Hợp đồng giữa Đình Tùng và đội bóng xứ Thanh đã hết hạn khi mùa giải kết thúc. Từng đưa ra cái giá khoảng 5 tỷ đồng để giữ Đình Tùng ở lại, nhưng Thanh Hóa đã bị từ chối. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Đình Tùng đang được đánh giá có độ hot chẳng kém gì Công Vinh trên thị trường chuyển nhượng. Đầu mùa giải 2011, có CLB trả tới 10 tỷ đồng để có chữ ký của Đình Tùng, nhưng anh không ra đi vì chờ những thay đổi của đội bóng quê hương.
![]() |
Đình Tùng đã khẳng định được tài năng ở U23 và đội tuyển Việt Nam. Ảnh: TN. |
Một đội bóng với ngân sách hoạt động vài chục tỷ mỗi năm như Thanh Hóa thì rõ ràng bỏ ra một lúc cả chục tỷ đồng chẳng khác nào đánh đố. Một mặt tiếp tục thuyết phục Đình Tùng ở lại cống hiến cho đội bóng, một mặt lãnh đạo CLB tìm ra cách đối phó nhằm giữ chân bằng được quân bài quan trọng nhất. Thế nhưng, mọi nỗ lực trở nên vô vọng. Miền đất hứa Hải Phòng khó có thể từ chối và dù có yêu quê hương đến mấy, Đình Tùng vẫn kiên quyết ra đi để tự lo cho tương lai của mình.
Nhiều thông tin cho rằng Thanh Hóa đã dùng chiêu bài biên chế để giữ chân Đình Tùng. Nếu điều này là sự thật, cũng không phải là một ràng buộc để có thể đạt được mục đích. Điều mà Thanh Hóa cần nhất là chìa ra một bản hợp đồng với tiền lót tay và lương hậu hĩnh, họ đã không làm được. Đình Tùng sớm muộn cũng ra đi và lãnh đạo CLB phải chấp nhận thực tế đó.
Thanh Hóa hoàn toàn có thể giải quyết bài toán Đình Tùng theo cách của những đội bóng nhà nghèo. Ngoài việc hứa hẹn vào biên chế, lãnh đạo CLB đủ khả năng xin lãnh đạo tỉnh cấp một lô đất vàng ở thành phố Thanh Hóa, như một kế hoạch để giữ chân chân sút Đình Tùng. Nó như một phần thưởng xứng đáng và giúp cho Đình Tùng an tâm cống hiến hết mình cho đội nhà. Tuy nhiên, điều đó đã không được thực hiện, dù lãnh đạo CLB cũng chẳng thể đưa ra cách làm nào tốt hơn. Một đội bóng nghèo như Thanh Hóa, cách làm này có thể sẽ khiến các cầu thủ khác đòi hỏi.
Thực tế, mối quan hệ giữa Thanh Hóa và Đình Tùng không đến nỗi căng thẳng như thời gian qua khi hai bên hiểu nhau hơn, đặc biệt là về phía Thanh Hóa. Đình Tùng thừa hiểu CLB có những khó khăn về tài chính nhưng việc đưa ra một khoản tiền lớn để lót tay đâu phải là cách giải quyết duy nhất. Chuyện Thanh Hóa cấp đất hoặc chí ít là tạo điều kiện cho Đình Tùng mua nhà giá rẻ không phải là cái gì đó ngoài khả năng. Đáng tiếc là sự ra đi của Đình Tùng đã được cảnh báo từ lâu, nhưng lãnh đạo đội bóng cứ để mặc nó xảy ra
Sự rụt rè đã khiến Thanh Hóa phải trả giá. Đổi đất giữ người là cách mà nhiều đội bóng ở Việt Nam thường áp dụng để giữ chân nhân tài. Lấy Đà Nẵng là ví dụ, khi HLV Huỳnh Đức, Quốc Anh hay Phước Vĩnh... đều được thành phố cấp đất như điều kiện thay cho những khoản tiền lót tay. Ở các môn thể thao khác, việc cấp đất cho các VĐV xuất sắc cũng hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của họ với quê hương.
Chẳng thể trách được Đình Tùng, ai cũng hiểu là đời cầu thủ chỉ kéo dài dăm bảy năm, họ sẽ "kiếm ăn" một cách tối đa những gì có thể trước khi giải nghệ. Ở một khía cạnh khác, cũng không thể nói Đình Tùng không đền đáp quê hương. Từ khi được đá chính, tiền đạo này cống hiến cho Thanh Hóa rất nhiều. Với Thanh Hóa, lãnh đạo đội bóng cần thay đổi trong chính sách tận dụng nhân tài, thì bóng đá nơi đây mới thực sự phất lên được.
Mai Hương