Nói gián tiếp
Đôi khi nói một cách gián tiếp lại có hiệu quả hơn nói trực tiếp. Thay vì nói "Bạn phải hoàn thành nó cho tôi", bạn có thể nói rằng "Bản báo cáo cần phải được hoàn thành trước ngày..." hoặc "Bảng lương phải được làm xong trước...". Như vậy mọi người sẽ ít cảm thấy bị áp lực và làm việc một cách thoải mái hơn.
Cho mọi người thấy hậu quả hành động của họ
Khi đồng nghiệp không nộp bản dự án đúng kế hoạch, hãy cho họ biết hậu quả của việc đó: "Nếu anh không hoàn thành nó vào ngày mai, chúng ta sẽ không có thời gian để kiểm tra trước khi giao cho khách hàng. Và nếu họ phát hiện ra thiếu sót gì thì điều gì sẽ xảy ra?".
Gặp trực tiếp hoặc sử dụng điện thoại
Email là phương tiện giúp bạn liên lạc nhanh chóng với đồng nghiệp nhưng có thể cách viết quá ngắn gọn trên email lại làm đồng nghiệp hiểu nhầm hoặc không hiểu ý của bạn. Vì thế, trong nhiều trường hợp, hãy sử dụng điện thoại hoặc gặp họ trực tiếp.
Hạn chế "bệnh" nói nhiều của đồng nghiệp
Có thể bạn không chữa được "bệnh" nói nhiều của đồng nghiệp nhưng ít ra bạn cũng sửa được cách người đó nói chuyện với bạn. Đừng hỏi những câu hỏi mở như "Bạn thế nào?"; hạn chế lời chào của bạn thành: "Chào buổi sáng/ Chào buổi chiều!" và hãy bận rộn mọi lúc. Những câu như "Xin lỗi, tôi đang bận quá"... sẽ giúp ích cho bạn.
Chuẩn bị trước
Khi có chuyện cần bàn với đồng nghiệp, bạn nên lên kế hoạch trước thật cụ thể, rõ ràng, xem cái gì nên đề xuất trước, cái nào quan trọng hơn... Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bạn chỉ cần một cuộc hẹn. Làm như thế sẽ chứng tỏ được sự chuyên nghiệp của bạn.
Đừng phàn nàn
Phàn nàn nhiều chỉ làm cho đồng nghiệp xa lánh bạn và tạo nên một môi trường làm việc kém. Vì thế, hãy chú ý tới những điều bạn nói với mọi người trong công ty.
Gạt bỏ sự tức giận
Thật khó khi cứ phải giữ sự tức giận hay nỗi đau trong lòng. Bạn cần phải giải tỏa nó. Hãy viết ra những cảm xúc của bạn trong một bức thư rồi gửi cho chính mình hoặc để nó ở nhà. Sau đó hãy gạt sự tức giận của bạn sang một bên và quay trở lại công việc. Sau vài tháng, nếu tò mò, bạn có thể đọc lại lá thư. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những cảm giác đó đã thay đổi ra sao.
Không để những chỉ trích ảnh hưởng tới mình
Hãy luôn nhận thức rằng những chỉ trích về công việc của bạn không phải là chỉ trích con người bạn. Đừng để nó ảnh hưởng quá nhiều tới mình.
Viết ra những nội dung chính
Khi bạn thảo luận điều gì đó với một đồng nghiệp khó tính, hãy viết một số nội dung chính và kết nối chúng lại với nhau. Nếu mọi người đi lạc vấn đề và bắt đầu nói chuyện một cách căng thẳng, hãy quay lại những "gạch đầu dòng" của bạn. Theo cách đó, bạn có thể tránh được một cuộc tranh luận gay gắt.
Không nên mang đến những ngạc nhiên quá bất ngờ
Đừng mang đến cho sếp và đồng nghiệp những ngạc nhiên quá bất ngờ như một dự án mới hay phát sinh vấn đề mới. Mọi người không thích được đặt trong tình huống bị động như vậy và họ có thể phản ứng lại một cách gay gắt.
Để ý tới ngôn từ của mình
Đừng tạo ra một tình huống tồi tệ bằng việc miêu tả cách cư xử của ai đó với họ bằng những từ "bất lịch sự, không quan tâm, hay la hét". Thay vào đó hãy sử dụng những từ miêu tả trung lập như "hơi to tiếng, thiếu kiên nhẫn". Bạn cũng có thể tỏ ra thông cảm bằng cách nói "Có vẻ như cô có nhiều chuyện phải suy nghĩ".
Không được ngồi lê đôi mách
Hãy tránh xa những chuyện ngồi lê đôi mách bằng câu như "Ồ, thật chứ?" và sau đó chuyển sang đề tài khác hoặc quay trở lại công việc. Những người ngồi lê đôi mách chỉ muốn nói xấu người khác và gây hiềm khích với những người mà họ không ưa. Tốt nhất bạn không nên tiếp chuyện với họ.
Hãy luôn thân thiện
Dù có thể bạn không thích một ai đó nhưng hãy luôn thân thiện, hòa đồng với tất cả mọi người trong công ty. Bạn cũng có nên có bạn thân nơi công sở và họ cũng phải là người bạn tốt trong cuộc sống.
Có những cuộc nói chuyện ngắn
Hãy hỏi mọi người về những sở thích của họ như về âm nhạc, phim ảnh, thời gian rảnh... chia sẻ và làm cho họ cảm thấy thoải mái với bạn. Sau đó bạn có thể mang tới một mẩu báo và bắt đầu cuộc nói chuyện một cách thiện chí: "Tôi thấy có bài báo nói về ban nhạc mà chị thích", hoặc: "Tôi biết một quán ăn Italy rất ngon và tôi biết cô rất thích món mì nước này, đúng không?".
Giữ bình tĩnh
Khi gặp vướng mắc gì đó với đồng nghiệp, bạn đừng lớn tiếng mà hãy cố gắng nói bình thường và hạ thấp giọng xuống. Điều đó không chỉ thể hiện sự bình tĩnh của bạn mà còn khiến cho mọi người phải lắng nghe.
Khen ngợi
Chúng ta thường chỉ tập trung vào sai sót của đồng nghiệp và phê bình, chỉ trích họ. Tuy nhiên, là một người chuyên nghiệp, bạn hãy để ý tới những lúc họ làm tốt và khen ngợi, như vậy, họ sẽ ít cảm thấy bị áp lực.
(Theo Tuổi Trẻ)