Nguyễn Đức Chi tại sân bay Nội Bài khi bị công an di lý ra Hà Nội. |
Đó là dấu chức danh của ông Đoàn Văn A. (Tổng Giám đốc sân golf Chí Linh, Hải Dương), bà Trương Tú P. (chủ doanh nghiệp Đại An)...
Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng thu được dấu chức danh của ông Tạ Bá Long, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình, nơi “trùm lừa” Nguyễn Đức Chi đã đem dự án Rusalka thế chấp định vay 10 triệu USD (trong khi dự án này đã được Chi thế chấp Ngân hàng Cổ phần quân đội). Việc lừa đảo vay tiền Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình đã được cơ quan điều tra kịp thời ngăn chặn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một trong những người có tên ở các con dấu chức danh trên đã xác nhận 3 con dấu chức danh mà Nguyễn Đức Chi nắm giữ là con dấu thật.
Những người này đều là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Thuận, trong đó ông Đoàn Văn A. là Chủ tịch HĐQT, ông Tạ Bá Long là Phó Chủ tịch HĐQT, bà Trương Tú P. làm Tổng Giám đốc, còn Nguyễn Đức Chi giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách du lịch.
Công ty đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư với số vốn điều lệ tự khai 45 tỷ đồng. Người này cũng cho biết, vài ngày sau khi Nguyễn Đức Chi bị bắt, Công ty mới phát hiện dấu chức danh của các thành viên HĐQT đã bị Chi ôm khỏi trụ sở cùng với giấy phép đầu tư số 4303000015 do tỉnh Ninh Thuận cấp ngày 12/11/2004.
Theo giải thích của một thành viên HĐQT Công ty Ninh Thuận, có khả năng Chi ôm theo dấu chức danh vì Công ty này đang giao cho Chi đi giải quyết một số vấn đề liên quan đến mã số thuế. Tuy nhiên, một nguồn tin từ cơ quan điều tra lại cho biết, trước khi bị bắt, “trùm lừa” Nguyễn Đức Chi đang dẫn khách đi... rao bán đất dự án khu du lịch mà Công ty Ninh Thuận được cấp phép đầu tư.
Sau khi Nguyễn Đức Chi bị bắt, HĐQT Công ty Ninh Thuận đã họp bất thường và cách chức Phó Tổng Giám đốc đối với Chi. Tuy là cổ đông của Công ty này, song cũng như ở nhiều dự án khác, trùm lừa Nguyễn Đức Chi vẫn chưa góp một đồng vốn nào.