- Phim này được anh ấp ủ từ năm 2002, lại là phim đầu tay, cảm giác của anh thế nào khi chờ ngày phim ra mắt khán giả vào tháng 4 này?
Hải Yến và Quang Hải. |
- Tôi cảm thấy rất hồi hộp nhưng tôi cũng khá tự tin bởi đó là tâm huyết, là thành quả lao động cật lực của cả đoàn làm phim. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng khốc liệt và điều đó giúp mọi người càng gắn bó hơn. Phim được xây dựng từ một câu chuyện có thật từng được thể hiện qua truyện ngắn Tiếng đàn sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy mà ngay lần đầu đọc, tôi đã bị ám ảnh đến nỗi cố mà cũng không sao quên được.
- Và anh đã chuyển tải nguyên vẹn cảm xúc ấy cho người xem và bộ phim sẽ giống một bài thơ?
- Phim là phim, không bao giờ là thơ. Điện ảnh có những ưu điểm khác biệt nhưng nó giống văn học ở cảm xúc. Cảm xúc cũng là thế mạnh của điện ảnh, nó không đơn thuần là kịch - tình huống. Đạo diễn phải tạo được cảm xúc cho người xem. Khán giả rất nhạy cảm, họ sẽ cảm nhận đa dạng hơn, sâu sắc hơn bởi họ còn có cuộc sống của riêng họ. Và nghệ thuật không thể mạnh hơn đời sống.
- Việc đưa Hải Yến vào vai chính, có những trở ngại gì?
- Không phải vì Hải Yến là vợ tôi mà tôi mời vào vai chính. Các đạo diễn khác đã “chấm” cô ấy trước tôi. Tôi cũng không thể phụ lòng mong mỏi và công sức của cả đoàn khi giao vai cho một người không hợp. Hải Yến đã phải cố gắng rất nhiều. Pao là vai diễn có sức nặng nội tâm. Tôi bảo cô ấy mặc quần áo người Mông, nói tiếng Mông và đem củi ra chợ bán cho đến khi có người mua.
- Còn những vai diễn khác trong phim thì sao?
- Theo tôi, diễn viên phải biết đa dạng hóa nhân vật của mình. Các vai chính khác trong Chuyện của Pao đều do người miền xuôi đóng, người bản xứ chỉ đóng vai phụ và vai quần chúng. Xem phim, bạn sẽ thấy “anh Sài” Ngô Thế Quân hóa thân tài tình như thế nào rồi Hoa Thúy - gương mặt quen thuộc của truyền hình - trong vai bà mẹ trẻ tuyệt vời ra sao.
- Phim nghệ thuật sẽ khó kéo khán giả vào rạp, nhất là phim về đề tài miền núi, anh nghĩ sao?
- Tôi không hiểu sao người ta lại thích tách biệt phim nghệ thuật và phim thị trường. Một tác phẩm điện ảnh phải được xây dựng trên nền tảng của nghệ thuật và đi vào thị trường. Đời sống của một bộ phim là dài chứ không phải chốc lát. Phim về miền núi nhưng mang hơi thở hiện đại, với những số phận đặc biệt trong một không gian vô cùng đẹp, được quay bởi cô Cordelia Beresford - nhà quay phim trẻ đang được chú ý và là con gái một đạo diễn nổi tiếng người Australia. Tôi cũng nhận thấy rằng khán giả đang bắt đầu chán những bộ phim kém chất lượng.
- Nhưng phải mất 3 năm mới cho ra đời được một phim, đó là sự lựa chọn quá đắt. Anh xử lý ra sao với những lời mời làm phim với mục đích câu khách?
- Vạn sự khởi đầu nan, tôi chưa từng quay một thước phim nào trước khi bấm máy phim này. Bởi đây là phim đầu tay nên tôi phải chuẩn bị kỹ. Khi đã “vào guồng” rồi, tôi sẽ cố gắng làm đều đặn mỗi năm một phim. Theo tôi, dù là làm phim giải trí cũng phải dựa trên tính thẩm mỹ cao, có nghĩa cần sự đầu tư về sức lực và tiền bạc. Trước đây, tôi có một kịch bản rất hay và định hợp tác với một hãng phim tư nhân mà bây giờ đang nổi đình nổi đám. Chúng tôi đã thỏa thuận, nhưng sau đó họ đề nghị tôi thay đổi dự án vì họ không đủ bình tĩnh và nhiệt huyết để kéo dài sự sống cho phim. Tôi không thích làm việc với những người không hiểu mình, muốn nhân danh điện ảnh và chỉ coi điện ảnh là phương tiện để kiếm tiền mà không biết tôn trọng người khác. Tuy nhiên tôi cũng có thiện cảm với hãng phim Phước Sang, họ có quan điểm giải trí phải gần gũi khán giả, biết khán giả thích gì và đã làm tốt việc PR.
- Phim tiếp theo của anh sẽ thế nào?
- Tháng 6, tôi dự kiến bấm máy phim Kiên, một phim khác hẳn, có không gian trải dài từ Nam ra Bắc. Phim này lấy cảm hứng từ người bạn thời thơ ấu đã mất của tôi. Hải Yến có tham gia một vai.
- Vợ chồng anh cứ như con thoi, nay Nam, mai Bắc với các kế hoạch làm phim, học tập, nghiên cứu. Cuộc sống như thế thú vị hay mệt mỏi?
- Chúng tôi thích cuộc sống hiện tại, mỗi vùng đất có cái hay riêng, được đi nhiều cũng là hạnh phúc. Hải Yến cũng mê điện ảnh chẳng kém gì tôi.
(Theo Người Lao Động)