Chích ngừa phòng bệnh viêm màng não cho trẻ em tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. |
Một cán bộ ở trạm y tế phường Bình Chiểu, nói rằng đã có người tử vong vì bệnh viêm màng não, chị đang rất bận vì người dân đến chích ngừa quá đông.
Một nhân viên trực ở Trạm y tế phường Tam Bình cũng nói rất bận vì còn nhiều người đang đợi chích ngừa.
Theo cơ quan có trách nhiệm của ngành y tế, đầu tuần vừa qua tại địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM đã có bốn trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu. Trong đó đã có hai trường hợp tử vong là một nam 19 tuổi và một nữ 23 tuổi.
Hai ca còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Hầu hết các bệnh nhân (BN) này đều là lao động nhập cư, làm bốc xếp ở chợ đầu mối nông sản Tam Bình, sống ở khu nhà trọ và điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP HCM và đội YTDP quận Thủ Đức đã xử lý môi trường bằng cách phun thuốc khử trùng chloramine nhiều lần trong những ngày qua ở toàn bộ khu vực chợ đầu mối Tam Bình và khu nhà trọ, nơi các BN này thuê ở.
Toàn bộ người dân khu nhà trọ ở hai phường này và khu chợ đầu mối Tam Bình đều đã được cơ quan YTDP cho uống thuốc kháng sinh phòng bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm YTDP TP, hiện nay tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Mẫu bệnh phẩm của BN đã được gửi qua Viện Pasteur để phân lập xem thuộc type nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, vi khuẩn não mô cầu có bốn type A, B, C, D. Hiện nay mới có văcxin phòng bệnh não mô cầu do type A và C gây ra, còn type B và D chưa có văcxin. Thông thường ở VN lại thường gặp vi khuẩn thuộc type B và D nhiều hơn A và C. Tại VN, có vaccine chích ngừa vi khuẩn não mô cầu A và C cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn, chích liều duy nhất (giá ở Viện Pasteur TP HCM là 110.000 đồng/liều), miễn dịch xuất hiện hai tuần sau khi tiêm và có hiệu lực trong ba năm. |
Theo tài liệu y khoa, bệnh viêm màng não do não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và dễ phát thành dịch.
Dù được điều trị tích cực, đúng đắn thì vẫn có khoảng 10% BN tử vong. Ngoài đường lây truyền chủ yếu là hô hấp, bệnh có thể lây qua những vật dụng, đồ dùng khác của người lành mang vi trùng, nhưng cách lây này ít phổ biến vì sức sống của não mô cầu ở ngoại cảnh yếu.
Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh, nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trẻ em 5-15 tuổi.
Bệnh thường khởi phát bằng những dấu hiệu như viêm mũi hầu, viêm họng... Thời gian ủ bệnh trung bình 2-5 ngày. Sau đó toàn phát với các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng nề và hội chứng màng não như sốt cao đột ngột, co giật, ói mửa, cổ cứng…
Nếu là trẻ con thường lả người nhanh, đôi khi co giật. Nếu không được điều trị kịp thời, BN thường tử vong do nhiễm trùng máu và sốt nhiễm trùng; hội chứng xuất huyết nhiều nơi ở da, niêm mạc, tiêu hóa; suy thận cấp, suy tim mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, ở những nơi môi trường sống, nhà cửa không đảm bảo vệ sinh, không khí tù ngộp, nơi ở tập thể đông người, chật chội... rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Để phòng ngừa, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người và môi trường có bệnh; chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, làm vệ sinh môi trường, nhất là những nơi chật hẹp, đông người như trường học, nhà trọ, doanh trại để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Trong trường hợp có tiếp xúc với người bệnh (người sống trong một nhà) có thể uống kháng sinh dự phòng sau mỗi lần tiếp xúc (theo chỉ định của bác sĩ).
(Theo Tuổi Trẻ)