Mặc dù khổ tâm, dằn vặt vì sợ bị phát hiện và cảm thấy có lỗi với chồng nhưng chị vẫn không hé răng suốt... 20 năm!
Nhịp sống hiện đại với thói quen giao tiếp cởi mở làm cho không ít người trở nên dễ dãi hơn trong tiếp xúc hằng ngày. Thêm vào đó, áp lực cuộc sống luôn căng thẳng đã khiến một số người im lặng, thậm chí thỏa hiệp với nạn quấy rối tình dục (QRTD).
Vừa tốt nghiệp đại học ngành luật, qua lời giới thiệu của một người bạn, T., xin vào làm việc tại một văn phòng luật sư ở quận 1, TP HCM. Ngày đầu tiên ra mắt vị luật sư trưởng của văn phòng, cô đã bị người sếp lớn hơn 30 tuổi điều chỉnh cách xưng hô từ chú sang anh với lý do: đi làm không thể xưng hô theo kiểu gia đình. Tuy ngượng miệng nhưng thấy sếp nói cũng có lý, lại đang cần việc làm, cô đành phải tập gọi anh, xưng em.
Vào làm được hơn một tuần, T. đã nhận ra những cử chỉ khác lạ của vị sếp này như hay vỗ lên mông cô mỗi khi cô đợi ký giấy tờ, bẹo má, vuốt tóc, nắm tay... Mặc dù không đồng ý nhưng cô không thể phản ứng mạnh vì sợ các nhân viên khác biết chuyện thì không hay, cô chỉ nhăn mặt và né tránh. Cứ thế, vị sếp sàm sỡ kia không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào khi chỉ có hai người. Chưa đầy một tháng làm việc, T. đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc, rồi cô chỉ chờ đến ngày lãnh lương và... biến.
Sang công ty mới, T. trở thành nhân viên văn phòng cùng với nhiều người trẻ. Ý nghĩ không còn gặp những người thuộc dạng “trâu già thích gặm cỏ non” nữa khiến cô yên tâm. Nhưng người trẻ cũng có kiểu quấy rối của người trẻ. Mỗi ngày cô nhận không biết bao nhiêu tin nhắn của anh chàng kế toán vào làm trước cô vài năm với những lời lẽ mà chỉ có vợ chồng mới nói với nhau. Tuy nhiên, lần này T. không bỏ việc vì nghĩ kiếm việc không dễ và tự an ủi rằng dường như ở chỗ nào cũng... thế thôi.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, ở những nơi mà các vị giám đốc có đủ quyền hạn trong tay và nhân viên chỉ mong sự ổn định thì nạn QRTD dường như trở thành “lệ làng”.
Ở xã hội Việt Nam hiện nay, chuyện QRTD đang trở nên phổ biến, đặc biệt là nơi công sở. QRTD có thể chỉ là va chạm thân thể, thông qua lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm. Những biểu hiện dễ nhận biết là lời nói bóng gió hay những từ ngữ liên quan đến tình dục; động chạm, vỗ nhẹ, véo, vuốt ve, sờ lên cơ thể của người khác; đánh giá khả năng tình dục của ai đó hoặc có những lời bông đùa về sinh hoạt tình dục, thường xuyên nói chuyện phiếm về giới tính...
Qua tư vấn cho nhiều trường hợp bị QRTD, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, chưa có nghiên cứu hay số liệu nào phản ánh tình trạng này ở nơi làm việc nhưng đây là vấn đề gây bức xúc cho nhiều người và là hiện tượng ngầm đang có xu hướng gia tăng. QRTD, theo quan niệm của thế giới, là bất kỳ một hành vi nào liên quan đến nhu cầu sinh lý mà không được người tiếp nhận mong đợi, điều này đã tạo ra một môi trường thiếu lành mạnh và bất an.
Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, hầu hết nạn nhân của QRTD thường là nữ và họ luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ người xung quanh đàm tiếu, sợ chồng biết và nguy hiểm hơn là họ mất lòng tin vào con người.
Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền, ở Việt Nam, QRTD không phải là một tội mà chỉ được xem xét dưới khía cạnh đạo đức, chưa có một chế tài pháp luật nào đủ mạnh để xử lý những người quấy rối. Vì vậy mọi người thường chỉ bỏ qua, phớt lờ hoặc cố gắng chịu đựng mà không đưa vấn đề ra trước pháp luật và công luận.
Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, các công sở cần có những nội quy chặt chẽ để hạn chế tình trạng này. Ngay từ đầu, người phụ nữ cần phải có thái độ nghiêm túc và biết cách tự bảo vệ mình, không nên cả nể. Nếu những “con sâu” QRTD được an toàn lần đầu họ sẽ tiếp tục lần thứ hai, lần thứ ba và mức độ sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Quy định chống QRTD ở một số nước châu Á
Hiện nay nhiều nước ở châu Á đã lên tiếng chống nạn QRTD nơi công sở nhằm tạo môi trường làm việc lành mạnh. - Tại Nhật Bản đã có điều lệ chống QRTD nơi công sở, tất cả các cơ sở phải có văn bản báo cáo nếu để xảy ra vụ việc. - Tại Thái Lan, mỗi đồn công an có một bàn tiếp nhận các đơn tố cáo QRTD do một người phụ nữ phụ trách. - Tại Hàn Quốc đã có văn phòng giải quyết nạn QRTD nơi công sở. - Tại Philippines, mọi hành vi QRTD sẽ bị phạt tiền và phạt tù đến 6 tháng. Ngoài ra, nếu là cán bộ, công chức sẽ bị bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm nếu vi phạm một trong những hành vi như: động chạm vào một số bộ phận trên cơ thể của đối tượng, gợi ý quan hệ tình dục để được làm việc tiếp tục hoặc thăng chức, đi nước ngoài, nâng lương, cấp học bổng... |
(Theo Người Lao Động)