Luyện tập sơ cấp cứu, một công việc thường xuyên của chi đoàn ấp 4, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An. |
Khi anh Mẫn tới nơi thì người thanh niên mặc đồng phục Công ty Lê Long ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đang nằm bất động trên đường. Chiếc xe đạp cong queo nằm lăn lóc cách đó cả chục mét. Không ai bảo ai, những người con ông Minh chia nhau mỗi người một việc: Mẫm và Quang Minh lo sơ cứu, đưa nạn nhân đi bệnh viện. Mẫn bảo vệ hiện trường, gọi điện báo công an... Công việc được phân công gọn như một kíp trực.
Đoạn quốc lộ 1A từ cầu Ván tới cầu Bến Lức hơn chục năm nay nổi tiếng là “đoạn đường tử thần”, một trong số những “điểm đen” trên quốc lộ. Chuyện cả gia đình ông Minh hễ nghe có tai nạn là lao ra đường cứu người bắt đầu vào khoảng năm 1996. Khi ấy ở ấp 4, xã Nhựt Chánh xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng: hai chiếc xe đò chở khách tông nhau. Một xe tải từ phía sau thắng không kịp ủi vô dính chùm. Hơn 40 người trên xe bị thương kêu khóc náo động cả xóm. Chỉ vài phút sau ông Minh và những người con của mình đã có mặt.
Ông Minh nhớ lại: “Do có quá nhiều người bị gãy tay, gãy chân nên tôi phải bẻ cây xanh bên đường làm nẹp, xé áo của nạn nhân và áo của mình để băng bó cho họ. Cả chục người dân trong xóm cũng chạy ra hỗ trợ”.
Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, ông Minh quyết định lập đội cứu nạn tình nguyện mà thành phần chủ chốt là mấy cha con ông. Dần dần ông vận động thêm một số thanh niên trong xóm gồm có dân phòng, xe ôm, đoàn viên. Thấy việc làm của ông Minh có ích nên bà con “OK” liền. Tiếp theo vụ tai nạn kinh hoàng đó là một vụ tai nạn khác.
Bà Ngô Thị Móc, ở ấp 4, kể: “Chiếc xe loại 12 chỗ chạy từ Tân An đi TP HCM lao xuống đám ruộng sình lầy cạnh cầu Ván. Một lát sau ông Minh và mấy người con đã có mặt, lấy xà beng nạy chiếc xe lên để cứu người”.
Ông Minh bảo tới bây giờ vẫn còn thấy buồn vì bất lực trước cái chết của hai người: “Có một người bị chiếc xe đè lên đang giơ tay kêu khóc. Cha con tôi và cả chục người trong xóm nhảy xuống dùng xà beng nạy lên, nhưng chiếc xe quá nặng, cứ lún hoài”. Trong số hai người chết có một phụ nữ mang theo gần 50 khâu vàng, ông Minh đã tìm không thiếu một khâu để giao công an xử lý.
Hơn chục năm qua ông Minh và những người con của ông không nhớ đã cứu nạn bao nhiêu lần trên “đoạn đường tử thần”. Để không phải bẻ cây làm nẹp, xé áo làm băng, ông đề nghị Hội Chữ thập đỏ cung cấp “đồ nghề” và tổ chức tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu cho tất cả thành viên trong đội mỗi năm 1-2 lần.
Ông phân công con trai Phan Công Mẫn, nhà ở sát quốc lộ, hoặc những người chạy xe ôm phải có mặt xử lý đầu tiên và gọi điện vô “tổng đài” tại nhà ông nếu có TNGT. Phần ông tiếp tục gọi điện thoại báo tin cho những người khác cùng ra hỗ trợ.
Số điện thoại tại nhà ông Minh trở thành “đường dây nóng” từ hồi nào không ai nhớ. Hễ trên đoạn đường này xảy ra TNGT thì người dân bấm ngay số này đồng thời gọi 113. Những người con của ông và các thành viên khác đã sắm điện thoại di động để liên lạc. Khi nhận được thông tin có TNGT, “tổng đài” của ông Minh hoạt động hết công suất. Chi phí điện thoại, xăng dầu đưa nạn nhân đi bệnh viện từ hồi đó tới giờ ông đều tự túc.
Anh Nguyễn Văn Đạo, một tình nguyện viên sống bằng nghề chạy xe ôm, nói: “Mấy năm nay tôi chở rất nhiều người tới bệnh viện cấp cứu sau khi được bác Minh sơ cứu. Chẳng có tiền bạc gì cả. Có ai muốn bị nạn đâu, mình giúp người ta được cái gì thì giúp”.
Anh xe ôm Nguyễn Minh Hùng cũng đảm đương việc báo tin, hỗ trợ cứu nạn giống như anh Đạo. Ai cũng ráng sắm cho mình điện thoại di động. Họ thường đậu xe đón khách ở khu vực trường THCS Trần Thế Sinh mỗi khi tan trường để giúp bọn trẻ, bởi hàng trăm học sinh băng qua quốc lộ mỗi ngày trong khi xe cộ dày đặc rất nguy hiểm. Vài năm trước vì sợ bọn trẻ gặp nguy hiểm nên họ đã ra đường giăng dây chặn xe cho học sinh qua đường. Bây giờ nhà trường đảm đương việc này.
Nhiều lúc đang chở khách đi Tân An hoặc TP HCM mà nghe ông Minh gọi thì tức khắc anh Đạo vội vã quay về. Có khi anh quẳng chiếc xe máy bên lề đường rồi hộ tống nạn nhân lên xe đi bệnh viện.
Mới đây, khoảng 20h “đường dây nóng” của ông Minh nhận tin báo có một tên trộm cắt dây điện của người dân xóm dưới. Chỉ sau vài cú điện thoại, hàng chục thanh niên trong ấp có mặt phong tỏa các con đường rồi tóm được tên trộm giao công an. Từ đội cứu nạn, nhóm của ông Minh kiêm luôn nhiệm vụ an ninh xóm ấp.
Gần đây, do quốc lộ được mở rộng và có dải phân cách nên TNGT khu vực này giảm nhiều. Dù vậy ông Minh và Hội Chữ thập đỏ xã vẫn thường xuyên huấn luyện kỹ thuật sơ cấp cứu cho những thành viên của đội. Chi đoàn ấp do con trai ông Minh là Phan Tấn Mẫm làm bí thư hai năm nay cũng “tạo nguồn” được sáu tình nguyện viên sẵn sàng kế thừa nhiệm vụ thay cha đã già yếu.
Anh Mẫm cho biết chi đoàn ấp có hơn 20 đoàn viên. Sáu bạn trẻ trong số này đã tham gia huấn luyện kỹ thuật sơ cấp cứu và nhiều lần cứu nạn cùng ông Minh. Bình thường các bạn Ngọc Thạch, Huy Cường, Tấn Dũng, Tấn Mẫm, Kiều Trang, Duy Tân đi làm, nhưng khi có ai “alô” thông báo thì họ có mặt ngay.
Ông Minh ao ước: “Đội cứu nạn của gia đình và chi đoàn thằng Mẫm mà thất nghiệp năm này qua tháng khác thì càng vui hơn”.
(Theo Tuổi Trẻ)