![]() |
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến việc mất giá của USD, ông Nguyễn Gia Định, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết: "Nếu cách đây vài tháng, đồng USD giảm giá mạnh do bị tác động của tình hình an ninh, chính trị, giá dầu... trên thế giới thì hiện nay có vẻ như Chính phủ Mỹ đang để đồng USD rơi tự do (tỷ giá EUR/USD có ngày lên 1,347) nhằm giải quyết bài toán thâm thủng cán cân mậu dịch. Bởi lẽ khi USD giảm giá, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ gặp thuận lợi hơn khi cạnh tranh với hàng của Nhật và châu Âu". Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có khoảng 80% doanh nghiệp xuất nhập khẩu chọn USD để thanh toán. Theo ông Định thì doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhập khẩu, nếu không có quyết định chính xác có thể phải chịu tổn thất lớn do biến động tỷ giá. Sự xuống giá của đồng USD đang tác động lớn đến các doanh nghiệp. Tổng giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại TP HCM tiếc nuối: "Vào đầu năm 2004, công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu một lô hàng trị giá 400.000 USD và đã yêu cầu đối tác thanh toán bằng đồng USD thay cho EUR. Nếu chúng tôi nhận thanh toán bằng EUR như đề nghị ban đầu của phía đối tác thì giờ đã lợi được hàng trăm triệu đồng. Lúc đó giá 1 EUR do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố là 19.744 đồng, hiện nay khoảng 21.100 đồng". Một công ty nước giải khát tại TP HCM cũng buộc phải tạm hoãn nhập khẩu dây chuyền máy ép nước trái cây trị giá hàng triệu EUR để không phải bù lỗ hàng tỷ đồng do giá EUR tăng quá cao so với USD... Ở một khía cạnh khác, dù tỷ giá VND/USD ở Việt Nam vẫn tăng nhẹ nhưng việc đồng USD mất giá nhanh trên thị trường quốc tế đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc vay vốn bằng USD. Dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP HCM trong năm 2004 tăng 34,5% so với năm 2003, trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng khoảng 27,8%. Theo Thanh Niên, trước những dự đoán của các nhà phân tích quốc tế về việc tỷ giá EUR/USD còn có thể tăng đến 1,45 trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp đã mở thêm tài khoản thanh toán bằng EUR để chủ động hơn trong việc lựa chọn ngoại tệ trong thanh toán xuất nhập khẩu. Theo ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank, sự biến động của đồng EUR thường theo chu kỳ và chu kỳ này hiện ở mức khá cao. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định lựa chọn loại ngoại tệ nào để thanh toán và cất giữ tùy thuộc vào khả năng chấp nhận và chịu đựng rủi ro của mình. Ông Châu cho rằng, những doanh nghiệp ngại rủi ro có thể chọn đồng USD. Những doanh nghiệp kỳ vọng vào việc giá trị vốn sẽ tăng thêm nhờ sự biến động của tỷ giá để tăng thêm phần giá trị đồng vốn thì cần xác định mức rủi ro mà họ chấp nhận, thời gian thực hiện hợp đồng rồi tham khảo thêm tư vấn của các nhà tài chính, trước khi lựa chọn loại ngoại tệ nào trong số các ngoại tệ mà họ dự đoán sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai. "Đi biển cần mặc áo phao, đi máy bay cần mang dù", ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro hiện có để giảm thiểu nguy cơ biến động tỷ giá bởi theo ông, "trong tình hình hiện nay, sự biến động của tỷ giá là cực kỳ nguy hiểm đối với các doanh nghiệp". Công cụ đó chính là nghiệp vụ Quyền lựa chọn ngoại tệ (doanh nghiệp có thể chọn mua hay bán một loại ngoại tệ với tỷ giá do mình lựa chọn ở một thời điểm cụ thể). Thế nhưng trong thực tế, theo ông Nguyễn Gia Định, số lượng doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro do tỷ giá biến động này rất ít trong khi các doanh nghiệp thường thì không có nhiều thông tin phân tích nên rất khó tự dự đoán xu hướng biến động tỷ giá.
|