Nhận nuôi đến khi các con trưởng thành
Ba năm qua, nhiều người dân ở TP Hải Dương biết đến ngôi nhà nhỏ trên đường An Ninh, phường Quang Trung của vợ chồng anh Đỗ Văn Dương (32 tuổi) và chị Kiều Thị Thu Lý (31 tuổi). Đây là nơi anh chị thuê để nuôi dưỡng bảy cháu nhỏ người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Dương kể, vợ chồng anh vốn là những người kém may mắn. Bản thân anh mất mẹ, vợ còn thiệt thòi hơn khi không còn cả bố và mẹ. Anh chị kết hôn nhiều năm nhưng chưa có con. Thường xuyên đi tình nguyện ở vùng cao, tận mắt chứng kiến nhiều cháu nhỏ khó khăn, vất vả vì không có cha, mẹ, vợ chồng anh Dương nhiều đêm trăn trở, và đã quyết định nhận các cháu về nuôi.
"Các con đều là người dân tộc Mông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng tôi nhận nuôi đỡ đầu tới khi các con học xong, khôn lớn", anh Dương nói và cho biết thêm dù đón các con về chăm sóc, anh chị không chuyển hẳn giấy tờ nhận làm con nuôi. Sau này các con trưởng thành, các con có thể về quê theo đuổi ước mơ, phụ giúp người thân ở quê.

Vợ chồng anh Dương nhận nuôi 8 cháu, một cháu đã trở về với gia đình sau khoảng thời gian được anh chị chăm sóc.
Vợ chồng anh Dương nhận nuôi cháu đầu tiên năm 2016. Anh Dương tình cờ biết về hoàn cảnh của anh em Thào Văn Mình (18 tuổi) và Thào A Sình (17 tuổi) ở huyện Ha Hang (Tuyên Quang). "Hai cháu mất bố, mẹ đi bước nữa, bỏ lại con cho người chú nuôi dưỡng, nhưng gia cảnh người chú quá khó khăn, đông con nên không còn khả năng nuôi cháu", anh Dương chia sẻ
Anh Dương - chị Lý mong con mãi chưa có, lại chứng kiến cảnh những đứa trẻ không được học hành đầy đủ, ngày ngày vào rừng kiếm rau, măng ăn qua ngày, lòng anh chị thắt lại. Anh Dương bàn với vợ đưa hai cháu về nuôi, chị Lý đồng ý ngay.
Nhận hai con nuôi được một tháng, vợ chồng anh Dương lại được cộng đồng người Mông giới thiệu hai cháu là Giàng A Tủa (18 tuổi) và Giàng A Lầu (16 tuổi) ở Sơn La. Bố mẹ của hai cháu vẫn còn nhưng gia cảnh quá khốn khó, không thể nuôi con. Vợ chồng anh Dương lại đón các cháu về cho ăn học.
"Khi ấy nhận nuôi, bốn cháu đã hơn 10 tuổi, về ở chung chúng tôi coi các cháu như em trai. Sau vài tháng, một ngày các cháu kéo lên phòng, đồng thanh xin phép được gọi chúng tôi là bố mẹ. Lúc ấy, tôi chỉ biết chạy đến ôm các con vào lòng mà chẳng nói được từ nào", chị Lý nhớ lại ngày đầu tiên được gọi là mẹ.

Anh Dương, chị Lý đi học quay vịt về dạy lại các con, mong các cháu có cái nghề kiếm sống sau này.
Thời điểm nhận nuôi bốn cháu đầu, vợ chồng chị Lý đang làm nông nghiệp ở thị xã Kinh Môn. Cuộc sống chẳng dư dả nhưng cả hai vẫn bàn nhau quyết tâm đón các cháu về chăm sóc, cho các cháu đi học để có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Để tạo điều kiện tốt hơn cho các con ăn học, năm 2018, vợ chồng chị Lý quyết định rời quê lên TP Hải Dương sinh sống. "Thời gian đầu chúng tôi làm đủ nghề để nuôi các con, khó khăn nhưng may có mọi người chung tay giúp đỡ", anh Dương nhớ lại. Sau này, để có thời gian chăm sóc, bảo ban các con, anh chị đi học làm vịt quay về mở quán. Vợ chồng anh chị hi vọng đây có thể là cái nghề cho các con phát triển sau này.
Sáu năm được anh chị nhận nuôi, đứa con đầu tiên của họ là Giàng A Tủa đã trở về quê với bố mẹ ruột. "Tủa mới khoe đã cùng bố mẹ đi làm thuê trả hết khoản nợ", chị Lý phấn khởi nói.
Các con còn lại, theo chị Lý, đều đã có ước mơ của riêng mình. Sình muốn đi xuất khẩu lao động. Cháu Mình muốn theo đuổi con đường âm nhạc và đang học sửa đàn, dạy đàn cho một cửa hàng tại TP Hải Dương. Còn Lầu mong muốn sẽ làm nghề cắt tóc và hiện phụ trách làm đẹp cho cả nhà dù chưa qua trường lớp nào.

Năm năm, đón tám người con về nuôi dưỡng, điều khó khăn nhất đối với vợ chồng anh Dương chị Lý là sự bất đồng ngôn ngữ. Các cháu nhỏ không biết tiếng Việt nên ngoài chăm sóc, anh chị thay nhau dạy con.
'Các cháu lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn'
Là người chứng kiến các cháu được nhận nuôi từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Huyền, hàng xóm nhà anh Dương thấy cảm phục đôi vợ chồng trẻ. Chị Huyền nhớ, ngày đầu khi những đứa trẻ được đưa về đây, đứa nào đứa nấy đều đen nhẻm, cả ngày ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài.
"Thi thoảng chúng í ới tiếng Mông, rồi chạy ra xem ôtô, tôi chẳng hiểu được gì, nhưng nhìn vừa thấy thương, lại buồn cười. Giờ các cháu đều trắng trẻo như trai phố rồi", chị Huyền nói.
Tiếp lời chị Huyền, bà Nguyễn Thị Thanh, một người hàng xóm khác cho hay, các cháu rất ngoan, sau thời gian được đón về đã nói được tiếng Kinh.
"Bọn trẻ gặp ai cũng chào hỏi cẩn thận. Còn anh Dương chị Lý tôi chưa bao giờ nghe thấy họ nặng lời với các cháu", bà Thanh chia sẻ.

Các cháu được học trong trường top đầu của TP Hải Dương, miễn hoàn toàn học phí.
Ông Nguyễn Đình Hồng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết thời điểm vợ chồng anh Dương chuyển đến, địa phương đã chủ động kiểm tra, xác định nhân thân của các cháu.
"Sau khi xác định được nhân thân các cháu, chúng tôi tạo điều kiện để vợ chồng anh Dương đăng ký thường trú và làm các thủ tục để các cháu được đi học", ông Hồng cho biết hiện các cháu đều được học tại ngôi trường top đầu của thành phố và miễn học phí. Người dân xung quanh và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ anh Dương chị Lý nuôi các cháu nhỏ.
Cô Vũ Thị Tuyết Lan (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B - Trường Tiểu học Tô Hiệu, nơi các con của anh Dương chị Lý theo học), cho hay nhà trường và các thầy cô đều rất quan tâm đến các em. Các thầy, cô dành thời gian kèm thêm vì khi mới nhập học, các con đều không hiểu tiếng Việt. Sau vài tháng, các cháu đều theo kịp chương trình, cháu Sồng còn thường xung phong phát biểu.
Đông Vũ