Vợ chồng chị Barbara trên chuyến tàu Lào Cai ngày 7/7. |
Trên chuyến tàu Lao Cai 6 khởi hành về Hà Nội lúc 21h15 tối ngày 7/7 có một đôi vợ chồng người Mỹ. Chị Barbara là một giáo viên sinh học cùng chồng đi du lịch châu Á và Việt Nam là điểm đến cuối cùng của họ trước khi quay trở lại nước Mỹ.
Chị Barbara sau khi kể vụ đi vệ sinh mất 3 USD, hỏi thêm một câu làm PV Tuổi Trẻ chết sững: "Liệu có phải là người Việt Nam thường hay như vậy không? Có phải phong cách hay gây hấn (chị dùng từ aggressive) là bình thường đối với các bạn?".
Cũng tại Sa Pa, buổi chiều ngày 5/7, khi mua vé tham quan bãi đá cổ, cô nhân viên nhất định không chịu bán cho một đôi vợ chồng người Pháp vào với lý do là họ phải có hướng dẫn viên người Việt. Trên thực tế, không có gì khó hiểu đếm mức cần có hướng dẫn viên người Việt. Du khách xem phong cảnh, xem mấy viên đá cổ, chẳng cần đến hướng dẫn, đường đi là độc đạo, không thể lạc. Một du khách người Việt xin cô bán vé cho tôi được làm hướng dẫn viên cho họ, cô bán vé nguýt dài: “Ai cũng như chị thì chúng tôi làm sao...".
Sự ấu trĩ của những người bán hàng ở các điểm du lịch này cũng khiến nhiều du khách bất bình. Các địa phương của chúng ta đang làm du lịch theo kiểu ăn xổi ở thì, với tâm lý chắc chắn khách không trở lại nên "chặt" được bao nhiêu thì "chặt". Một ly trà đá giá 2.000 đồng tại một quán cóc trong khu chợ cóc của Sa Pa. Một ly nước mía tại khu bán nước giải khát cạnh vụng nước trước đảo được bán tùy hứng 4.000-6.000 đồng, tùy khách mà "chém". Trên đoạn đường đi ra Cát Bà, tàu dừng lại ở các bè bán cua-tôm-cá, một kg cua tại đây được bán với giá 180.000 đồng trong khi giá cua trong chợ Cát Bà chỉ 80.000-90.000 đồng/kg. Còn tại quán ăn không biển hiệu ở Hải Phòng, 2 kg cua được tính giá 600.000 đồng!
Trên đảo Tuần Châu, đi vệ sinh được tính giá 5.000 đồng/người/lượt, khách vẫn phải trả tiền ghế bàn ngồi bãi biển cho dù khách đã mua thức ăn thức uống tại đó. Với sự tận thu này, không biết Tuần Châu có đủ hấp dẫn du khách đến một lần nữa chăng?
Tại nhà hàng Tuyết Nhung, số 17 phố Chả Cá, Hà Nội, 2 đĩa bánh cuốn với nước chấm có 1/2 con cà cuống và 1 phần chả cá với chưa đầy 10 miếng chả nhỏ xíu được tính giá 120.000 đồng. Trong khi sáng hôm trước, tại một quán bánh cuốn vỉa hè đường Thanh Hà, gần Ô Quan Chưởng, một đĩa bánh cuốn giá 5.000 đồng mà chất lượng còn ngon hơn. Cũng tại Hà Nội, một chuyến xe ôm 2 lượt đi về từ ga Trần Quý Cáp về Ô Quan Chưởng được thỏa thuận là 15.000 đồng , sau khi đến nơi, người lái xe đòi 20.000 đồng với lý do đường vòng!
Tại Huế, xe xích lô có thể dừng dọc đường để vòi thêm tiền. Không chỉ có thế, trên đường đến lăng Minh Mạng có một biển chỉ đường viết bằng tiếng Anh "Hãy gửi xe tại đây, để đi lăng Minh Mạng". Xe của khách tham quan vừa đi ngang thì họ gọi vào: "Cổng lăng Minh Mạng đây rồi, đi bộ 10 phút thì đến". Thực ra con đường này đi vòng sau lăng, phải mất không dưới 1 giờ mới đến được cổng lăng. Nhieùe khách quay lại, những người giữ xe mặc nhiên thu tiền 5.000 đồng và... cười vào những người bị lừa.
Còn tại Hà Nội, ngày 2/7, một xe taxi không biển hiệu chạy vòng vòng 1 tiếng đồng hồ khi điểm đến chỉ cách chỗ đi chưa tới 15 phút. Khi taxi đến nơi, một người khách đã cãi nhau với người tài xế và cuối cùng thì giành được phần thắng bằng cách trả đúng số tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế.