Nhưng thượng úy Trần Xuân Thắng lại chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ làm quản giáo tử tù, đối mặt với những con người phải bị loại bỏ.
Ngọn đèn vàng vọt hắt bóng lên bức tường bê tông xám xịt ở biệt giam tử tù Chí Hòa. Tiếng kiểm tra ổ khóa lách cách cuối ngày khô khốc, lạnh lẽo. Quản giáo Trần Xuân Thắng đứng lặng lẽ nhìn chiếc bóng của mình đổ dài trên nền hành lang hun hút.
Bữa cơm cuối cùng trước giờ ra pháp trường. |
Đêm trước buổi sáng đầu tiên làm nhiệm vụ “xuất buồng” cho một tử tù ra pháp trường, anh không thể ngủ được. Những hình ảnh, những suy nghĩ rối rắm cứ nhảy múa trong đầu. Cảm giác thật khó tả, nó vừa là lo lắng trách nhiệm nặng nề phải hoàn thành, vừa sờ sợ một cái gì đó không rõ rệt, kể cả buồn buồn cho một kiếp người sai lầm sắp phải đền tội...
Là một người lính trước khi vào ngành công an, thượng úy Trần Xuân Thắng nhiều lần đối diện với mũi súng quân thù. Cảm giác trước cái chết như thế nào ư? Anh có thừa. Tâm trạng thèm khát cuộc sống mãnh liệt? Anh cũng đã hiểu. Nhưng đêm nay anh lại cảm thấy thật kỳ lạ. Đó là sự sống của một tử tù mà anh phải quản lý, chăm sóc từng chi tiết để chờ đợi ngày cái chết được thực thi.
Kim đồng hồ trên tay anh chầm chậm trôi qua. Đêm tịch mịch thỉnh thoảng lại bị xé toạc bởi những tiếng cầu khấn, rên rỉ, la hét hoảng loạn của các tử tù biết đơn xin ân giảm án chết đã bị bác...
Chỉ vài giờ nữa thôi, tử tù Vòng Chí Sìn, một tay buôn ma túy quốc tế chuyên nghiệp, sẽ bị đưa ra pháp trường đền tội. Cũng như những kẻ gieo rắc cái chết trắng khác tự dự báo được đoạn kết vô hậu của mình, Sìn khi mới vào buồng tử tù vẫn ngang tàng, lì lợm.
Nhưng ngày ngày một mình ngồi chờ đợi bản án của pháp luật, đau đớn với bản án lương tâm, dằn vặt tột cùng với bao hỉ nộ ái ố của kiếp người, gã mềm yếu dần. Hết tru tréo chửi rủa, cười nói điên dại, gã lại khóc lóc hối hận, cầu xin cả người sống lẫn người chết. Ban ngày gã nằm im lìm bất động. Đêm xuống, gã ngồi chong mắt nhìn qua ô cửa thông gió, chờ đợi ánh bình minh lọt vào để biết mình còn được sống thêm một ngày nữa...
Cả ở ngoài xã hội lẫn trong công việc của mình, Thắng đã chứng kiến không biết bao nhiêu số phận kết thúc đau buồn vì ma túy. Kẻ chết đường, chết chợ, người dựa cột pháp trường, hoặc hết đời trong tù tội. Bao gia đình tan nát. Bao trẻ thơ vô tội sa cảnh lầm than vì cha mẹ nghiện ngập.
Căm phẫn trước tội ác gieo rắc cái chết trắng, nhưng Thắng cũng là con người. Anh hiểu được cảm giác sợ hãi và thèm sống của Sìn. Anh thật lòng muốn gã bình tâm và được sống với phần lương tri con người trỗi dậy dù chỉ là trong những ngày ngắn ngủi...
Cuối cùng thì kim đồng hồ cũng chỉ vào số 4 của ngày mới. Giờ của tội ác chuẩn bị chịu trừng phạt, và cũng là giờ khó tả nhất trong tâm trạng của Thắng. Anh chỉnh lại sắc phục, tiến về buồng giam Sìn. Anh muốn nói với gã nhiều điều, nhưng chưa kịp thì hội đồng thi hành án tử hình đã có mặt. Anh nhẹ nhàng giúp gã mặc bộ đồ mới, dọn cho gã bữa cơm gà thật ngon...
Các thủ tục diễn ra nhanh chóng, dứt khoát. Sìn rũ bệt người sợ hãi, tay chân tê cứng lại, đáy quần sũng ướt, đôi mắt thất thần. Gã quay nhìn Thắng, người gần gũi và hiểu gã nhất trong lúc này, với ánh mắt nửa như cầu cứu nửa như chào tuyệt vọng. Anh bắt tay gã, cái bắt tay lần cuối giữa hai con người với nhau, và nói: “Thôi, anh ra đi thanh thản!”.
Chiếc xe bít bùng khuất dần trong màn đêm. Phía chân trời, bình minh đang dần lên...
... Nuối tiếc, hối hận đến không còn nước mắt để khóc... Trầm uất, đau khổ, không ăn, không ngủ... La thét cuồng loạn như có thể giết tất cả mọi người nếu được... Rồi lại rên rỉ tuyệt vọng tìm cách tự tử... Đó là các trạng thái tâm lý và hành động phức tạp mà hầu hết tử tù đều trải qua trong những ngày chờ đền tội. Và đó cũng là những gì mà người quản giáo khu vực đặc biệt này phải chịu đựng, giải quyết.
Lần “xuất buồng” đầu tiên ấy nay đã trôi qua hơn 10 năm. Ở khu buồng đặc biệt này, anh đã gặp nhiều hạng người, nhiều loại tội phạm khác nhau, nhưng đều chung một bản án cuối cùng. Có người khi còn ở ngoài xã hội từng là ông này ông nọ, là đại gia kinh tế làm ăn thất bát, lừa đảo nghiêm trọng. Có kẻ là giang hồ hung tợn, cướp của, hiếp dâm, giết người không run tay...
Nếu nói trại giam là một “xã hội tội phạm” bị quản lý, thì nơi Thắng làm quản giáo chính là một bộ phận phạm tội phức tạp nhất của cái xã hội phức tạp đó.
Trong các tử tù vì tội cướp của giết người, Nguyễn Hữu Thành - tức Phước “Tám Ngón” - khét tiếng liều lĩnh và ngông nghênh nhất. Hắn ra pháp trường với hai án tử hình. Sinh năm 1971 (hắn bị án tử hình đầu tiên năm 1991), Phước “tám ngón” đã khét tiếng dã man khi dùng K59 bắn thẳng vào mặt nạn nhân để cướp xe.
Trong những ngày chờ phúc thẩm án tử hình đầu tiên, hắn đã dùng hai lưỡi lam cưa đứt song sắt và đục tường trốn thoát. Những ngày trốn chạy, hắn lại tiếp tục dùng AK đi cướp của giết người một cách liều lĩnh và man rợ...
Bị bắt lại, biết có chết mấy lần vẫn chưa hết tội, Phước “Tám Ngón” vẫn tỏ ra ngông nghênh không coi ai ra gì, kể cả quản giáo. Hắn hết cào cấu chân tay lại la hét đòi được chết ngay. Hắn lồng lộn chửi rủa văng mạng. Thậm chí gã còn hăm dọa nếu trốn được lần nữa sẽ vác súng “xử” sạch tất cả. Sau ngày bị bắt lại, bị tòa tuyên bản án tử hình thứ hai, hắn càng điên cuồng, lì lợm hơn.
Đối diện với tên tử tù đã nhận hai án tử hình, các quản giáo vô cùng đau đầu, vất vả. Một mặt họ phải bảo đảm tuyệt đối không để hắn trốn thoát lần nữa. Mặt khác họ phải cố tìm cách “hạ hỏa” cái đầu, cái miệng điên cuồng của hắn để giữ sự nghỉ ngơi trong những ngày cuối cùng của các tử tù khác...
Biết Phước “Tám Ngón” luôn giấu trong lòng nỗi hậm hực khó nói vìtừng khét tiếng giang hồ, bóp cò không run tay, từng vượt ngục, nhưng cuối cùng lại bị người dân tay không ở Buôn Ma Thuột tóm gọn giao công an, một đêm Thắng quyết định “dĩ độc trị độc”: “Tôi biết anh là tướng cướp. Vậy thì phải sống sao cho ra bản lĩnh tướng cướp chứ. Tướng cướp gì mà suốt ngày mồm miệng hèn hạ, ảnh hưởng đến người khác. Chính anh còn không tôn trọng anh thì làm sao người khác tôn trọng anh được...”.
Ngay lúc đó, hắn như càng lồng lộn hơn, nhưng về sau hình như đã nghĩ lại. Hắn trở nên lầm lì, ít la hét hẳn. Buổi sáng, làm thủ tục “xuất buồng” đưa hắn ra pháp trường, Thắng thấy nhẹ lòng. Anh đã có những buổi sáng như thế này với tâm trạng trĩu nặng.
So với Phước “Tám Ngón”, Ngọc “Ken” không có “số má” giang hồ lừng lẫy bằng, nhưng cũng thừa bản chất dã man khi dám kê súng giết người, rồi bóp cò thẳng vào công an. Những ngày đầu ngồi tù tử, gã vẫn ngang tàng, coi cái chết như là định mệnh. Nhưng đêm đêm gã lại thức trắng chờ đợi giây phút cuối cùng, rồi dần dần đâm ra sợ chết đến nỗi không còn đủ can đảm sống đến ngày dựa cột trên pháp trường. Hai giờ sáng, gã xé quần áo làm dây thòng lọng, cột một đầu dây vào song cửa, tự chui đầu vào thòng lọng rồi đổ vật người xuống sàn nhà cho thòng lọng siết lại. Quản giáo phát hiện, cứu kịp. Gã rên rỉ: “Sao không để tôi chết? Cứu tôi làm gì...”.
Hiểu tâm trạng của gã, Thắng lặng im chờ hắn tự bình tâm, lát sau mới rẽ rọt từng tiếng: “Trách nhiệm của tôi ở đây là bảo đảm cho anh được sống đến ngày phải chết. Nếu anh thật sự muốn chết thì hãy can đảm nhận cái chết đáng với mình. Anh treo cổ chết như vậy làm cho tôi cũng phải “chết” theo...”.