Christian Dior SE là thương hiệu thời trang quốc tế mới nhất vấp phải sự chỉ trích ở Trung Quốc, sau khi một cuộc triển lãm LADY DIOR ở Thượng Hải đăng bức ảnh người phụ nữ cùng túi hãng, được chụp bởi một nhiếp ảnh gia trong nước. Bức ảnh bị tờ Beijing Daily - cơ quan ngôn luận chính phủ - chỉ trích bằng bài viết hôm 15/11 với tiêu đề: "Đây có phải là người phụ nữ châu Á trong đôi mắt của Dior?".
Bài viết của Beijing Daily miêu tả người phụ nữ trong bức ảnh có "đôi mắt ma quái, khuôn mặt u ám và bộ giáp móng tay theo phong cách thời nhà Thanh". Các bài đăng về bức ảnh này trên mạng xã hội của Dior và nhiếp ảnh gia đều gặp phải phản ứng giận dữ từ công chúng. Tuy nhiên vẫn chưa có phong trào kêu gọi tẩy chay nào.
"Các nhiếp ảnh gia đang chạy theo các thương hiệu, hoặc thị hiếu thẩm mỹ của thế giới phương Tây", tờ Beijing Daily, viết. "Trong nhiều năm, phụ nữ châu Á luôn xuất hiện với đôi mắt nhỏ, khuôn mặt đầy tàn nhang theo quan điểm của phương Tây. Nhưng cách đánh giá nghệ thuật và vẻ đẹp của người Trung Quốc không thể bị bóp méo bởi tư duy đó".
Trước chỉ trích gay gắt từ truyền thông Trung Quốc và cư dân mạng, Dior vẫn chưa đưa ra bình luận nào. Đây không phải là lần đầu tiên Dior khiến người Trung Quốc tức giận vì những nhạy cảm liên quan đến vấn đề dân tộc. Vào năm 2019, hãng bị chỉ trích, tẩy chay khi một bài thuyết trình của hãng tại một trường đại học thể hiện bản đồ của quốc gia nhưng không có hình Đài Loan.
Cách đây ba năm, Dolce & Gabbana từng trải qua những lời chỉ trích tương tự vì đăng video quay cảnh một người mẫu Trung Quốc vụng về khi cố gắng ăn mì spaghetti và pizza bằng đũa. Video quảng bá này được cho là xúc phạm văn hóa Trung Quốc, bị người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay. Doanh số bán hàng của Dolce & Gabbana tại Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng ngay cả khi những người sáng lập đứng ra xin lỗi công khai.
Sau ba năm, dù hãng thời trang xa xỉ Italy cố tìm cách quay lại thị trường này nhưng doanh số bán hàng vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi xảy ra scandal trên. Người tiêu dùng vẫn không thể tìm thấy các sản phẩm của Dolce & Gabbana trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Tmall. Tờ Beijing News nhận xét rằng hãng sẽ không dễ dàng để giành lại thị phần nếu không tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc.
Gần đây, các thương hiệu toàn cầu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ cố gắng đáp ứng nhu cầu của người mua sắm phương Tây và các nhóm nhân quyền mà không gây ra xung đột ở Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng của người tiêu dùng ở nền kinh tế bán lẻ lớn nhất thế giới, trong bối cảnh căng thẳng chính trị với phương Tây leo thang.
Hồi đầu năm, Hennes & Mauritz AB đã bị kêu gọi tẩy chay khi bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Điều này khiến doanh thu ở Trung Quốc của hãng giảm ít nhất 40% trong quý gần đây. Hãng thời trang Nike cũng đã phải chịu áp lực ở Trung Quốc - thị trường phát triển nhanh nhất của họ - trong bối cảnh tranh cãi gay gắt về các phương thức kinh doanh của hãng tại đây.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)