
Ảnh: The Guardian
"Tôi luôn thích du lịch và đã dành phần lớn cuộc sống để di chuyển hoặc lên kế hoạch cho chuyến phiêu lưu tiếp theo", Jonny nói. Vào năm 2014, khi đang sống ở London, ông nhận tin bố - ông Eríc - mắc bệnh thần kinh vận động. Vì thế, ông ngay lập tức trở về quê nhà ở New Plymouth, New Zealand, để chăm sóc bố.
Tháng 10/2022, bố qua đời. Jonny đã rất đau buồn và cố tìm lại kết nối với thế giới bên ngoài.
Đầu năm 2023, ông đến quần đảo Galápagos nghỉ ngơi, ghé thăm Vịnh Bưu điện trên đảo Floreana, nơi đặt một thùng rượu whisky cũ dùng làm hòm thư từ năm 1793. Hòm thư này hoạt động theo cách cổ điển. Các thủy thủ mang thư từ cảng khác đến bỏ vào thùng và lấy những lá đang có trong thùng để chuyển đến cảng tiếp theo. Ngày nay, du khách thay các thủy thủ tiếp nối truyền thống vốn có này, để lại thư và lấy một bưu thiếp có thể chuyển đến nơi họ sắp đến.
Jonny mang đi hai lá thư, một của học sinh gửi giáo viên, một từ cô gái gửi bạn trai. "Những người nhận vô cùng biết ơn, và thật tuyệt vời khi mang lại niềm vui như vậy", ông nói.
Nhiều tuần sau, Jonny không thể ngừng nghĩ về những lá thư. Dù đã có kế hoạch đi du lịch tiếp, ông bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu dành một năm để giao thư từ hòm thư ở Galápagos. Người đàn ông nhận ra mình có thể vừa làm việc từ xa, vừa tận dụng dặm bay để đi khắp thế giới đưa thư hộ mọi người.
Jonny quyết định ghi lại hành trình trên mạng xã hội, vừa để ghi lại các cuộc phiêu lưu, vừa nâng cao nhận thức về bệnh thần kinh vận động MND - căn bệnh bố ông từng mắc. "Tôi đã chứng kiến bố dần mất khả năng di chuyển và giao tiếp. Điều này thật đau đớn, vì vậy tôi muốn tưởng nhớ ông bằng cách tạo ra những mối liên hệ có ý nghĩa với con người", ông nói.
Tháng 3/2024, ông trở lại Galápagos, chọn 55 lá thư và bưu thiếp với địa chỉ trải khắp các châu lục. Mục tiêu là giao một lá mỗi tuần tại ít nhất 52 quốc gia thuộc cả bảy châu lục, khởi hành từ Trung Mỹ và kết thúc ở châu Âu.
"Tôi cực kỳ lo lắng về những lần giao thư đầu tiên. Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào khi tôi gõ cửa nhà họ mà không báo trước. Tôi 52 tuổi và rất hướng ngoại, nhưng biết ngày nay mọi người rất cảnh giác khi nói chuyện với nhau", ông cho hay.
Ông tránh dùng mạng xã hội để liên hệ người nhận, chỉ dựa vào địa chỉ. Nếu không gặp được, ông hỏi thăm hàng xóm rồi mới cân nhắc tra cứu thông tin trực tuyến. Khi cần, bạn đồng hành hỗ trợ dịch, còn lại ông sử dụng Google. Ban đầu, nhiều người tỏ ra bối rối nhưng sau đó họ vui vẻ khi nhận thư.
Khi giao lá thư thứ 50 tại thành phố Bergen, Na Uy, Jonny suýt bị bắt vì một người phụ nữ không tin ông và nhầm cây gậy chụp ảnh là vũ khí, nên gọi cảnh sát. Ông phải trình bày hành trình trên Instagram để chứng minh.
Ở Belize, quốc gia nằm ở Trung Mỹ, ông giao một lá thư tình cho một người đàn ông thì mới biết người này vừa chia tay bạn gái. Vài tuần sau họ tái hợp.
Jonny thích thú nhất với lá thứ tám, ở Mexico, từ một cô con gái gửi mẹ, cảm ơn bà đã cho cô theo đuổi ước mơ. Người mẹ bị ốm nặng, con gái từng định bỏ chuyến đi nhưng mẹ khuyên cô tiếp tục. Đến giờ, Jonny vẫn giữ liên lạc với cả hai.
Khi kết thúc hành trình đi khắp thế giới giao 55 lá thư vào tháng 3 năm nay, Jonny tổ chức tiệc tại London, mời tất cả những người từng gặp, họ từ nhiều nơi trên thế giới đến tham dự, khiến ông cảm thấy xúc động và trân trọng những tình bạn bền chặt.
"Thử thách đã khép lại, tôi dồn tâm huyết viết sách và tham gia làm phim về chuyến đi. Nhưng rồi, tôi lại cảm thấy 'ngứa chân' không yên. Giờ đây, điều duy nhất tôi trăn trở là làm sao để bắt đầu cuộc phiêu lưu cuối cùng trong đời", Jonny cho hay.
>> Xem thêm 10 thói quen tiết kiệm của người giàu
Hằng Trần (Theo Guardian)