Các nhà kinh doanh dầu trên thị trường London phản ứng với tình hình giá tăng cao. |
Giới phân tích dầu mỏ cho rằng giá dầu mỏ tăng là do tâm lý lo ngại về sự khan hiếm nguồn cung cấp dầu mỏ sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố các số liệu dự trữ năng lượng tuần qua cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 300.000 thùng xuống 340,8 triệu thùng và dự trữ dầu chưng cất, gồm dầu sưởi ấm và dầu diesel, giảm một triệu thùng xuống 132,8 triệu thùng.
Cơ quan khí tượng còn dự báo về một mùa đông lạnh giá hơn ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sưởi ấm gia tăng.
Những dự đoán về khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới của tổ chức này ở Nigeria cũng ảnh hưởng tới tâm lý các nhà giao dịch trong những ngày gần đây.
Việc giá đồng USD sụt giảm mạnh trong những phiên gần đây đã góp phần đẩy giá dầu thô tăng lên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng về dài hạn, việc đồng USD xuống giá có thể gây ảnh hưởng ngược lại, bởi một số nước sản xuất dầu mỏ có thể "bơm thêm dầu" để giữ cho doanh thu khỏi giảm xuống.
Bên cạnh đó, giới giao dịch cho rằng nều đợt giá lạnh kéo dài chỉ một tuần thì khó lòng hỗ trợ thị trường dầu mỏ tiếp tục tăng lên.
Hiện giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 20% so với mức cao kỷ lục 78 USD/thùng hồi giữa tháng 7.
Kể từ ngày 1/10 đến hai ngày gần đây, giá dầu thô chưa thể vượt qua ngưỡng 62 USD/thùng bất chấp quyết định của OPEC cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, tính đến 15h ngày 1/12, giá vàng tại thế giới đạt 647,5USD/ounce, mức cao kỷ lục trong gần ba tháng qua. Hai trong số những nguyên nhân chính là đồng USD mất giá mạnh ( một euro ăn 1,32 USD, mức kỷ lục kể từ tháng 3/2005) và giá dầu tăng cao.
Giá vàng thường có xu hướng tăng giá vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và giới đầu cơ kiểm soát thị trường. Việc gia tăng lượng vàng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương các quốc gia giàu có cũng được xem là một nhân tố thúc đẩy giá vàng tăng cao.
(Theo Tuổi Trẻ)