Trần Tiến - Lê Mai thường đóng vợ chồng tổng thống Mỹ hay tổng thống Thiệu trong các vở kịch truyền thanh trên Đài Tiếng nói VN. Lê Vân chỉ là một đứa con nít như chúng tôi, cũng tập xe đạp, cũng chành chọe tranh đường. Một thời gian Vân ít xuất hiện, sau đó mới biết Vân vào trường múa, Chủ nhật mới về nhà.
Tuy không quen biết gì nhau, tôi đã cảm thấy ở Vân có một vẻ gì xa cách, lạnh lùng. Dãy phố có nhiều bạn nữ cùng tuổi chơi với nhau, nhưng Vân thì không. Dường như Vân cố khép mình, tạo khoảng trời riêng, thế giới riêng, ít tỏ vẻ thân thiện và có nhu cầu giao tiếp. Lúc đó tôi chỉ nghĩ "ờ nó xinh đẹp, nó có bố mẹ nổi tiếng thì nó phải thế chứ".
Tôi còn nhớ hình ảnh Vân lúc ấy, cao hơn tôi, trắng xanh, có vẻ mỏng manh yếu ớt như Lâm Đại Ngọc, ánh mắt như trông chờ một sự chở che nhưng cũng đầy bản lĩnh, kiêu sa.
Nghệ sĩ Lê Vân. |
Lại nói về thời bao cấp, ai mà chả khổ. Nhưng có lẽ Lê Vân quá nhạy cảm, hay dằn vặt suy tư nên nặng nề hơn chăng. Lũ con gái đứa nào mà chẳng phải dậy sớm xếp hàng mua gạo, mua thịt, mua rau. Nhà tôi may mắn có con trai nên con trai phải chịu trách nhiệm mua dầu và củi nấu bánh chưng ngày Tết. Tóm lại là một cuộc xếp hàng liên miên, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, huy động mọi thành viên của gia đình, trừ bố.
Đến tận năm 1988, khi chúng tôi 30 tuổi, chuyện xếp hàng mới giảm dần và chấm dứt hẳn. Tôi nghĩ, đó là những kỷ niệm vừa buồn vừa vui. Mình có thể rơi nước mắt mà tự hào rằng đã được sống trong một thời điểm lịch sử, có chiến tranh, có mất mát, có khổ sở nhưng cũng có những nụ cười. Ấy là khi cầm được miếng thịt, mớ rau, bìa đậu ra khỏi hàng người đông nghịt, đem về cho mẹ, cho bà.
Có những lần xếp hàng mua gạo, gặp bà Lê Mai hoặc con gái bà, tôi ngạc nhiên lắm. Họ là nghệ sĩ nổi tiếng, phải sang trọng chứ, phải được ưu ái chứ. Quả thật, họ là nghệ sĩ, được bồi dưỡng thanh sắc, tiêu chuẩn hơn chúng tôi vài ký gạo, vài lạng đường, vài lạng thịt và hơn hẳn mấy hộp sữa, chế độ mà chỉ có bà đẻ mới được hưởng.
Nhưng họ vẫn phải xếp hàng để mậu dịch viên cắt những ô phiếu, để cô hàng gạo ghi chép vào sổ gạo. Tôi không thần tượng nghệ sĩ, nhưng tôi tôn trọng và yêu mến họ, và tôi nghĩ họ phải được sống trong một thế giới lãng mạn, không bận tâm cơm áo tầm thường, với phấn son lộng lẫy và áo quần rực rỡ.
Nếu Lê Vân phải dán hộp thì tôi cũng từng làm tăm. Tuy không quá nghèo khổ và bức bách như nhà Lê Vân nhưng tôi muốn làm ra tiền. Khoảng 12 tuổi, cả lũ trẻ con số nhà tôi làm tăm. Tôi không biết là sau một tuần hay một tháng, tôi nhẩm tính được 1,1 đồng tiền công. Lũ chúng tôi cứ trông chờ, ao ước đến ngày nhận tiền. Và đó là một ngày hội, tôi được 1,2 đồng.
Sung sướng, tự hào thấy mình có ích. Tôi xếp chúng trân trọng vào hộp, cạnh những đồng năm xu, một hào được mừng tuổi từ những năm trước. Thỉnh thoảng lại mở hộp ra xem, đếm lại những tờ bạc xanh đỏ phẳng phiu. Tôi cứ lâng lâng, cất giữ đến hơn chục năm sau, đồng tiền mất giá, số tiền quý báu chỉ còn mua được một đến hai que kem. Một kỷ niệm đẹp.
Tôi chia sẻ và đồng cảm với Vân, dù không thật biết nhau. Tôi cũng từng cùng mẹ quét lá về đun. Đường Phan Đình Phùng nhiều lá sấu mà lá sấu đun thì khói và không đượm như lá khác. Nhưng cũng đành, còn hơn không có, vẫn tiết kiệm được dầu hỏa. Chị em tôi cũng rình, sau những cơn mưa to gió lớn ra nhặt cành cây gẫy rụng về đun.
Chúng tôi không đủ dũng cảm như mẹ con Vân, xông ra đường lúc trời mưa to để nhặt củi. Nhưng họ dũng cảm có lý, lúc ấy không có ai nhặt cùng, chẳng có ai tranh, tha hồ lôi về.
Tôi còn nhớ hồi ấy, cứ mua được hai hào rau muống mậu dịch, mẹ tôi lại ngồi dãi thẻ, xung quanh rổ lớn rổ bé. Mẹ tỉ mỉ phân loại, loại già, loại non, chỗ tươi, chỗ héo để chia làm nhiều bữa. Bố tôi, một nhà giáo chưa bao giờ biết xếp hàng là gì, nhìn cảnh này bèn hát: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau”. Một trận cười tán thưởng, vỡ oà hạnh phúc. Không biết nhà Lê Vân có cảnh này không?
Rồi chúng tôi trưởng thành. Con phố Phan Đình Phùng vẫn đẹp và quyến rũ như xưa. Có máu viết lách, có chút thích giao lưu nghệ sĩ, tôi theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đi viết báo, làm cộng tác viên cho Tạp chí Nghệ thuật thứ bảy. Hoàng Nhuận Cầm viết về Lê Vân, rủ tôi đi cùng.
Lần đầu tiên tôi bước vào căn phòng của gia đình mà tôi đã biết từ lâu. Một căn phòng không có đồ đạc sang trọng nhưng hết sức gọn gàng, ngăn nắp. Vân vẫn thế, không nói nhiều, vẫn hơi lạnh lùng xa cách, mặc dù thái độ rất chuẩn mực, tinh tế. Hồi đó Vân đang rất nổi tiếng với các phim Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng mười, Thằng Bờm...
Sau đó, tôi được giao viết về nghệ sĩ Trần Tiến. Gia đình Lê Vân đã chuyển về Thụy Khuê, chỉ còn Lê Khanh ở lại Phan Đình Phùng. Hôm tôi đến phỏng vấn Trần Tiến, ngồi ở phòng khách, thấy một người đàn ông ngang qua. Người này cao, gầy, mặt rất nét, dáng vẻ như hiệp sĩ thời xưa kiểu chàng ngự lâm quý tộc trong Ba chàng ngự lâm pháo thủ.
Tôi buột miệng: “Chú này cũng làm trên xưởng phim ạ?”. Trần Tiến trả lời: “Chồng Lê Vân đấy”. Tôi hơi ngạc nhiên. Chồng Lê Vân à, trông thì Tây đấy nhưng hơi già. Về sau nghe nói, đó là một Việt kiều ở Canada, vì mê Vân mà về nước ở.
Bài tôi viết về Trần Tiến, không có liên quan gì đến ba cô con gái nổi tiếng. Vì bản thân ông là nghệ sỹ danh giá, không cần gia vị mắm muối đã rất đình đám rồi. Ông đã khẳng định vị trí trong lịch sử sân khấu hiện đại.
Hôm đó, tôi không gặp Vân. Cuối năm, tôi mang giấy mời của Toà soạn Nghệ thuật thứ Bảy đến mời Vân dự Hội nghị cộng tác viên cuối năm. Vân đến, vẫn vẻ nền nã, cao sang, bộ đồ đen tôn dáng người thanh tao quý phái.
Nếu như trong dịp cuối năm này, ai cũng vui vẻ, hớn hở, tay bắt mặt mừng, hỏi chuyện gia đình, chồng con, hẹn tết đến nhà chơi nhé thì Vân vẫn thế, một mình một cõi, lặng lẽ ngồi, lặng lẽ nghe, lặng lẽ mỉm cười.
Mọi người dường như biết cá tính Vân nên chỉ chào xã giao. Hôm đó có cả Hoàng Cúc, tài sắc không kém Lê Vân. Cả hai đang nổi đình nổi đám với Đêm hội Long Trì. Hoàng Cúc có vẻ hòa đồng hơn, thân mật hơn.
Cho đến giờ đây, tôi vẫn tự thấy nhận xét về Lê Vân của mình là đúng: Rất bình dị nhưng không kém kiêu sa, hiền thục khả ái nhưng vô cùng sắc sảo, hồn hậu đằm thắm mà xa cách. Một diễm phúc hay một bất hạnh.
Tự truyện về Lê Vân ra mắt, nhiều điều tiếng khen chê. Còn tôi chỉ có sự đồng cảm, sẻ chia. Dù tôi không được vinh quang như chị, nhưng tôi cũng không có nỗi khổ đau chất chứa của chị. Có lẽ chị là nghệ sĩ, nhạy cảm quá nên khó bỏ qua.
Hãy đừng bắt bẻ Lê Vân, hãy đừng lên án Lê Vân. Chị cần được giãi bày, giải tỏa những mối bận lòng. Sự siêu thoát thanh thản chẳng là ao ước của bao người đấy sao.
Xin trích dẫn câu kết của Hoàng Nhuận Cầm trong bài báo viết về Lê Vân thủa ấy mà tôi còn nhớ mãi: “Chia tay Lê Vân, tôi đi dọc con đường Phan Đình Phùng. Hai hàng cây trút lá vàng như những vệt lông ngỗng. Tôi bỗng nghĩ vẩn vơ, nhưng linh cảm thì đã chính xác, một hôm nào đó, Lê Vân, với tâm trạng của nàng Mỵ Châu bị người tình đánh cắp mất nỏ thần, chị sẽ đi thẳng đến trường quay. Ở đó, chắc chắn đạo diễn Hải Ninh đang đợi chị!”.
Chắc chắn rằng Lê Vân sẽ không bao giờ là một nàng Mỵ Châu như nhà thơ mong muốn. Nhưng mong muốn của riêng chị thì đã thành sự thật: Chị đang yêu, đang sống...
Nga My
(Theo Tiền Phong)