Nói chuyện với bốn đôi uyên ương về suy nghĩ của họ trước hôn nhân, ví dụ quản lý tài chính, công việc nhà, chuyện tình cảm và sau 1 năm gặp lại, vẫn hỏi họ những vấn đề tương tự. Từ kinh nghiệm của họ, hy vọng bạn có thể học được nhiều điều bổ ích.
Nguyên và Hằng: Yêu nhau ba năm trước khi làm đám cưới. Cả cô dâu chú rể đều ở độ tuổi 22-23 và cho đến nay, họ đã ở bên nhau được 8 tháng.
Hùng 30 tuổi và Phương 27 tuổi: Họ cưới nhau sau hai năm chính thức hò hẹn. Đám cưới được tổ chức cách đây 9 tháng.
Ngọc 24 tuổi và Nam 26 tuổi: Gắn bó với nhau từ năm cấp 3 và cuối cùng cũng tổ chức đám cưới đúng 1 năm trước đây.
Phương Anh và Tùng: Gặp nhau 7 năm trước nhưng 2 năm sau đó mới chịu hẹn hò. Đôi “U30” này vừa mới tổ chức đám cưới được 10 tháng.
Sự lãng mạn
Anh ấy nói:
Nguyên khẳng định sự lãng mạn của anh dành cho Hằng vẫn ở mức đáng ngưỡng mộ, mức 8. Thậm chí, Nguyên còn cho rằng mọi thứ còn “ướt át” hơn so với trước hôn nhân. Anh không nghĩ hôn nhân là dấu hiệu chấm hết của một tình yêu đẹp.
Hùng cho rằng anh ta vẫn còn lãng mạn chán. Trước khi cưới Phương, Hùng tự cho mình 7,5 trên thang điểm 10. Sau khi cưới, anh vẫn nhắn cho Phương những lời yêu thương, thỉnh thoảng tặng hoa cho vợ yêu và không nề hà mở cửa cho vợ mọi nơi, mọi lúc.
Mặc dù Phương đang bận rộn theo đuổi khoá học master trong nước còn Hùng phải đảm đương trách nhiệm quản lý nặng nề hơn nhưng cả hai vẫn cố gắng dành thời gian cho nhau. Hùng còn kẹp những lời “nịnh” vợ trong sách học của Phương. Rõ ràng, hiện tại mức độ lãng mạn của họ tăng lên 1 bậc so với trước hôn nhân.
Cô ấy nói:
Hằng tự chấm điểm cho sự lãng mạn của mình ở mức 8 hoặc 9 trước hôn nhân. Tuy nhiên, sau hôn nhân, điểm lãng mạn giảm xuống ở mức 7. “Tôi cảm thấy bình yên hơn. Sau khi cưới, chúng tôi cảm thấy không có nhu cầu phải đi chơi để được tự do thoải mái, tránh những dòm ngó của bố mẹ. Tôi thích nằm trên sofa và xem TV cùng Nguyên”.
Trường hợp của Phương thật đáng ngạc nhiên khi cô cho điểm lãng mạn trước hôn nhân là 6,5 bởi vì những cử chỉ “nịnh đầm” của Hùng tương đối thường xuyên. Tuy vậy, đối với Phương thì Hùng là một người chồng tuyệt vời và cũng đã nhìn nhận được những khó khăn mà hai người sẽ phải đối mặt. Rõ ràng hai người không có nhiều thời gian bên nhau nhưng họ vẫn không quên dành tặng cho nhau những cử chỉ âu yếm. Thỉnh thoảng tôi mua cho Hùng loại bánh anh ấy thích và để vào trong túi để anh ấy có thể ăn những lúc đói. Hoặc khi cả tôi và anh ấy phải thức khuya, tôi đều pha sữa hoặc cà phê cho cả hai”.
Chuyên gia nói:
Có một xu hướng phổ biến thời kỳ hậu trăng mật đó là cả hai bắt đầu quen thuộc với sự có mặt của nhau và không còn coi trọng tình cảm dànhcho nhau nữa. Giống như khi bạn chưa mua TV thì bạn thấy cần, nhưng khi có chiếc TV rồi bạn lại thấy nó thừa thãi. Do đó, ở trường hợp của Hằng - Nguyên và Hùng - Phương, nấc thang lãng mạn tăng lên là một điều đáng chúc mừng. Mặc dù vậy, cả hai vẫn phải bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình để tránh sự khó chịu dồn tụ lâu ngày và có thể gây ra những xung đột ngấm ngầm khó giải quyết.
Việc nhà
Anh ấy nói:
Giống với hầu hết nam giới thành thị Việt Nam, Nguyên rất lười việc nhà. Hằng sẽ lo từ A đến Z ngoại trừ những việc mang tính đàn ông như sửa xe, chữa đường ống nước, hay mua sắm lắp đặt những thiết bị mới trong nhà.
Nguyên thú nhận rằng anh không giỏi việc nhà lắm, đặc biệt là vấn đề cơm nước. “Nếu bắt tôi nấu cơm thì tôi bó tay luôn. Nhưng tôi cũng bắt đầu biết lau chùi trong khi Hằng nấu nướng. Cô ấy vẫn cằn nhằn vì tôi vụng lắm”.
Cô ấy nói:
Trước khi cưới, Hằng nói rằng cô ấy không thể đứng nhìn Nguyên làm việc nhà vì anh có tính “Nobita”. Giờ thì cô đã đào tạo được chồng mình nhưng cũng chỉ phần nào. “Khi chồng vụng thì mình phải lao vào thôi. Thậm chí cả việc giặt giũ, lau dọn nhà cửa cũng phải cáng đáng, nhưng cũng may là Nguyên biết thông cảm với vợ”.
Chuyên gia nói:
Công việc nhà là một trong những tranh cãi nổi cộm nhất của vợ chồng mới cưới. Phụ nữ thường hay phải làm hết mọi việc nhà hoặc ít ra thì cũng làm chính. Theo như những nghiên cứu thì chỉ khi nào cả hai chia sẻ công việc đều cho nhau và thậm chí là người này hỗ trợ người kia lúc khó khăn thì những xung đột mới giảm dần.
Chuyện gối chăn
Anh ấy nói:
Ngọc và tôi quyết định sẽ chỉ “gần gũi” nhau vào đúng tuần trăng mật. “Thực sự cách nghĩ này hơi cổ điển nhưng không có nghĩa là chúng tôi mù tịt về nhu cầu và sở thích của nhau”. Trước hôn nhân, cả hai thường xuyên đề cập tới những mong muốn của mình và người yêu. Nam thừa nhận “thật đáng đồng tiền bát gạo” khi biết cách giữ cho nhau. Cuộc sống gối chăn của anh và Ngọc khá sôi động và họ vẫn thường xuyên đề cập tới vấn đề này một cách nghiêm túc.
Cô ấy nói:
Ngọc cho rằng giữ gìn là cách tốt nhất cho mình và Nam. “Chúng tôi học cách kiềm chế và đồng thời tìm nhiều phương thức bộc lộ tình cảm khác”. Giống như Nam, Ngọc luôn đề cao vấn đề “hạnh phúc gối chăn”, và quan trọng hơn cả là không ngại ngùng bộc lộ chính mình. “Chúng tôi lựa chọn Nha Trang là điểm đến an toàn cho tuần trăng mật của mình. Và chúng tôi cảm thấy đó là thời khắc tuyệt vời nhất, đặc biệt nhất của cả hai”.
Mặc dù cho đến bây giờ, Ngọc khẳng định đôi khi cả hai vẫn bị “lệch pha”, khi một người muốn còn người kia thì lại không. Nhưng nếu vì một lý do chính đáng như mệt mỏi, thì cả hai thống nhất là sẽ chỉ hôn và ôm là đủ.
Chuyên gia nói:
Vấn đề không đồng nhất trong ham muốn là một trong những xung đột gay cấn nhất của các cặp vợ chồng. Cả hai đều phải nhận thức được rằng, dù có hợp nhau đến thế nào đi nữa thì không thể lúc nào cả hai cũng có chung suy nghĩ.
Hơn nữa, nếu bạn làm một việc mà người kia không muốn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, chẳng hạn như giả vờ cực khoái, hay chán ghét sự gần gũi... đôi khi “sự căng thẳng” vì “nén nhịn” lại mang tới màu sắc cho hai người.
Chuyện tiền bạc
Anh ấy nói:
Là một tuýp người tương đối hiện đại, Tùng và Phương Anh rất rõ ràng trong việc quản lý tài chính. Tài khoản của ai, người dó giữ. Tuy nhiên, sẽ có một tài khoản chung cho cả gia đình. Tài khoản chung sẽ được chi trả cho những việc mang tính gia đình như trả tiền cho người giúp việc, ăn uống hàng tháng, điện nước... Phương Anh chỉ chi một nửa thu nhập vào tài khoản chung, phần còn lại là để tiết kiệm và những chi tiêu phụ nữ. Trong khi đó phần lớn thu nhập của Tùng là để đầu tư vào nhà, đất và những vật dụng hiện đại trong gia đình.
Cô ấy nói:
Phương Anh say mê giày dép và có tới 29 đôi. Với vai trò là tay hòm chìa khoá, Phương Anh quản lý tài khoản chung. Tuy nhiên, với cách chi tiêu quá tay cho giày dép, xem ra Phương Anh sẽ nướng hết tiền vào những đôi giày thời trang mất, đó là chưa kể tới tiêu lẹm vào tài khoản chung. “Chúng tôi hay cãi nhau về thói quen tiêu pha của mình”.
Chuyên gia nói:
Cách thức chia sẻ của Phương Anh và Tùng là rất hợp lý. Tuy nhiên, thông thường bao giờ trong gia đình cũng có một người thích chi và một người kiếm nhiều hơn người kia. Nếu việc chi tiêu không được làm rõ, sẽ gây sự khó chịu cho cả hai và nhiều khi dẫn đến xung đột. Cách thức quản lý tài chính phải được thống nhất và nếu một trong hai người có thói quen chi tiêu quá thoải mái thì hãy nhường người kia vai trò quản lý.
(Theo Thời Trang Trẻ)