![]() |
Thị trường bán lẻ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới. |
Các doanh nghiệp trong nước đối phó ra sao khi các "đại gia" bán lẻ của thế giới vào Việt Nam? Buổi tọa đàm nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này đã được tổ chức tại TP HCM, hôm qua.
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Thương mại Võ Văn Quyền trấn an: "Quý vị đừng quá e ngại. Dù Việt Nam có vào WTO thì việc mở cửa thị trường bán lẻ cũng sẽ có lộ trình. Theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, phải 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực thì doanh nghiệp Mỹ mới được tham gia phân phối, bán lẻ dưới hình thức 100% vốn nước ngoài. Có lẽ cam kết với WTO thì lộ trình sẽ ngắn hơn".
Trên thực tế, sự có mặt của Metro Cash & Carry (có 8 trung tâm phân phối trên cả nước), Big C (10 siêu thị), Parkson (10 trung tâm thương mại) hiện đã tạo nhiều sức ép cho các doanh nghiệp phân phối trong nước dù đây chưa phải là những "tên tuổi" lớn trên thế giới và cũng chưa hoàn tất kế hoạch mở rộng của mình.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên, cho rằng: "Họ rất chuyên nghiệp và có nhiều biện pháp kỹ thuật để ép giá các nhà sản xuất trong nước mà hậu quả không xa là không khéo thì các nhà sản xuất trong nước sẽ chỉ như làm gia công cho họ".
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Coop Mart, thừa nhận: "Họ mạnh hơn chúng ta về trình độ, tính chuyên nghiệp và tài chính, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không làm được".
Ông Hòa cho biết Saigon Coop đang tập trung đầu tư để mở rộng hệ thống siêu thị ra các tỉnh. Để nâng trình độ quản lý, Saigon Coop vừa đầu tư 1,5 triệu USD cho hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin. Ông Đào Ngọc Tâm, Phó phòng kinh doanh Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết, công ty dành đến 1.200 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống phân phối với phương châm "lấy bán buôn chi phối bán lẻ", đồng thời liên kết với các tỉnh để mở rộng hệ thống một cách vững chắc.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng liên kết là biện pháp hiệu quả nhất mà các doanh nghiệp trong nước có thể làm để nâng sức mạnh mình lên. "Chuỗi cửa hàng G7 Mart sắp ra đời được hình thành trên tư tưởng đó. Bước đi của G7 Mart là liên kết các cửa hiệu bán lẻ, các nhà phân phối trong nước và cả những nhà sản xuất để không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn tiến ra nước ngoài", ông Vũ nói.
Liên kết để làm đối trọng lại những tập đoàn đa quốc gia. Liên kết để không chỉ tồn tại mà còn để phát triển là điều các doanh nghiệp trong nước đã nhận ra từ lâu, nhưng hiện lại là bài toán khó chưa có lời giải hữu hiệu. "Satra và Saigon Coop bắt tay nhau nhưng mãi vẫn chưa ra nổi một siêu thị". "G7 Mart ra đời, các công ty trong nước và nước ngoài đều chìa tay hợp tác nhưng một công ty sản xuất sữa lớn trong nước lại bất hợp tác"... Làm sao để các doanh nghiệp trong nước có thể bắt tay nhau vẫn là câu hỏi sau buổi tọa đàm.
(Theo Thanh Niên)