Viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng ống tai ngoài, thường gặp ở những người bơi lội, đổ mồ hôi nhiều hoặc sống trong môi trường ẩm ướt. Theo thống kê, khoảng 10% dân số sẽ trải qua ít nhất một lần nhiễm bệnh trong đời, với nguy cơ cao hơn ở người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề nền khác. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt phổ biến vào mùa hè.
Nhiều người có thói quen dùng bông tăm để làm sạch tai sau khi đi bơi. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này lại có thể gây viêm tai ngoài. Theo Tiến sĩ Mallory Raymond, bác sĩ Tai Mũi Họng tại Phòng khám Mayo (Florida), chỉ một vết trầy nhỏ từ đầu tăm bông cũng đủ phá vỡ lớp bảo vệ của da trong ống tai, kết hợp với độ ẩm còn sót lại sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài ra, bông tăm có thể để lại sợi nhỏ trong tai, giữ lại độ ẩm, cùng với nhiệt độ cao trong mùa hè khiến vi khuẩn dễ phát triển hơn. Điều này giải thích vì sao viêm tai ngoài thường bùng phát sau các kỳ nghỉ, hoạt động hồ bơi hoặc tắm biển.

Bác sĩ khuyến cáo không nên nhầm viêm tai ngoài với cảm giác nước đọng trong tai sau khi bơi. Ảnh: Freepik
Theo ông, sau khi tiếp xúc với nước, có thể làm khô tai an toàn bằng máy sấy tóc ở chế độ mát, để cách tai ít nhất 30 cm. Ngoài ra, một hỗn hợp tự pha gồm nước, giấm trắng chưng cất và cồn y tế có thể giúp rửa sạch vi khuẩn và cân bằng lại độ pH trong tai.
Với người thường xuyên bơi lội, nên cân nhắc sử dụng nút tai chuyên dụng kết hợp mũ bơi hoặc băng đô bảo vệ. Đối với trẻ nhỏ, cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi dùng nút tai hay thuốc nhỏ tai không kê đơn.
Ngoài nước, tai nghe và tai nghe nhét tai cũng là yếu tố nguy cơ. Việc đeo tai nghe trong thời gian dài, đặc biệt khi đổ mồ hôi, khiến ống tai ẩm và bí khí. Các chuyên gia cho biết những người thường xuyên tháo tai nghe, vệ sinh sạch thiết bị sẽ ít bị viêm tai ngoài hơn.
Theo chuyên gia, triệu chứng viêm tai ngoài thường gặp gồm ngứa, sưng tấy ống tai, có dịch rỉ ra ngoài, đôi khi kèm mùi hôi. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm bằng thuốc nhỏ tai kháng khuẩn kê đơn, đa số bệnh nhân sẽ cải thiện trong vài ngày. Trong thời gian điều trị, các bác sĩ thường khuyên tránh hoàn toàn việc để nước vào tai ít nhất một tuần hoặc lâu hơn tùy tình trạng.
Nếu không được xử lý đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành viêm tai ngoài mạn tính hoặc hiếm gặp hơn là lan rộng ra ngoài tai, gây biến chứng nặng.
Phạm Linh (Theo NYTimes)