Biết đến một Hội chợ ngành da giày sẽ tổ chức tại Nhật vào tháng 6/2004, Vượng đã làm thủ tục thành lập công ty cổ phần Tân An Phát trụ sở ở 29 Hàng Khay, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và vợ anh ta Chu Hồng Bích đứng vai trò giám đốc. Cùng với một số người khác, Vượng - Bích đã làm giả tài liệu, dấu của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức cho người đi Nhật.
Tháng 3/2004, Vượng đã thuê 11 gian hàng tại Hội chợ triển lãm tại Nhật và lo các thủ tục để tổ chức cho các “doanh nhân” đi tham dự. Vợ chồng Vượng đã cùng một số môi giới đã thu của 22 người "có nhu cầu đi Nhật" ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Phú Thọ số tiền từ 1.000 USD đến 11.500 USD. Ngoài ra, Vượng còn nhận của 9 đầu mối khác là các công ty để thu tiền của 19 nạn nhân khác. Số tiền thu được là 135.000 USD. Vì nhiều người không đi được và tố cáo nên Vượng đã trả lại cho các bị hại.
Ngày 16/6/2004, 14 người đi Nhật dưới danh nghĩa đi dự Hội chợ triển lãm đã bị trả về Việt Nam. Tại cơ quan điều tra, họ đã khai nhận toàn bộ hành vi "chạy" tiền để được đi Nhật trái phép.
Ngày 30/6/2004, Vượng và 11 bị can bị khởi tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Trong thời gian tại ngoại chờ ngày xét xử, Vượng đã bỏ trốn. Đến tháng 9/2007, Vượng đã ra đầu thú.
Sáng 5/8, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Lê Thịnh Vượng về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Riêng tội danh làm giả dấu của cơ quan có thẩm quyền, không truy tố Vượng tại phiên tòa này. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Lê Thịnh Vượng 42 tháng tù.
Việt Dũng