31 thi hài được chuyển vào Nhà tang lễ Viện quân y C17 sáng 21/4. |
Theo chỉ đạo của ngành giao thông vận tải, đường hầm Hải Vân đã mở cửa để đoàn xe đi qua thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Ngay từ 5h sáng, những nẻo đường dẫn vào Nhà tang lễ Viện quân y C17 (Quân khu 5) chật cứng người thân. Họ đến từ Hà Nội, Vinh, Bình Định và TP HCM bằng tất cả những phương tiện có được.
Đúng 6h sáng hôm nay, 6 chiếc xe Zin 130 chở 31 thi hài đã về đến Đà Nẵng. Vây quanh những chiếc xe là những người thân, bạn bè của những cựu chiến binh xấu số. Và dù rất bình tĩnh nhưng anh Trần Trọng Long, con cả của trưởng đoàn tham quan Trần Trọng Cáp vẫn nấc trong nghẹn ngào: "Ba tôi vừa gọi điện bảo tôi (Anh Long đang công tác tại TP HCM) rằng khi nào vào đến TP HCM thì ba sẽ gọi con đến đón, con không nên trông ngóng làm gì. Ba đi cùng với rất nhiều đồng đội nữa mà".
Trong cái nắng ban mai bên khu nhà tang lễ, sáu chiến xe Zin chở 31 thi hài xấu số lầm lũi tiến vào. Tiếng người thân thóc thét nghe đến nao lòng. 9h30 những người thân từ Hà Nội tiếp tục bay vào bằng đường hàng không mặc dù việc mua vé máy bay thời điểm đó không hề dễ dàng một chút nào.
Chị Trần Thị Kim Oanh với nỗi đau mất cha. |
Theo Tuổi Trẻ, trong số những người thân từ Hà Nội vào Đà Nẵng để nhận diện người thân tại bệnh viện C17 có một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ gục mặt xuống đất khóc thút thít. Đó là Đàm Quang Tuấn, 25 tuổi, con trai út của bác Đỗ Thị Thanh Loan.
Một người bạn đi cùng với Tuấn kể lại rằng ngay khi nghe hung tin, Tuấn tức tốc ra sân bay mua vé vào Đà Nẵng, nhưng khổ nỗi hết vé, năn nỉ lắm cuối cùng Tuấn cũng được tấm vé của một người tốt bụng nhường lại để vào với mẹ.
Dựa lưng vào bạn, Tuấn tâm sự: "Hôm trước ngày đi tham quan, mẹ có bảo em thích gì thì mẹ mua về cho, giờ thì con không cần mua gì nữa, chỉ cần mẹ về với con thôi mẹ ơi". Nói đến đó Tuấn bỗng xụp xuống, mắt nhòa đi vì lệ. Hình ảnh sụp đổ của một thanh niên trai tráng như Tuấn đã khiến cho những người chứng kiến sáng nay đau nhói tim gan. Họ thương cho Tuấn một phần, một phần họ xót xa cho những phận người từng một thời vào sinh ra tử không hệ lụy gì vậy mà... Tiếng nhạc trong bài Hồn tử sĩ vang lên ai oán...
Nhưng đau xót nhất trong vụ tai nạn thương tâm này có lẽ là gia đình chị Trịnh Thị Kim Ngọc (con gái đầu của cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích Hiền). Trong vụ tai nạn thảm khốc này gia đình chị Ngọc hứng chịu đến 3 người thân là mẹ ruột Nguyễn Thị Bích Hiền, ông sui gia Phạm Minh Thiện và bác Phạm Minh Thanh là con nuôi của bà ngoại chị Ngọc.
Chị Ngọc tâm sự: "Cả phường Kim Liên ấy ai cũng biết bởi cụ vốn là diễn viên của đoàn văn công Việt Bắc năm xưa". Trong số tư trang còn lại của cụ Hiền, ngoài cuốn sổ tiết kiệm còn có một tấm huy hiệu Cựu chiến binh đã ngả màu của thời gian: "Ao ước lắm muốn thăm lại chiến trường xưa nên chị em tôi người góp một ít tiền để cụ toại nguyện. Đây cũng là lần đầu tiên cụ vào miền Nam sau ngày giải phóng, vậy mà chuyến xe oan nghiệt quá".
Sau gần một ngày trời miệt mài chạy, đúng 11h trưa, 12 chiếc xe lạnh của Ban tang lễ TP Hà Nội đã vào đến Đà Nẵng. Những tấm ra màu trắng được khẩn cấp tháo tung ra phủ kín những khoang xe, trong cái nắng hanh chát của mùa hè, từng tốp người lần lượt kéo nhau đến nhận mặt người thân của mình trước khi xác của họ được đưa lên xe về Hà Nội. Khu vực xung quanh nhà tang lễ bệnh viện C17 chật cứng người đến đưa tiễn. Tiếng khóc than ai oán lại nấc lên trong đau nhói trái tim đồng loại.
Bà cụ Vũ Thị Bé (trú tại 104 đường Lý Thái Tổ, Đà Nẵng) cho biết: "Hôm qua khi đang ăn cơm thấy truyền hình đưa tin nên sáng nay tôi bảo con trai mình chở lên nhà tang lễ để chào họ lần cuối". Bà Bé tuy không họ hàng gì với những người xấu số đó nhưng lại là đồng hương nên bà đồng cảm với nỗi đau vô bến bờ ấy. Ngồi bên anh Tuấn, bà đưa tay vuốt tóc cố động viên: "Thôi đằng nào thì mẹ cháu cũng đã về với các đồng đội của mình rồi, cháu phải cố đứng lên để về mà lo hậu sự". Lời an ủi của bà Bé đã phần nào làm nguôi ngoai đi nỗi đau quá lớn trong lòng Tuấn. Nói xong bà quay sang vén áo gạt nước mắt.
Đúng 13h30 đoàn xe lăn bánh qua đường hầm hải Vân trở về Hà Nội. Ở đó có hàng nghìn đồng đội, người thân đang chờ đón họ để được nhìn mặt người thân lần cuối. Chuyến đi định mệnh ấy đã không bao giờ đưa họ trở về với Hà Nội.
Dự kiến vào lúc 7h sáng nay (23/4), đoàn xe chở thi hài mới về đến phường Kim Liên.