Dân cờ bạc đỏ đen đang đầu tư mở trường gà, sòng bạc trên Campuchia. Mỗi ngày hàng trăm lượt người mang theo hàng trăm triệu đồng vượt biên trái phép để đi đá gà.
Sau khi Năm Cam xộ khám, hầu hết trường gà nội bị đóng cửa nhưng dân hàng xáo (dân đá gà) lắm tiền thừa của dễ gì chịu đầu hàng. Có điều muốn tránh pháp luật Việt Nam chỉ có ra nước ngoài. Nhiều trường gà mọc lên trên đất Campuchia dọc theo biên giới với Việt Nam nhưng hàng xáo và chủ gà toàn người Việt.
Tiếng là ở nước ngoài nhưng các trường gà chỉ cách đồn biên phòng Việt Nam khoảng vài trăm mét. Quãng đường từ TP HCM đến các trường gà ngoại này chỉ tương đương với khoảng cách đi Vũng Tàu.
6h sáng, chúng tôi gửi xe gắn máy tại bến xe Chợ Lớn rồi mua vé xe đò tiến thẳng về Mộc Hoá (Long An). Anh Thái, người dẫn đường, nói với bà chủ tiệm gửi xe: "Đi Cam (Campuchia) đá gà, chiều về lại, trả tiền trước luôn cho bà nè".
Trên đường đến Mộc Hoá, điện thoại cầm tay của Thái réo ba lần. Người gọi là Năm Rổ, một trong hàng trăm người chạy xe ôm đưa dân hàng xáo vượt biên giới đốt tiền.
Anh Thái nói: "Hôm nay biểu nó ra đón lúc 8h. Mình xuất quân trễ nên nó hối. Lát nữa nó sẽ dẫn đường. Yên tâm đi, nó dân thổ địa, quen biết hết công an ở trển. Đưa người việt biên qua Cam dễ như chở xe ôm đưa mấy bà đi chợ vậy mà".
8h30 đến Mộc Hoá. Năm Rổ đứng chờ sẵn ở bến xe. Đó là một thanh niên tuổi 30. Kẹp ba người trên chiếc Wave Alpha của Năm Rổ, trên đường đi, điện thoại Năm Rổ réo không dưới năm lần.
Người gọi đều là khách từ TP HCM qua Cam để đá gà. Năm Rổ kể: "Hôm bữa mất điện thoại, em gọi điện thoại nói thẳng với thằng ăn cắp: "Cho mày máy luôn. Tao trả mày thêm một triệu đồng với điều kiện mày làm ơn trả lại sim và ghi lại các số di động trong máy giùm tao. Mày nhờ ai đưa cũng được. Bảo đảm không làm khó". Nhờ vậy, em mới giữ được mấy mối ở TP HCM đó".
Vào các ngày có đá gà (thứ hai, ba, sáu, bảy), từ Mộc Hoá đến cửa khẩu Bình Hiệp chỉ có sáu cây số, trung bình Năm Rổ chở khoảng 10 lượt khách. Mỗi người 150.000 đồng (sau này cạnh tranh dữ quá nên giảm còn 120.000 đồng). Trừ các khoản chung chi, tính ra mỗi ngày Năm Rổ bỏ túi 600.000 đồng.
Năm Rổ chỉ thuộc hàng cóc ké, tiếng nói không mấy trọng lượng so với nhóm người chạy xe ôm khác do chính chủ trường gà quản lý. Trùm xe ôm có máu mặt là Minh "Thẹo", một tay biện (nhân viên trường gà chuyên thu tiền và chung chi cáp độ của hàng xáo) gà trong trường gà, rất láu cá và hách dịch. Hắn là cánh tay phải của Trào (Trào là ông chủ trường gà).
Minh "Thẹo" được giao nhiệm vụ quản lý nhóm xe ôm đưa hàng xáo sang chơi. Hắn móc ngoặc với cán bộ biên phòng biến chất để đưa người sang biên giới.
Dưới tay y là hàng chục xe ôm, chủ yếu là dân địa phương ở xã Bình Hiệp. Ai muốn đi Cam cứ phone cho Minh thẹo trước. Hắn sẽ cho xe ôm đón ngay tại bến xe.
Tiền cước lấy của khách 120.000-150.000 đồng/người. Lái xe hưởng 60.000 đồng còn lại hắn ăn chia chênh lệch với các quan chức. Khi lực lượng xe ôm mồ côi của Năm Rổ (mà chính Năm Rổ cũng thừa nhận phải mua quan chức để làm lơ) vào cuộc, có nguy cơ bị canh tranh bể nồi cơm.
Hắn tìm mọi cách triệt phá nhóm xe này. Minh thẹo tuyên bố: "Tao sẽ mua một chiếc 15 chỗ máy lạnh đưa khách cho bọn bay hết đường sống".
Nhóm của Năm Rổ tuyên chiến bằng việc thông báo : "Sẽ thường xuyên viết đơn thưa lên báo, thưa lên chính quyền để khỏi thằng nào sống". "Nhưng kết cục, mạnh ai nấy sống. Tự biết cách vuốt mặt phải nể mũi nhau", Năm Rổ nói nửa đùa nửa thật.
Cũng vì lý do này mà vừa chạy Năm Rổ vừa nhờ đồng nghiệp canh chừng công an trước. Năm Rổ giải thích: "Em chỉ sợ gặp mấy ông phe Minh thẹo thôi. Mắc công làm khó dễ mấy anh".
Trước đây, việc đem gà từ Việt Nam sang chơi rất dễ. Nhưng sau khi dịch cúm H5N1 bùng phát, việc kiểm tra có phần gắt gao hơn. Người mang gà phải đi đường sông Ông Tờn từ Vàm Cỏ Tây chảy thẳng vô đất Campuchia, mất thêm khoảng 20 phút. Vậy hoá ra đồn biên phòng chỉ để canh giữ người ngay. Dân hàng xáo đi Cam chẳng ai dại làm passport, visa để bị an ninh điểm mặt.
Hơn nữa, đi chui có thể đem bao nhiêu tiền cũng được (với dân hàng xáo chuyên nghiệp, mỗi chuyến đi bằng xe hơi vẫn có điểm gửi xe bên Việt Nam rồi đón xe ôm qua bển. Thậm chí Năm Rổ nói chắc nịch: "Anh cứ kéo bạn xuống đây. Xe tải hay 50 chỗ cũng được. Em quen hết. Có tiền là xong. Gửi xe đảm bảo, đi về an toàn".
Biên giới ở đây là đồng nối đồng, không có gì phân cách nên trong mùa khô đi cắt đồng vượt biên dễ dàng. Đi đường nhựa được năm hơn cây số, Năm Rổ chở khách đi đường vòng.
Con đường lách này chẳng có đường xá gì cả. Có lúc xe băng qua cánh đồng khô khốc sau mùa gặt, có khi lách giữa một bầy trâu đang gặm cỏ. Vòng vèo một hồi, Năm Rổ đâm thẳng xe từ cửa trước qua cửa sau căn nhà lá xập xệ của bà Mười kèm theo lời nhắn: "Lát con qua gửi tiền bà luôn" (tiền mượn lối).
Vừa đến địa phận Sóc Mới, huyện Rồ, tỉnh Svay Riêng là gặp ngay trường gà nằm độc lập giữa đồng. Tại đây, chỉ có vài cây thốt nốt, bạch đàn thưa thớt. Nhìn lại phía sau, trường gà ông Trào chỉ cách cửa khẩu Mộc Hoá vài trăm mét.
Trước cổng trường gà, bảo vệ trong sắc phục vệ sĩ Campuchia lăm lăm khẩu súng AK. Phía sau là cái bàn thu tiền, nơi bán vé vào trường gà. Mỗi người móc xỉa 44.000 đồng có hoá đơn đàng hoàng (bằng tiếng Campuchia). Tay bán vé là người Campuchia nói tiếng việt rất sõi.
(Theo Pháp Luật TP HCM)