Có ít nhất 43.000 người bán đồ ăn rong tại Bangkok, đội quân đông đảo với nhữnh chiếc xe chất đầy thực phẩm xuất hiện ở khắp các ngõ ngách của thành phố, một quan chức chính quyền thành phố cho hay. Trong số đó có Sompong Seetha, người trong 8 năm nay luôn thức dậy từ trước lúc mặt trời mọc để chuẩn bị món cơm gà nổi tiếng của mình, một đặc sản từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Món tủ của anh gồm thịt gà luộc với tương gừng, đi kèm với cơm và một bát nhỏ nước suýt.
![]() |
Một hàng ăn trên vỉa hè đường phố Bangkok. |
"Đây là thứ duy nhất tôi biết nấu”, Sompong cho biết khi anh dùng chiếc xẻng than mở nắp nồi cơm khổng lồ đang nghi ngút khói.
Các sạp hàng ăn trên phố chính là nơi kiểm chứng chất lượng của ẩm thực của Thái Lan, sự đua tranh giữa cái nóng và sự thèm ăn của gần 10 triệu người Bangkok háu ăn và thường rất kén chọn.
Sompong, 38 tuổi, đã phải từ giã những thửa ruộng nơi quê nhà ở phía bắc Thái Lan vì không đủ sống. Giờ đây, những con phố bê tông ngoằn nghèo của trung tâm thủ đô Bangkok được anh chọn là nhà.
Tại Bangkok, người ta có cả sự yêu mến và ghét bỏ những người bán hàng rong. Chính quyền thành phố cấm họ hoạt động tại một số địa điểm bởi họ có thể gây cản trở giao thông, là vật chướng ngại trên hè phố và khuyến khích lũ gián và sâu bọ sinh sôi nảy nở trên những đống thức ăn thừa mà người ta vứt trên cống rãnh.
Một bài báo gần đây trên tờ Nation đã mô tả những người bán hàng rong như “vật ký sinh” và sự xuất hiện của họ được gắn với cái tên “ăn mày có tổ chức, những nhóm trẻ con đường phố hư hỏng và bạo lực, những người đứng sau nhiều vụ ăn cắp vặt trong trung tâm thành phố”.
Nhưng thật khó tưởng tượng Bangkok mà không có những người bán hàng rong. Một đám đông những khách hàng trung thành của Sompong tụ tập xung quanh sạp hàng của anh như những đứa trẻ háu đói trước cửa căng tin ở trường.
Khách hàng của Sompong được phục vụ rất nhanh chóng, nhưng bí quyết phục vụ của anh lại chẳng liên quan gì đến tốc độ. Dù là người ít lời, Sompong trò chuyện với khách hàng của mình nhiều hơn những cậu thiếu niên đằng sau quầy thu tiền tại các cửa hàng hamburger có điều hòa máy lạnh.
Sompong nhớ rất rõ sở thích của từng khách hàng: thịt trắng hay thịt đen. Vài quý cô không ăn da bởi họ sợ béo, anh cho biết. Và khi khách hàng nào đó lâu lâu không ghé qua, anh sẽ hỏi họ lý do.
Để phục vụ hàng trăm khách hàng quen thuộc, Sompong phải dậy từ lúc nửa đêm, đến các khu chợ ngổn ngang nơi người ta bán hàng từ lúc rạng đông, và sau đó là băm chặt từ sáng sớm và tạo ra một thứ mà anh gọi là “nước sốt bí ẩn”.
Điều tuyệt vời là dù Sompong phải hối hả và làm việc nặng nhọc như vậy, khách hàng của anh chỉ phải trả 30 baht (12.000 đồng) cho một đĩa cơm trộn gà đầy tú hụ, quá rẻ so với giá cả ở Bangkok.
Những món ăn đường phố không đắt mà lại ngon tô điểm thêm cho sự xa hoa của thành phố. Đối với khách du lich người nước ngoài và những người giàu có ở Thái, thành phố này tiêu biểu cho cuộc sống hiện đại mà chi phí rẻ : những toà nhà chọc trời và những khách sạn hào nhoáng, 5 USD cho một giờ massage chân, 2 USD cho một cuốc tắc xi có điều hoà chạy quanh thành phố, 7 USD cho người phục vụ chơi golf, tính cả tiền boa.
Khi Sompong rời khỏi gia đình nhỏ với trang trại trồng lúa của mình 9 năm trước, anh dừng chân tại nhà ga chính của Bangkok mà không biết mình sẽ làm gì. Anh làm cho một quán phở bò và kiếm khoảng 2,5 USD một ngày. Nhưng anh muốn tự mình làm chủ. Vì vậy Sompong vay 1.200 USD của một chủ cho vay nặng lãi người Ấn Độ và bắt đầu nghiệp bán cơm gà. Dần dần anh đã có khách hàng và trả được số nợ với lãi suất 20% kia.
Các sạp bán đồ ăn ở Bangkok giúp cân bằng xã hội. Người ta có thể bắt gặp một quán mỳ đặc trưng nơi những người lao dân lao động không mặc áo ngồi ăn bên cạnh những người thuộc lớp trung lưu và ăn mặc sang trọng. “Những quán mỳ này đủ ngon để thu hút người sành ăn và đủ rẻ để hút tầng lớp lao động”, Robert Halliday, một trong các chuyên gia hàng đầu về các nhà hàng của Thái, bình luận.
Những chiếc bàn nhôm với những chiếc ghế nhựa của Sompong xếp dọc theo một con ngõ nhỏ nối với một đoạn phố cụt. Đó không phải là chỗ lý tưởng để bán hàng ăn.
Sompong bèn thuê tầng trệt của một ngôi nhà mái lợp gỗ cổ lỗ sĩ giữa một khu sang trọng, những toà công sở cao tầng và sứ quán.
Thức đậy từ lúc 3 giờ sáng và làm việc thâu đêm ở Bangkok là một công việc đơn độc, thậm chí sau khi có thêm người giúp việc tên là Wilawan Kopaikaew mà anh trả 7,5 USD một ngày. Có quá nhiều việc phải làm: rửa gà, thổi cơm, làm nước sốt, trải bàn... Công việc bận rộn đến mức hai người ít khi nói chuyện với nhau.
“Bạn phải làm quen với sự cô đơn thôi”, Sompong nói.
Trong hệ thống cấp bậc của những người bán đồ ăn dạo ở Bangkok, Sompong ở mức giữa. Anh có một cuộc sống khá dễ chịu, kiếm khoảng 17 USD một ngày, chạy bộ thể dục mỗi tối cạnh công viên Lumpini và thỉnh thoảng đi xem phim.
Sompong vẫn là người độc thân sau khi từ bỏ cuộc hôn nhân mà anh cho là sai lầm ở quê nhà. Anh sống trong một phòng rộng không đến 10 mét vuông.
Sompong vẫn chưa giành được một chỗ bán hàng lý tưởng trên con phố ẩm thực nổi tiếng của Bangkok. Cách quầy hàng của anh khoảng 15 phút đi bộ là một gia đình bán nộm đu đủ và gà nướng, một cửa hàng ăn và nhà hàng nổi tiếng với tên gọi Soi Polo Som Tam.
Pongsi Sapketsobha, người chủ nhà hàng, cho biết gia đình cô sở hữu một chiếc Mercedes, một chiếc BMW, một chiếcVolvo và vài cái xe khác. Các con cô đang theo học các trường đại học tư. Gia đình cô có một đồn điền cao su ở phía bắc Thái Lan và vài ngôi nhà trong thành phố.
“Có thể nói tôi đủ khả năng mua bất cứ thứ gì tôi muốn”, Pongsi cho biết.
Và tất cả những thứ đó đến từ món nộm đu đủ và gà rán không quá 3 USD.
Mục đích của Sompong giản dị hơn nhiều. Anh mơ ước một ngày nào đó mở được một hiệu massage, nhưng để biến giấc mơ đó thành hiện thực, Sompong còn phải bán rất nhiều đĩa cơm gà nữa. Số tiền mà anh dành dụm được mới chỉ là 2.000 USD.
(Theo VnExpress)