Bài viết phản ánh thực trạng "mất tiền oan" của Facebooker Minh Tín Nguyễn hiện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Người này bức xúc thuật lại: "Bến xe Yên Nghĩa có một loại dịch vụ rất lạ. Cứ xe nào bắt đầu đỗ ở bến trả khách là mấy người đàn ông, tay đeo băng bảo vệ chạy thật nhanh ra. Khách nào xuống xe có đồ trong cốp, túi to nhỏ không cần biết, và cũng chưa kịp hé lời nào thì những người đàn ông kia đã hỏi: Túi này của ai? Bê ra đâu? Gửi đi đâu? Rồi họ tự tính phí với những người khách với mức giá từ 10.000 đến 20.000 đồng (kể cả họ không bê). Và họ nói đó là quy định, đó là tiền khuân vác vì họ thầu cả bãi rồi, giá hàng có bảng niêm yết (em nhìn căng mắt không thấy cái bảng ấy đâu).
Khổ nhất là những người ra lấy đồ như em, hạ đồ xuống xe, mấy người đó ra đòi tiền. Em nói:
- Lại đòi tiền ấy ạ.
- Lợn này của ai? Của em hả? Thôi mỗi con anh lấy rẻ 20.000 đồng.
Những lần đầu em không trả hoặc bắt hạ giá xuống, nhưng họ nói ý như không đưa họ không cho mang ra khỏi bến. Mình hỏi chủ xe đây là loại tiền gì thì anh ấy bảo mình cứ trả đi, cho đỡ rắc rối.
Và đây là câu chuyện hôm nay:
- Em lợn ơi, mang lợn này ra đâu nhỉ?
- Anh mang ra xe Nam Định cho em, anh có tiền lẻ trả lại em 30.000 đồng, mỗi con 10.000 đồng, lần trước cũng thế.
- Lần trước em nhờ ai anh không cần biết, giá niêm yết rồi, mỗi con 20.000 đồng, công anh chở, anh lấy rẻ 10.000 đồng. 50.000 đồng tất cả, nhanh còn kịp (em thề cái xe Nam Định nó chỉ cách đó chưa đến 30 bước chân).
- Anh cứ làm như đi buôn được lãi lắm mà lấy tiền như cắt cổ người ta. Em chả hiểu ở đâu ra cái luật này, em tự bê được. Lần trước các anh lấy tiền rồi nói là tiền bê vác mà em phải tự bê, chằng đồ. 20.000 đồng không thì em tự bê.
- Em thích tự bê thì cứ bê, nhưng bê xong vẫn phải mất tiền như thế đấy.
- Em chẳng biết các anh phục vụ dân hay giết dân nữa.
- Em cứ lăn tăn, em bán mỗi con lợi lãi phải hơn triệu, hội anh lấy thế là còn rẻ.
- Thế anh buôn không, em bán lại cho anh đấy, xem anh lãi được bao nhiêu.
- Ôi anh ở đây thu tiền còn chẳng hết, buôn làm gì. Đấy, em thấy không, 2 phút anh đã có 40.000 đồng của em.
Thấy ông đó nhăn nhở, em tức điên, giả vờ chỗ trơn giẫm vào chân nó một nhát, em đoán là nó cũng cay lắm".

Câu chuyện khiến không ít người bức xúc thay chủ nhân và cho rằng thái độ, hành động của những người bảo vệ tại bến xe là không thể chấp nhận được: “Khác gì ăn cướp không, hiện tượng này cũng xảy ra ở rất nhiều bến xe rồi, bảo vệ mà cư xử như côn đồ, dân xã hội. Phải người có tiền thì còn ậm ừ cho qua, đỡ mất thời gian, chứ những người nghèo chắt chiu từng đồng về quê thì họ phải làm sao”, Hà Thu bình luận.
Tài khoản có tên Nguyễn Tuyến cũng chia sẻ câu chuyện mình từng gặp phải tại bến xe này: “Mình đã từng vào bến này một lần và cãi nhau với bảo vệ kịch liệt luôn. Không có hàng gì chỉ đi người không, xe ôm thấy bảo vệ đi ra quay đầu lại, đi cổng khác. Lúc sau, bảo vệ nhớ mặt mình vẫn ra đòi tiền, mình hỏi tiền gì thì bảo vào bến phải nộp 10.000 đồng. Mình thấy vô lý không nộp, ông ấy vẫn bảo xe ôm không nộp thì mình phải nộp. Mình đứng cãi nhau với ông ấy, còn bị doạ không nộp thì đố cũng không lên được xe. Ức chế kinh khủng”.
“Cái này chuẩn này, hôm nọ đi xe, chủ xe bảo bọn bảo kê bến lấy tiền hàng đấy, nhưng vì nhà xe mình đi có quan hệ gì đấy nên xe khách mình đi không bị thu tiền”, nickname Minh Dứa chia sẻ.
Facebooker The Phuong góp ý: “Nói suông như này không giải quyết được gì đâu, những người chưa gặp trường hợp này không phải ai cũng tin lời bạn nói. Nếu có xảy ra sự việc như trên bạn hãy quay video lại thì mới có bằng chứng, muốn xử lý cũng mới xử lý được”.
Maruko Chan