về khả năng lẫn phong cách. Chuyển từ hát tiếng Việt sang tiếng Anh với Linh là một việc khó, để thể hiện được cảm xúc, cô ấy phải tập rất lâu.
![]() |
Vợ chồng Anh Quân - Mỹ Linh. |
Tôi được làm việc với các nhạc sĩ, nhạc công nổi tiếng của Mỹ, tất nhiên sự nổi tiếng này chỉ người trong nghề mới biết, vì họ không phải là Madonna hay Britney Spears. Nhà sản xuất và các nhạc công nước họ hiểu về kỹ thuật rất ghê gớm. Ở mình, nhạc công cứ đến phòng thu, cắm "kịch" đàn vào là có thể thu, chỉ trong một buổi. Còn ở nước họ, nhà sản xuất phải tìm nhạc công phù hợp cho từng bài, mỗi người đều được yêu cầu mang đàn loại gì để hợp với sound của bài hát... Vì thế, quy trình ghi âm một ca khúc rất kỹ lưỡng, đòi hỏi thời gian khá lâu. Quy trình này được làm ở bất cứ thể loại nhạc nào, dù là nhạc thời trang. Dù là đĩa thời trang, cũng không thể bắt lỗi của họ: âm thanh tốt, nhạc công và phối khí giỏi, cả ca sĩ, người thu âm và nhà sản xuất đều làm việc kỹ tính để ra được sản phẩm chất lượng ngay từ phần gốc audio. Họ không làm ẩu audio, rồi sau đó bỏ ra đống tiền làm bìa to như cái hộp, đi quay ngoại cảnh video clip tặng kèm hoặc quảng cáo ì xèo trên báo chí.
Trên hết, tôi thấy có sự khác biệt rất lớn trong sản xuất âm nhạc của Việt Nam và Mỹ, đó là sự khác biệt về quan niệm. Mỹ quan niệm sản xuất âm nhạc để cho thị trường thế giới. Thực tế thì không có cái gọi là nhạc Mỹ như chúng ta vẫn gọi nhạc Việt Nam. Mỹ là hợp chủng quốc, âm nhạc của họ đến từ các nước trên thế giới và phát triển thành nhạc Mỹ. Vì thế, âm nhạc của họ có tính quốc tế cao. Điều này lý giải vì sao nhạc Mỹ phổ biến toàn thế giới như vậy. Nếu ca khúc ấy được yêu thích ở Mỹ thì sẽ được yêu thích ở các nước khác, cả ở Việt Nam.
Chúng ta chỉ chăm chăm nghĩ tới thị trường Việt Nam, từ ngôn ngữ âm nhạc đến cách hoà âm phối khí bó hẹp trong môi trường cảm thụ quen biết với chúng ta lâu nay. Ai cũng ca tụng cách làm đưa âm nhạc Việt Nam vào ca khúc và gắn một chút phần phối khí hiện đại, xem nó như là cách duy nhất để âm nhạc Việt Nam phát triển. Một số nhạc sĩ nói rằng họ phát triển từ chất liệu dân ca để có một thứ âm nhạc Việt Nam hiện đại, nhưng tôi chỉ thấy họ phối hiện đại âm nhạc dân gian mà thôi, đó không phải là phát triển. Và âm nhạc dân gian, ngay cả nhạc dân gian Nga rất được yêu thích, không phải là sản phẩm của thị trường âm nhạc. Nó chủ yếu dành cho những nhà nghiên cứu phê bình và những người hoạt động âm nhạc cần đến cho công việc chuyên môn của họ.
Lần đầu tiếp xúc với các nhà sản xuất âm nhạc Mỹ, chúng tôi giới thiệu tất cả những bài Mỹ Linh đã thu âm, không thể thiếu được Trên đỉnh Phù Vân, Chị tôi... họ nghe xong bảo hay và lạ, nhưng chỉ là thứ để tham khảo thôi, còn đưa vào thị trường kinh doanh thì không được, nhất là thị trường Mỹ. Tôi thấy rất khó hy vọng lấy dân ca, kết hợp phần phối mới để vào được thị trường âm nhạc Mỹ. Thực ra cũng không phải ở Mỹ, đầu những năm 90, khi sang Đức tôi cũng đã nhận thấy và bắt đầu suy nghĩ kiểu này. Tại sao không làm một thứ âm nhạc để không chỉ người Việt Nam nghe được, mà cả những công chúng âm nhạc ở các nước cũng nghe được. Đó không phải là bắt chước Tây hay Mỹ mà là sử dụng ngôn ngữ âm nhạc chung, không phải riêng của dân tộc nào. Tính dân tộc không căn cứ vào ngôn ngữ âm nhạc được sử dụng, mà bằng dấu ấn dân tộc người sáng tác thể hiện khi sử dụng ngôn ngữ âm nhạc đó. Chuyến làm việc tại Mỹ lần này giúp tôi khẳng định con đường mình đã chọn. Và cả thái độ làm việc lâu nay tôi vẫn bị đồng nghiệp trong nước kêu là làm kỹ thế, lâu thế, không kịp tốc độ thị trường, hiện đại... so với những gì tôi chứng kiến ở một nền sản xuất âm nhạc công nghiệp và tốc độ như Mỹ, là hoàn toàn hợp lý.
Nhạc sĩ Anh Quân