Số đông người có thể bật đèn xanh. |
Về thực chất, giải pháp này không trao quyền điều khiển cho từng tài xế riêng biệt. Thay vì thế, họ sẽ cùng nhau bật - tắt đèn giao thông. Khi một lượng xe đủ lớn đỗ trước đèn đỏ, nó sẽ buộc đèn chuyển sang xanh, trong khi các đèn khác ở giao lộ chuyển sang đỏ.
Carlos Gershenson tại Đại học Free thuộc Brussels, Bỉ, tác giả của ý tưởng này, cho biết hệ thống đèn của mình có thể thích nghi với những điều kiện giao thông khác nhau, cho phép nó bật tắt theo trình tự phù hợp hơn là những hệ thống cứng nhắc trong mọi tình huống.
Hầu hết hệ thống đường sá của các đô thị hiện nay được điều khiển bằng đèn giao thông vận hành theo chương trình định sẵn, dẫn đến những cảnh tượng chờ đợi sốt ruột trước đèn giao thông vào giữa đêm khuya trong khi đường vắng ngắt.
Theo VnExpress, từng có vài giải pháp được đưa ra để giúp cho tín hiệu đèn giao thông mềm mại hơn, tương ứng với tình trạng lưu thông trên đường. Những hệ thống quản lý thông minh này thường kết nối đèn giao thông với một máy tính trung tâm, và không ngừng tìm kiếm trình tự bật tắt tối ưu nhất.
Nhưng những giải pháp như vậy rất đắt đỏ, và khó khăn. Ngược lại, theo phương pháp của Gershenson, đèn giao thông tại các giao lộ tự vận hành, bằng cách đáp ứng với những điều kiện cục bộ diễn ra ở đó. Thực tế, những hệ thống như vậy đang tồn tại ở Anh, trên những giao lộ đơn độc cách xa khu dân cư.
Tuy nhiên, không ai dám lắp chúng trong những giao lộ có hệ thống đường sá dày đặc hoặc trong đường nội đô, bởi vì chúng có thể gây ra sự hỗn loạn. Song Gerhenson cho biết điều đó không xảy ra. Thí nghiệm của ông trên mô hình máy tính cho thấy hệ thống đèn giao thông có thể tự tổ chức dòng chảy trong mạng lưới đường sá tốt đến mức từ đó có thể tìm ra giải pháp toàn cầu cho vấn đề này.
Gershenson trình diễn mô hình máy tính này với dòng chảy giao thông trên một mạng lưới ô vuông như ở Manhattan, Mỹ. Ông đã so sánh 4 giải pháp khác nhau trong việc kiểm soát đèn tại các nút giao thông. Phương pháp đơn giản nhất là luân phiên cho tất cả các đèn theo chiều bắc-nam bật xanh cùng lúc, tiếp đến là tất cả đèn theo chiều đông-tây. Một giải pháp thông minh hơn sẽ điều chỉnh trình tự bật tắt theo độ dài thời gian mà một chiếc xe di chuyển từ giao lộ này sang giao lộ khác, tạo ra "sóng" đèn xanh kế tiếp nhau theo sự di chuyển của phương tiện. Trong cả hai trường hợp, trình tự bật tắt được ấn định sẵn.
Gershenson cũng thử nghiệm trên hai giải pháp thích nghi. Giải pháp thứ nhất, kiểm soát "theo yêu cầu": một đèn giao thông sẽ bật từ đỏ sang xanh nếu số lượng xe đậu trước nó, hoặc thời gian mà phương tiện phải đợi, vượt quá một ngưỡng nào đó. Trong những điều kiện như vậy, một đoàn xe có thể buộc đèn đỏ chuyển sang xanh khi chúng tới ngã tư, mở ra một "hành lang xanh" khi đoàn xe này băng qua mạng lưới đường.
Một cách khác, gọi là kiểm soát "pha", cũng áp dụng quy luật tương tự, ngoại trừ việc có một khoảng thời gian tối thiểu để phương tiện chuyển đổi từ vị trí dừng sang vị trí đi.
Gershenson tìm thấy kiểu kiểm soát "theo yêu cầu" tại mỗi nút giao thông là hiệu quả nhất trong trường hợp lưu lượng giao thông thấp, nhưng không ổn khi giao thông tăng lên. Kiểm soát "pha" cũng cải thiện tốt tình hình khi mật độ giao thông thấp, và không gặp trở ngại khi mật độ cao, vì vậy xét trung bình, đây là phương pháp tốt nhất trong mọi tình huống. Cả hai phương án tự kiểm soát này đều hiệu quả hơn khoảng 30% so với kiểm soát cố định hiện nay.
"Trong một thành phố thực, lợi ích sẽ không lớn như vậy", Gershenson thừa nhận, vì tình hình sẽ phức tạp hơn do những yếu tố như người đi bộ băng ngang đường, và các nút giao thông cũng phức tạp hơn các ngã ba, ngã tư thông thường. Nhưng dù chỉ có lợi ích nhỏ đối với lưu lượng giao thông, nếu nó được thực hiện với chi phí thấp, chắc chắn nó sẽ được các tài xế đón chào.