![]() |
Xe tay ga do các liên doanh trong nước sản xuất. |
Đến thời điểm này, gần 45 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy nội địa đang ngoắc ngoải. Nhiều năm qua, dù đã có chiến lược đầu tư, chuyển giao công nghệ bài bản, chất lượng xe không thua kém, giá lại rẻ, thế nhưng xe của các doanh nghiệp nội địa vẫn không bán được.
Theo các doanh nghiệp, ngoài việc chưa thay đổi được thói quen dùng hàng ngoại của người tiêu dùng, còn có sự thiếu hỗ trợ của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương.
Phản ánh từ các đại lý bán xe cho biết, gần đây lực lượng QLTT các địa phương thường xuyên tới “kiểm tra” cửa hàng bán xe máy rồi lấy lý do: "... nghi có dấu hiệu vi phạm về kiểu dáng công nghiệp xe máy đang được bảo hộ tại Việt Nam”, ra quyết định niêm phong hàng loạt sản phẩm được doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất xe máy như Tập đoàn xe máy T&T, Công ty Thương mại Hoàng Huy…, đã rất khổ sở về chuyện này. Theo họ, cách làm của QLTT là “nhận dạng” vi phạm kiểu dáng công nghiệp qua ảnh do các nhân viên chụp lại rồi ra “kết luận” chứ không cần giám định trực tiếp bằng hiện vật để so sánh sự giống và khác nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Tuyết, Phó giám đốc Công ty Thương mại Hoàng Huy, bức xúc: “Xe thương hiệu Damsan của chúng tôi được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) công nhận có kiểu dáng khác biệt cơ bản so với kiểu dáng độc quyền của Honda Việt Nam, nhưng khi kiểm tra, cán bộ QLTT chỉ “nhìn thấy” nét giống mà không thấy những điểm khác biệt”. Tương tự, một cán bộ của Tập đoàn xe máy T&T cũng cho rằng cơ quan này chỉ “nhìn vào” ảnh và phán xe của tập đoàn “không khác biệt cơ bản” với xe liên doanh.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu họ vi phạm sẽ chấp nhận bị xử lý, nhưng với cách thẩm định thiếu thực tế này đã gây cho họ nhiều nghi vấn. Thế nhưng, tại buổi tọa đàm “Xe máy và vấn đề sở hữu công nghiệp” được tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội, khi giải thích về cách làm trên, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại thuộc Cục Sở hữu trí tuệ lại cho rằng: “Không có điều luật nào quy định cấm giám định qua ảnh; và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định bằng hiện vật”. Dư luận đặt câu hỏi: vì sao Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực lại không áp dụng cho khoa học mà phải nhìn qua ảnh cho trừu tượng?
Theo số liệu thống kê, năm 1996 cả nước mới có gần 4,3 triệu chiếc xe máy đăng ký, thì đến nay con số này đã tăng lên khoảng 17 triệu xe. Có thể nói thị trường đang có dấu hiệu bảo hòa nhưng ngành công nghiệp sản xuất xe máy ở nước ta vẫn còn đầy tiềm năng.
Cũng theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm 2006, hãng Yamaha bán tăng 150% so với cùng kỳ năm 2005, Honda tăng 100%... vì vậy không thể nói thị trường đã hết chỗ cho các dòng xe khác.
Dư luận cho rằng, phải chăng sự khó khăn thị trường của các doanh nghiệp sản xuất xe máy trong nước là chính sự gây khó dễ từ lực lượng QLTT các địa phương trong việc quy cho tội vi phạm kiểu dáng công nghiệp một cách rất mập mờ?
Theo Hiệp hội Ô tô- Xe máy- Xe đạp Việt Nam, để tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua các doanh nghiệp xe máy trong nước đều chọn hướng sản xuất xe giá rẻ, phục vụ thị trường nông thôn.
Các doanh nghiệp bức xúc cho biết, hiện nay việc kiểm tra vi phạm sở hữu công nghiệp lại không được các lực lượng kiểm tra từ nhà máy sản xuất một cách công khai mà cứ nhắm thẳng vào các đại lý tiêu thụ, gây khó khăn “đầu ra” cho các doanh nghiệp, dù chưa biết xe có vi phạm hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì phải xử lý triệt để, còn không thì cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho họ phát triển, chứ không thể lập lờ để gây khó dễ.
Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cũng cho rằng nền công nghiệp xe máy của ta còn non trẻ, nhu cầu xe máy cho người dân còn nhiều, những chiếc xe do Việt Nam sản xuất có giá cả phải chăng, được cơ quan đăng kiểm cho phép lưu hành thì không có lý do gì bị coi là vi phạm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính người tiêu dùng trong nước.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)