Thứ nhất, lãi suất cao là nhân tố quan trọng nhất dẫn tới sự tăng giá của đồng USD. Theo các nhà phân tích kinh tế, cho đến cuối năm 2006 và sang năm 2007, triển vọng tăng giá của đồng USD là rất không chắc chắn. Lãi suất của đồng USD hiện đã quá cao và khó có thể tăng thêm nhiều nữa. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ lại khó có thể tăng cao lãi suất trái phiếu dài hạn, vì như vậy sẽ gây ra những rủi ro lớn cho thị trường bất động sản. Đây là nhân tố quan trọng khiến cho đồng USD có nguy cơ rớt giá so với các đồng tiền mạnh khác.
Thứ hai, sau nhiều năm duy trì mức lãi suất 2% (từ tháng 6/2003), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải nâng lên mức 2,75% nhằm kiềm chế lạm phát. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ECB sẽ tiếp tục nới rộng biên độ tăng lên mức 0,5% trong các lần tăng tới do áp lực của lạm phát ngày một tăng. Theo dự báo của Ngân hàng hoàng gia Scotland, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản của đồng Euro lên đến mức 3,25% vào những tháng cuối năm 2006 và sẽ duy trì ở mức này trong năm 2007. Với dự đoán này thì chênh lệch lãi suất của Mỹ và châu Âu đã có xu hướng giảm, làm cho các dòng vốn chảy vào Mỹ sẽ giảm khiến đồng USD giảm giá.
Thứ ba, đồng USD sẽ bị mất giá mạnh do cán cân thương mại của Mỹ ngày càng bị thâm hụt nặng nề và chưa có nhiều triển vọng phục hồi. Thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2005 của Mỹ tăng tới hơn 715 tỷ USD, bằng 6,5% GDP; dự kiến tăng lên mức 7% GDP vào năm 2006 và 10% GDP trong 5 năm tới.
Thứ tư, triển vọng của đồng USD trong nhiều năm gần đây không rõ ràng và các ngân hàng trung ương ở các nước châu Á cũng đã mua một lượng lớn USD, nên khả năng các nước này tiếp tục mua đồng USD cho dự trữ là tương đối thấp. Thực tế, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu chuyển sang mua đồng Euro nhằm đa dạng hoá nguồn dự trữ ngoại tệ của mình.
Với các lý do trên, các nhà phân tích khẳng định, nhu cầu đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế sẽ giảm sút, đồng thời giá trị của đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác cũng bị giảm. Tất nhiên,VN chịu ảnh hưởng trực tiếp của xu hướng tiền tệ chung trên thế giới nên cả nhu cầu lẫn tỷ giá USD tại thị trường trong nước cũng sẽ bị giảm theo, ít nhất là từ đầu năm 2007.
Hiện nay, tỷ giá mua/bán 1USD trên thị trường tự do trong nước khoảng 16.050/16.080 đồng, tiếp tục tăng 20 đồng/USD so với giữa tháng 9 và là mức cao nhất kể từ sau “cơn sốt” hồi tháng 5 đến nay. Theo giới kinh doanh, giá USD liên tục nhích lên do nhu cầu ngoại tệ để nhập vàng tăng cao và dự báo cả nhu cầu lẫn tỷ giá đồng USD sẽ còn tăng trong quý IV.
(Theo TTXVN)