Một số trường như ĐH KHXH & NV TP HCM, Sư phạm, HUFLIT đã thành lập hẳn khoa tiếng Việt cho người nước ngoài, hoặc Trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Đặc biệt, số lượng cô giáo đứng lớp tại các khoa và các trung tâm kể trên chiếm tỷ lệ khá cao.
Cô Trần Minh Giới, Phó chủ nhiệm khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài ĐH KHXH & NV TP HCM, cho biết: "Do học viên đến từ các nước khác nhau, nên tiêu chuẩn chọn giảng viên của chúng tôi là phải có kiến thức sâu rộng về văn hoá, lịch sử thế giới. Bên cạnh đó là tính năng động, kỹ năng truyền đạt, và tất nhiên phải thông thạo một ngoại ngữ nào đó".
Cô Minh Giới cho biết thêm, nhu cầu dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chỉ mới tiến triển mạnh trong thời gian gần đây, nên hiện tại truờng chỉ có giáo án chung cho những học viên học tiếng Việt sơ cấp. Đối với học viên nâng cao, mỗi giáo viên phải tự soạn giáo án cho mình. Và hiệu quả của sự truyền đạt tuỳ theo kinh nghiệm của từng người.
Cô Võ Sông Hương, cựu diễn viên điện ảnh, giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài tại trường đại học KHXH & NV TP HCM nói về phương pháp của mình: "Thường thì trước khi nhận lớp, tôi dành thời gian thật kỹ phong tục tập quán, lịch sử, văn hoá của quốc gia mà học viên sinh trưởng. Điều đó giúp tôi dễ gần gũi họ, nắm bắt tâm lý và mục đích học tiếng Việt để soạn giáo án thật phù hợp cho từng đối tượng".
Không chỉ dạy trên lớp, nhiều giáo viên còn cho học viên dã ngoại theo từng chủ đề. Cô Dương Thu Hương, giáo viên của lớp tiếng Việt nâng cao, nói: "Phương pháp thực nghiệm "vui mà học, học mà vui" đó giúp học viên dễ học và nhớ lâu". Bên cạnh những giảng viên của trường, nhiều nữ sinh viên các ngành Ngôn ngữ học, Đông phương học cũng "chiêu sinh" học viên dạy thêm thông qua Trung tâm ngoại ngữ của trường.
Nguyễn Hà Phương, sinh viên khoa Đông Phương, ĐH HUFLIT, nói: "Tôi học ngành Hàn Quốc nên chỉ nhận dạy tiếng Việt cho các học viên người Hàn. Do được học về kĩ thuật đất nước này, nên việc dạy của tôi không mấy khó khăn, mình vừa có thu nhập lại vừa có cơ hội luyện tập tiếng Hàn với người bản xứ nữa".
Do không có lớp học cố định, nên việc giảng dạy diễn ra... mọi lúc mọi nơi. Khi thì trong quán cà phê, thư viện, lúc khác trong viện bảo tàng, hay rạp chiếu bóng. Đến mỗi nơi như thế, học viên thắc mắc gì thì hỏi cái nấy. Có lẽ, nhờ phương pháp "học mọi lúc mọi nơi", vốn tiếng Việt của nhiều học viên dạng này thường rất phong phú.
Thu nhập bình quân của giáo viên dạy người nước ngoài có biên chế khoảng 3 triệu đồng/tháng, những người có nhiều học viên thì thu nhập cao hơn. Đối với sinh viên đi dạy thêm theo kiểu bán thời gian, họ nhận thù lao là 600.000 đồng/ tháng/người.
Theo Phụ Nữ, những người dạy tiếng Việt cho biết, họ hài lòng với khoản thu nhập có được qua công việc này. Tuy nhiên điều làm họ hạnh phúc nhất trong công việc này là hiệu quả của công việc. Võ Sông Hương kể rằng, cô đã bật khóc khi học viên đầu tiên của mình, một người Nhật, nói được một câu tiếng Việt rất truyền cảm, tự nhiên.
Học viên nước ngoài cũng thường rất "tâm lý", tạo được thiện cảm tốt với cô giáo. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là họ bí mật tổ chức sinh nhật bất ngờ cho cô giáo mình. Ngay cả khi đã học xong và về nước, đa số học viên thường xuyên viết thư bằng tiếng Việt hỏi thăm cô giáo.
Không chỉ vậy, qua việc giảng dạy học viên, cô giáo cũng học lại được nhiều điều hay trong cách ứng xử, bổ sung được kiến thức văn hoá, lịch sử, của nhiều nước trên thế giới.