Công nhân vệ sinh môi trường đang tiến hành vớt bèo ở hồ Linh Quang. |
Từ 5h tới 9h sáng hôm nay, chợ tạm Văn Chương đã được giải phóng xong. Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị kiêm Giám đốc dự án đầu tư xây dựng hồ Linh Quang, cho biết: "Dự án xây dựng hạ tầng kỹ xung quanh hồ Linh Quang được UBND thành phố phê duyệt từ 2004, nhưng đến thời điểm này, mới đủ tất cả các yếu tố pháp lý cũng như nguồn vốn để thực hiện. Dự kiến, đến quý III năm 2009, dự án sẽ được hoàn thành, sẽ làm đường xung quanh hồ, trồng cây xanh. Toàn bộ hệ thống rác thải của các hộ dân xung quanh sẽ được gom vào hệ thống nước cống nước thải của thành phố, trả lại cho hồ Linh Quang môi trường nước sạch hơn".
Cũng theo ông Hòa, để đảm bảo vệ sinh an toàn cho những hộ dân sống quanh hồ, tránh tình trạng tiêu chảy cấp đang lây lan, trong vòng 5 đến 7 ngày tới, công nhân vệ sinh môi trường sẽ tiến hành dọn sạch bèo, rác thải và bùn dưới lòng hồ. Trong vòng 3 tháng tới, sẽ tiến hành giải phóng toàn bộ mặt bằng những hộ dân sống và lấn chiếm xung quanh hồ này và kè hồ.
Sau khi chợ tạm bị dẹp, các tiểu thương đang kinh doanh tại đây không còn chỗ để buôn bán, không ít hộ "cơm áo gạo tiền" đều phụ thuộc vào góc chợ tạm này. Bởi vậy, sáng nay, dù chợ đã giải tỏa, rất nhiều tiểu thương tại chợ vẫn đến để chứng kiến một cách nuối tiếc chỗ làm ăn của mình suốt chục năm nay bị giải tán.
Chị Nguyễn Thị Ngát, ở Đông Anh, Hà Nội, bán rau tươi ở chợ tạm Văn Chương, gần 10 năm qua, băn khoăn: "Từ hôm nhận được quyết định giải tán chợ đến giờ, tôi không ngủ được, lo lắm. Cả nhà tôi phụ thuộc vào gánh rau bán ở chợ này, rồi việc học hành của con cái cũng chỉ từ những mớ rau ấy mà ra. Chỉ mong UBND phường giúp cho một chỗ bán hàng cố định để cuộc sống được ổn định".
Sáng nay, nhiều tiểu thương đến để chứng kiến giải tán chợ. |
Chị Trần Thị Hòa, quê ở Thường Tín, Hà Tây, bán gà tại chợ tạm Văn Chương suốt 13 năm nay, cũng tỏ ra lo lắng không kém: "Em xót ruột quá, bây giờ tìm đâu ra chỗ bán hàng, cũng có những hộ gần chợ thuê mặt bằng để bán hàng, nhưng với giá 1 triệu đồng mỗi tháng là quá đắt. Với những người bán hàng nhỏ như em thì lấy đâu ra nhiều lãi mà thuê nhiều như thế".
Trong những tiểu thương có mặt sáng nay còn có cụ Trần Thị Chắt, ở B1, Văn Chương, đã 83 tuổi. Dù lưng bị còng, nhưng hàng ngày, các hộ tiểu thương vẫn chứng kiến cụ ôm cả rổ rau to mang ra chợ bán dù mưa rét hay nắng nóng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con quá nghèo, không nuôi nổi cụ nên cụ phải tự kiếm sống. Mỗi ngày chỉ được 12.000 đến 15.000 đồng nhưng mà cụ vẫn không thể bỏ chợ vì nếu nghỉ là đồng nghĩa với đói. Cụ Chắt kể, sáng qua, lỡ mua hàng nên vẫn phải bán nốt, nhưng hôm qua, chợ ế, nên vẫn còn thừa 5 mớ rau. Sáng nay, không còn chỗ bán nữa, đành để ăn dần. Cụ nói: "Giải tán chợ thì cũng tiếc thật, chẳng biết tôi sẽ sống thế nào nữa trong thời gian tới. Nhưng đây là chợ nhảy dù, lại cạnh hồ gây ô nhiễm môi trường nên phải cải tạo". Cụ chỉ mong sau khi chợ Văn Chương giải tỏa, chính quyền phường giúp cụ một chỗ bán hàng.
Tuy nhiên, theo giải thích của chính quyền phường Văn Chương, vì đây là chợ tạm nên dù biết việc giải phóng mặt bằng là ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người nhưng phường vẫn không có căn cứ pháp lý nào để đền bù, hay hỗ trợ cả.
Khánh Ngọc