Không dừng lại ở đó, một vấn đề nhức nhối hiện nay đang nổi lên mà tại hội nghị sáng qua, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - thiếu tướng Cao Ngọc Oánh - đã nhấn mạnh: "Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước dù nhiều hay ít đã xuất hiện các doanh nghiệp ma".
Mở đầu hội nghị "Sơ kết hai năm thực hiện quy chế phối hợp phòng chống các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế" giữa Tổng cục Thuế (TCT) và Tổng cục Cảnh sát (TCCS) được tổ chức tại TP HCM sáng qua, ban tổ chức đã tạo ấn tượng mạnh với các đại biểu bằng việc trình chiếu một phóng sự nhanh về cuộc hành trình đi tìm một doanh nghiệp "ma", là Công ty Nam Bắc (trụ sở tại Bùi Viện, quận 1, TP HCM), do bà Nguyễn Thị Lượt làm giám đốc. Bà giám đốc Lượt thừa nhận do quá nghèo, chồng hằng ngày chạy xe ôm nên bị người khác dụ dỗ đứng tên thành lập công ty chứ bản thân bà "không biết gì". Nhưng chỉ tính sơ bộ qua 2 cuốn hóa đơn mà Công ty Nam Bắc sử dụng, "sự không biết gì" đó của bà Lượt đã giúp cho bọn tội phạm hoàn thuế chiếm đoạt trót lọt của Nhà nước gần 10 tỷ đồng!
Nhiều đại biểu đã chỉ ra hàng loạt vụ "doanh nghiệp mất tích" sau khi đã mua những hóa đơn "đỏ" của cơ quan thuế và tham gia các giao dịch "ảo" để rút tiền Nhà nước thông qua đường "hoàn thuế". Theo đại tá Lê Minh Hùng, Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, thì mặc dù mới ra đời nhưng Cần Thơ hiện cũng có gần 200 doanh nghiệp "ma" trong tổng số gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. "Chúng tôi đã tìm bắt được cũng gần 50 DN “ma”, số còn lại đã bỏ trốn đi nơi khác. Đối với "ma", tôi nghĩ nó đã trở thành bệnh dịch, địa phương nào cũng có", đại tá Hùng nói.
Quảng Ngãi tuy là tỉnh nghèo, hiện nay chỉ khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng cũng đã có hơn 100 doanh nghiệp "biết tên tuổi mà không thể nào tìm ra. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi kể: "Có anh làm giám đốc mà đi xe mượn, điện thoại mượn, nhà thuê, ăn sáng cũng ăn chịu, đến khi đối tác đến đòi nợ thì chạy vòng quanh và chỉ vào 1 đám ruộng bắp, nói đó là vốn của mình".
Tình trạng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để khấu trừ thuế và xin hoàn thuế hiện nay "quy mô đang rất lớn. Đây là việc nổi cộm của năm 2005. Lý giải nguyên nhân, ông Ninh nói: "Mô hình của nước ngoài là khi thành lập một pháp nhân thì có mã số pháp nhân. Nhưng đi đôi với mã số pháp nhân đó là mã số cá nhân của người lập doanh nghiệp. Chúng ta còn đang thiếu cái mã số cá nhân đó. Chúng ta sẽ nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ về mặt cơ chế".
Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập doanh nghiệp hiện nay quá dễ dàng, hậu kiểm còn lỏng lẻo nên mới dẫn đến tình trạng trên. "Cơ chế thành lập doanh nghiệp thông thoáng tạo điều kiện làm ăn cho các doanh nghiệp là điều cần thiết nhưng cơ chế quá dễ, đến nỗi tội phạm bị truy nã cũng có thể trở thành giám đốc doanh nghiệp thì cần xem lại", đại tá Trần Triều Dương, Phó giám đốc Công an TP HCM, nói.
Trong hai năm qua, cơ quan công an đã phối hợp với cơ quan thuế khám phá và kết thúc điều tra 1.013 vụ trong tổng số 1.259 vụ phát hiện và đã xử lý 1.339 đối tượng trong tổng số 1.579 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thuế. Riêng xử lý hình sự là 133 vụ với 149 đối tượng, xử lý hành chính là 947 vụ với 1.141 đối tượng. Truy thu về cho Nhà nước số tiền trên 110,3 tỷ đồng. (Trích báo cáo sơ kết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát)
Thông qua việc hoàn thuế, bọn tội phạm lừa đảo lấy tiền ngân sách bằng thủ đoạn sử dụng hồ sơ giả kéo tiền nhà nước đã trở thành phong trào. Có vụ án làm rất khó, vì giám định thuế hai, ba lần, mỗi lần đều có kết quả khác nhau và cuối cùng thì phải tha bổng bị can do số tiền vi phạm không đủ cơ sở xử lý hình sự, dẫn đến bị đòi bồi thường oan sai hàng chục tỷ đồng.
(Theo Thanh Niên)