Chủ nhật, 12/5/2024, 12:45 (GMT+7)

Đoan Trường 'lạnh người' khi tham quan Phủ Khai Phong

Ca sĩ Đoan Trường cho biết khi tới thăm 'Phủ Khai Phong của Bao Thanh Thiên' ở Trung Quốc, anh tận mắt ngắm ba cỗ đao trưng bày tại đây và 'thấy lạnh người' vì sợ.

Đoan Trường mới có chuyến du ngoạn 6 ngày cùng thần tượng của mình là đàn anh Lê Tuấn - giọng ca nổi tiếng trong thập niên 1980, cùng thời với Bảo Yến, Nhã Phương.

Hai nghệ sĩ tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, bối cảnh thực hiện các bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc. 'Địa điểm chúng tôi mong chờ nhất là Phủ Khai Phong - nơi Bao Công thăng đường, xử án', Đoan Trường nói.

Phủ Khai Phong nằm ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Địa danh này gắn liền với nhân vật Bao Thanh Thiên - vị quan xử án nổi tiếng 'thiết diện vô tư', ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả qua diễn xuất của nghệ sĩ Kim Siêu Quần.

Đoan Trường chụp ảnh với chiếc trống to, đặt bên ngoài phủ. Trong phim 'Bao Thanh Thiên', đây là chiếc trống biểu tượng cho công lý, dành cho người dân tới kêu oan.

'Khi vào tham quan phòng xử án của Bao Công, tôi lạnh người trước ánh thép lạnh lùng của ba cỗ đao gồm: Cẩu đầu trảm, Hổ đầu trảm và Long đầu trảm mà trước đây từng thấy nhiều lần khi xem 'Bao Thanh Thiên', Đoan Trường nói.

Giọng ca 'Dấu yêu' diện áo dài họa tiết rồng, tới thăm thành cổ Lạc Dương, nơi có quần thể hoàng cung của Võ Tắc Thiên. Anh cho biết bản thân rất hào hứng, choáng ngợp khi chiêm ngưỡng ngai vàng nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Theo Đoan Trường, nếu tới sớm, du khách có cơ hội được xem màn trình diễn tái hiện cảnh Võ Tắc Thiên lâm triều như trong phim.

Diện bộ quốc phục vẽ tay họa tiết linh vật của năm Giáp Thìn, do nhà thiết kế Trần Được thực hiện, Đoan Trường chụp ảnh kỷ niệm với hai cô gái trẻ mặc trang phục thời xưa ở thành Lạc Dương.

Ca sĩ nói anh đặc biệt ấn tượng với đội quân đất nung Binh Mã Dũng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thuộc vùng núi Lệ Sơn, Tây An, Tây Bắc Trung Quốc. Nơi này có gần 8.000 pho tượng binh sĩ, kích thước bằng người thật, tồn tại hơn 2.000 năm qua.

Một điểm du lịch khác Đoan Trường đặt chân tới trong chuyến đi này là hang đá Long Môn, có lịch sử hơn 2.500 năm. Đây là công trình chạm khắc tượng Phật trên vách núi đá dài hơn một km.

Với tổ hợp tượng Phật đồ sộ và sự sáng tạo nghệ thuật tinh tế, hang đá Long Môn được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới năm 2000.

Ca sĩ check-in ở chùa Thiếu Lâm thuộc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn 1.500 năm, là quần thể công trình lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo Đoan Trường, cổng tam quan bằng đá trắng trước khuôn viên chùa là nơi nhiều khách du lịch đứng tạo dáng, chụp ảnh.

Đoan Trường cầm đao, tưởng tượng như đang học võ cùng các hòa thượng nhí ở Thiếu Lâm Tự.

Ca sĩ nói anh bất ngờ khi biết võ học Thiếu Lâm chủ yếu bắt nguồn từ những hoạt động hàng ngày của các tăng sư, với những công việc đơn giản như gánh nước, quét sân, chặt củi. Thiếu Lâm Tự còn là học viện võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc.

Đoan Trường và Lê Tuấn diện áo dài, đọ vẻ thư sinh, nho nhã khi cùng nhau du ngoạn, thưởng lãm các danh thắng ở Trung Quốc.

Đoan Trường kể 25 năm trước, chính ca sĩ Lê Tuấn là người đặt nghệ danh cho anh. 'Được du lịch, đi chơi, ăn, ở, chụp ảnh chung với đàn anh sau thời gian dài xa cách, tôi rất vui', Đoan Trường nói.

Ca sĩ nhớ lại thuở còn tuổi teen, nhà nghèo, không có tiền mua vé xem ca nhạc, anh từng chui rào vào xem các ngôi sao thập niên 1980 như Nhã Phương, Bảo Yến, Lê Tuấn biểu diễn ở Cung Văn hóa Lao động TP HCM.

'Ngày đó, anh Lê Tuấn là một ca sĩ hàng đầu ở Sài Gòn, được đông đảo khán giả, trong đó có tôi, yêu thích, thần tượng. Tên tuổi của anh gắn liền với các ca khúc như 'Mong đợi ngậm ngùi', 'Rồi mai tôi đưa em', 'Chiều một mình qua phố', 'Phượng hồng'... Từ năm 2005 đến nay, anh không còn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc nữa' Đoan Trường nói.

Hương Giang
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới