![]() |
Những lao động đang phải chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng ở căn nhà trọ. |
Số lao động nói trên có tất cả 10 người, quê ở các huyện Thanh Chương, Hưng Chính, Yên Thành, thị xã Cửa Lò... thuộc tỉnh Nghệ An. Họ được bà Lê Thị Tuyết Nương - nhân viên tuyển dụng của Trung tâm Đào tạo & Xuất khẩu lao động thuộc Công ty Thiết bị vật tư du lịch 2 Tomateco (số 28 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình) đưa vào TP HCM từ khoảng đầu tháng 10/2005, với lời hứa đưa sang Đài Loan làm việc ở nhà máy sản xuất bánh kẹo.
Sau khi lo chỗ ở và cùng về tá túc trong căn nhà trọ ở đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 15, quận Bình Thạnh, bà Lê Thị Tuyết Nương đưa lao động đến Trung tâm Đào tạo và xuất khẩu lao động của Tomateco. Tại đây, họ được tiếp nhận đăng ký, được nhân viên công ty tổ chức cho đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Thống Nhất TP HCM.
Vì biết Tomateco là công ty có chức năng xuất khẩu lao động, vả lại toàn bộ hồ sơ, hộ chiếu đang được đơn vị này quản lý nên người lao động tin tưởng tuyệt đối vào bà nhân viên tuyển dụng. Theo yêu cầu của bà Nương, để được đi, mỗi người đã phải nộp trực tiếp cho bà ngay tại nhà trọ từ 5.000 đến 7.000 USD mà không có chứng từ hợp pháp nào (ngoài phiếu thu bán sẵn). Bà Nương hứa với họ là Tomateco sẽ lo thủ tục để đưa đi vào ngày 10/12, sau đó dời lại vào cuối tháng. Nhưng kể từ đó đến nay, sau khi 10 lao động nói trên nộp tổng cộng trên 50.000 USD, thì bà Nương bặt vô âm tín.
Do chờ đợi lâu vẫn không thấy bà Nương quay trở lại, 10 lao động tá hỏa đi tìm khắp nơi. Tại địa chỉ nhà của bà Nương ở số 122/32B, lầu 1, An Bình, phường 5, quận 5, TP HCM, người nhà bảo bà Nương đi đâu chưa về. Không còn cách nào khác, họ tìm đến Tomateco cầu cứu, nhưng các nhân viên của Tamateco từ chối nhận đơn và phủ nhận không liên quan gì đến bà Nương.
Ông Nguyễn Minh Thắng, nhân viên hành chính - người trực tiếp đưa số lao động này đi khám sức khỏe, cho biết chưa nhận được đơn thư nào và một mực phủ nhận trách nhiệm của Tomateco đối với lao động bị hại. Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận bà Nương là người của công ty môi giới và số lao động trên do bà Nương đưa vào.
![]() |
Bà Tuyết Nương trong một bữa tiệc với nhân viên của Tamateco. |
Nếu đúng bà Nương là người của công ty môi giới (thực chất là “cò” XKLĐ), thì theo quy định hiện hành, Tomateco vi phạm quy định cấm doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển lao động qua trung gian, để kẻ gian lợi dụng lừa đảo. Thực tế, bà Nương được Tomateco công nhận với tư cách là nhân viên tuyển dụng. Bằng chứng là ở ngay tại trung tâm này, lịch phân công công tác có ghi rõ bà Nương là nhân viên tuyển dụng. Bà Nương luôn khoe với những người ở chung nhà trọ những tấm ảnh chụp chung, ăn uống, dự sinh nhật với nhân viên của Tomateco. Khi đến làm các thủ tục tại Tomateco, sự có mặt của bà Nương với sự phân công công việc hẳn hoi khiến người lao động tin rằng bà Nương là người của Tomateco. Trong trường hợp bà Nương là nhân viên tuyển dụng, thì Tomateco đã buông lỏng quản lý cán bộ và không thể phủ nhận trách nhiệm trong việc giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Sáng 17/2, số lao động này đã đến Công an phường 15, quận Bình Thạnh, trình báo sự việc. Để có được số tiền lớn nói trên, gia đình của những lao động đã phải bán đất, vay ngân hàng, cầm cố tài sản hy vọng con em họ được sang Đài Loan đổi đời. Nhưng họ bị cho đi... tàu bay giấy bằng lời hứa hão và cái giá quá đắt.
(Theo Người Lao Động)