Ông Lê Đức Thúy thừa nhận một số chi tiết sai sót, không thống nhất trên tờ tiền polymer (như loại 10.000 đồng) và nói: "Chúng tôi thiết kế một bộ tiền thì lẽ ra không nên có những sai sót như vậy. Chúng tôi nhận trách nhiệm, thiếu sót và rút kinh nghiệm để khi sản xuất các sê-ri tiền mới thì sẽ làm cho đồng tiền thống nhất hơn".
Tuy nhiên, ông Thúy khẳng định: "Các ý kiến chỉ nhìn vào hiện tượng dấp nước lên đồng tiền rồi chà xát thấy ra mực để cho rằng đồng tiền, nhất là lớp phủ kém chất lượng hoặc thậm chí cho rằng, "tiền polymer gặp nước là nhòe mực" là không có cơ sở về mặt công nghệ. Trên thực tế, nếu sử dụng và bảo quản trong điều kiện bình thường thì không thể nhòe mực".
Về vấn đề có tờ tiền kích thước nhỏ hoặc lớn hơn kích thước của NHNN thông báo, ông Thúy cho biết, 1 mm là dung sai kỹ thuật cho phép (được quy định trong tiêu chuẩn kỹ thuật tiền), không phải do lỗi in ấn. Tiền cotton đang lưu hành cũng có dung sai kỹ thuật này. Về việc một tờ tiền 500.000 đồng không có chi tiết mực đổi màu (OVI), Nhà máy in tiền quốc gia đã khẳng định đây là tờ tiền bị lỗi trong quá trình in. Tuy nhiên, trường hợp này không phải là lỗi hệ thống hoặc công nghệ, mà là sản phẩm hỏng mang tính cá biệt.
Trả lời báo chí về thông tin liên quan đến Công ty BankTech, do con trai ông Thúy làm Phó giám đốc, ông Thúy nói: "Đoàn kiểm tra liên ngành hiện đang kiểm tra ở NHNN. Trong nội dung bộ tiền mới, có nội dung Công ty BankTech có phải là trung gian môi giới in đúc tiền hay không và con trai ông Thúy có phải là Phó giám đốc công ty này hay không. Bây giờ hãy để cho cơ quan kiểm tra xác minh. Tôi từng khẳng định trước Quốc hội và đến giờ phút này tôi vẫn có thể nói: BankTech không phải là công ty trung gian về in đúc tiền, không phải là trung gian nhập vật tư, máy móc in tiền. Tất cả đều được giao dịch với các hãng cung cấp. BankTech cũng không phải là đại diện thương mại của các hãng đó. Tôi đã yêu cầu Giám đốc Nhà máy in tiền cung cấp cho tôi BankTech đã làm những gì. Theo báo cáo, đến giờ phút này, BankTech đã ký với nhà máy một số hợp đồng cung cấp các vật tư, hóa chất thông thường theo nguyên tắc đấu thầu, năm 2003 mới ký được hợp đồng đầu tiên.
Cho đến nay, tổng giá trị hợp đồng ký được là 653 triệu đồng, còn chi phí in đúc tiền trong 2 năm gần đây mỗi năm là khoảng 600 tỷ đồng. Các đồng chí có thể thấy được ngay BankTech có phải là trung gian môi giới hay không. Còn con tôi tham gia hay không, tham gia như thế nào thì tôi xin phép còn có những vấn đề thuộc về trách nhiệm của cơ quan chủ quản của cơ quan con tôi nữa. Cho nên để cho cơ quan liên ngành xác minh làm rõ, báo cáo với các cơ quan có trách nhiệm".
Trả lời câu hỏi về khả năng bị ép giá khi Việt Nam phải phụ thuộc vào một công ty duy nhất cung cấp giấy in tiền, ông Thúy nói: "Công ty cung cấp giấy cam kết cung cấp số lượng giấy ổn định để sản xuất 5 tỷ hình theo giá được thỏa thuận. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu dẫn đến ép giá là chỉ về sau này. 5 tỷ hình là đủ để lưu thông một đời đồng tiền. Nếu bị ép mà chúng ta không thể mua được giấy polymer với giá hợp lý nữa thì chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất lại bằng tiền cotton mà không phải thay đổi dây chuyền công nghệ. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án dự phòng, đã báo cáo và đã thực hiện như vậy".
Trình bày những vấn đề nhân sự có liên quan đến dự án tiền polymer, ông Lê Đức Thúy khẳng định không có chuyện những người có ý kiến ngược bị trù dập. Trước đó, báo chí nêu tên ông Đào Quốc Tính (nguyên Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tổng kiểm soát, hiện là Phó giám đốc Sở Giao dịch NHNN) là người có phản ánh với thống đốc về một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện đề án in tiền polymer.
Ông Thúy nói: "Vào đầu năm 2006, ông Tính có văn bản báo cáo thống đốc về một số vấn đề xung quanh việc in tiền polymer nhưng không phải về chủ trương, không phải về chất lượng. Ông Tính chủ yếu nói về chi phí in tiền vì ông Tính làm tổng kiểm soát để giám sát chi phí in đúc tiền. Ông Tính chủ yếu nói chi phí in tiền quá lớn, tăng lên quá nhanh... Tôi đã yêu cầu với ông Tính làm việc với Ban đề án bộ tiền mới. Tuy nhiên, sau khi ông Đào Quốc Tính làm việc với Ban đề án thì cũng chính thức bằng văn bản xin rút lui ý kiến của mình về việc đó. Không có chuyện ông Đào Quốc Tính vì phản đối chuyện tiền polymer mà bị điều chuyển".
Tuy nhiên, chiều 11/10, ông Đào Quốc Tính cho biết, những thông tin về việc ông rút lại ý kiến của mình sau khi đã phản ánh với thống đốc về các vấn đề liên quan đến tiền polymer là không đúng (thông tin được phát bằng văn bản tại buổi giải trình của ông Thúy tại Ban Tư tưởng - Văn hóa TW).
Ông Tính khẳng định, văn bản đầu tiên trình Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy có phản ánh về chất lượng thấp của tiền polymer. Cụ thể, tờ trình ngày 29/4/2005 có 4 nội dung: thứ nhất là về chi phí in đúc; thứ hai là cảnh báo về mặt chất lượng của tiền xu và tiền polymer; thứ ba là về "vấn đề phiên dịch", thứ tư là về vấn đề an ninh và chi phí.
Ngày 20/5/2005, ông Tính thay mặt Vụ Tổng kiểm soát NHNN tiếp tục có một tờ trình khác (số 05) gửi thống đốc với một kiến nghị quan trọng: "Chỉ tiếp tục phát hành các loại tiền polymer với các mệnh giá đang lưu hành là 50.000 đồng, 100.000 đồng và 500.000 đồng. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ lưỡng về số lượng hình sản xuất và đòi hỏi có kỹ thuật, thiết bị tốt để nâng cao chất lượng do việc sản xuất tiền polymer có giá thành cao. Không phát hành các mệnh giá khác của tiền polymer, nhất là mệnh giá nhỏ". Ngoài ra, tờ trình này còn đề xuất: "Tiếp tục sản xuất loại tiền cotton 20.000 đồng và 10.000 đồng. Hiện tại, 2 loại tiền cotton này đã ngừng sản xuất".
Ông Tính nói: "Sau khi trình văn bản này, có một số sự việc quá căng thẳng nên tôi đã thay mặt Vụ trình thống đốc tờ trình số 06 ngày 31/5 về việc xin rút lại nội dung tờ trình số 03 ngày 29/4/2005. Tôi không rút lại những nội dung cũng như đề xuất đã nêu ở tờ trình số 05 ngày 20/5/2005".
Ông Tính cũng cho biết thêm, trong 2 ngày tới, sau khi xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, ông Tính có thể sẽ gửi toàn bộ 3 văn bản nói trên để chứng minh sự thật.
(Theo Thanh Niên)