Ông Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng phòng Phân tích và Kiểm tra môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp, cho biết, các đồ chơi màu sắc sặc sỡ có thể nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu cơ sở sản xuất không tuân thủ nghiêm ngặt hàm lượng các chất có thể chứa độc tố.
Có đến 8 bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đối với đồ chơi trẻ em. Trong đó, bộ TCVN “Yêu cầu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố” đã quy định cụ thể mức độ xâm hại vào máu của các độc tố do sử dụng đồ chơi cho mỗi ngày.
Chẳng hạn, liều tối đa một ngày đối với asen là 0,1 microgam; đối với cadimi là 0,6; 0,7 microgam cho chì, 0,5 microgam cho thủy ngân.
Tuy nhiên, cho đến nay, gần như chưa có một điều tra quy mô nào về độ vệ sinh, an toàn của đồ chơi trẻ em trên thị trường Việt Nam có phù hợp với các tiêu chuẩn nói trên hay không.
Ngay trong hệ thống trường mầm non, vấn đề kiểm soát các chất gây hại trong đồ chơi vẫn chưa được quan tâm.
Cô Bùi Thị Kim Loan, Hiệu trưởng trường mầm non A4 (TP HCM), nói: “Xưa nay ngành giáo dục mới chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn ở khía cạnh vật lý, tức là chưa đặt ra yêu cầu nào về an toàn hóa chất trong đồ chơi”.
Theo ông Đặng Quang Huấn, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, đồ chơi nằm trong danh mục phải kiểm tra chất lượng theo của Thủ tướng.
“Các Sở vẫn tiến hành kiểm tra mặt hàng này theo kế hoạch và báo cáo Bộ định kỳ hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên, chỉ đạo từ Bộ để thanh tra theo chuyên đề, trên diện rộng thì chưa có. Các đồ chơi nhập khẩu chủ yếu được kiểm soát chặt chẽ từ cửa khẩu. Chỉ có đồ chơi nhập qua đường tiểu ngạch là không kiểm soát được và vi phạm về an toàn cho trẻ nhỏ có thể nằm ở nhóm hàng này. Cho đến nay, thanh tra Bộ chưa nhận được báo cáo nào phát hiện đồ chơi trẻ em bán trên thị trường Việt Nam có hàm lượng độc tố vượt quá tiêu chuẩn cho phép”, ông Huấn nói.
Như vậy, để biết những đồ chơi mà trẻ em đang bán rộng rãi trong cả nước có an toàn không, nếu độc hại thì độ độc hại đến đâu, cần phải chờ kết quả thanh tra. Trong lúc chờ, ông Huấn khuyến cáo các bà mẹ nên mua cho con đồ chơi của các doanh nghiệp có uy tín, tên tuổi, xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, đồ chơi phản cảm đang xuất hiện trên thị trường trong những ngày giáp Tết Trung thu cũng khiến các cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh đau đầu.
Tại các phố, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em ở Hà Nội như: Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, Chả Cá, khu vực quanh chợ Đồng Xuân, Hà Nội, dù các loại đồ chơi bạo lực không thấy bày bán công khai, nhưng khi có nhu cầu thì khách hàng có thể mua được ngay.
Các loại đồ chơi này thường được cất giấu nơi khác khi có người hỏi mua, các chủ hàng mới gọi người đem hàng đến hoặc dẫn đi xem.
Tại đây, chỉ cần bỏ ra 25.000-50.000 đồng có thể mua ngay được một khẩu súng bắn đạn nhựa, với băng đạn 30 viên, nhỏ bằng hạt đỗ đen. Các loại súng đồ chơi cũng rất đa dạng (như: súng phun nước; súng bắn mũi tên, súng có lắp ống ngắm tia hồng ngoại đến các loại súng có hình dạng AK; K54. Giá mỗi loại súng thấp 25.000 đồng, có loại lên đến vài trăm nghìn đồng.
Các loại đồ chơi bạo lực khác như: đao, kiếm, côn và các đồ chơi dễ gây nguy hiểm, kích động bạo lực vẫn có thể mua được ngay tại các cửa hàng.
Một số cửa hàng còn bán các loại đồ chơi phản cảm như: mặt nạ đầu lâu xương chéo, máu me kinh dị, những bộ răng quỷ dữ hay các con rắn, con chuột. So với các loại đồ chơi truyền thống thì các loại đồ chơi này giá không rẻ. 1 mặt nạ đầu quỷ là 35.000-50.000 đồng/chiếc; giá 1 con rắn là 20.000 đồng…
Ông Trương Thành Nhân, Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, trong thời gian vừa qua, lực lượng QLTT đã bắt được một số trường hợp buôn bán, vận chuyển đồ chơi bạo lực.
Mới đây, Đội 2 (thuộc Chi cục) đã kiểm tra một cửa hàng bán đồ chơi và thu được gần 400 sản phẩm đồ chơi bạo lực gồm: súng phun nước, súng bắn đạn nhựa và các loại kiếm nhựa.
Theo ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, việc kiểm tra xử lý đối với các loại đồ chơi mang tính bạo lực cũng gặp khó khăn. Đối với các đồ chơi phản cảm hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt.
Theo ông Dục, bên cạnh việc kiểm tra và xử lý thật nghiêm đối tượng vi phạm thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các bậc phụ huynh và học sinh là rất cần thiết, có thế mới loại trừ dần được các đồ chơi này trong mỗi dịp Tết Trung thu.
(Theo Tiền Phong)