Dấu ấn văn hóa trong công cụ pha chế, thưởng lãm cà phê

Công cụ pha chế, thưởng lãm cà phê không ngừng được sáng tạo, trở thành biểu tượng văn hóa của các quốc gia, đế chế, góp phần hình thành những nền văn minh cà phê thế giới tiêu biểu.

Người Nhật đã định hình trà đạo trở thành một nghệ thuật sống. Nhiều triết lý cuộc sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Còn với cà phê, Việt Nam là cường quốc cà phê thế giới, có hạt cà phê Robusta xuất khẩu dẫn đầu, có lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm. Tuy vậy, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần... đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế cường quốc cà phê, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tâm huyết nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống để đưa cà phê trở thành "cà phê triết đạo".

Trên hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend, tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt với nhiều chương trình hành động để kiến tạo khát vọng lớn, chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Trên hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Dấu ấn tinh thần thành kính

Khởi sinh từ Ethiopia cho đến khi phổ biến khắp thế giới Hồi giáo vào thế kỷ 16, cà phê được xem là món quà của Thượng đế, là thức uống thần thánh mang lại sự tỉnh táo, kích thích sáng tạo, củng cố đức tin. Lúc bấy giờ, việc pha chế và thưởng lãm cà phê trở thành nghi lễ chiếm vị trí trung tâm trong xã hội của người Ethiopia và thế giới người Hồi giáo. Đặc biệt, khi du nhập vào Ottoman (đế chế xuyên cả 3 châu lục Âu, Á, Phi ngày nay), nghi lễ cà phê với kỹ thuật pha chế mới do người Thổ Nhĩ Kỳ phát minh, đã trở thành một nét văn hóa cà phê độc đáo, phổ biến đến ngày nay.

Trong cuốn sách Cà phê - Từ đất đến cốc (Coffee - From the soil to the cup), tác giả Cenk Girginol mô tả nghi thức cà phê của người Hồi giáo "như một nền văn hóa vì chưa bao giờ tồn tại đơn thuần như một loại đồ uống". Thời kỳ đầu, cà phê chỉ được phép uống tại các tu viện, nhà thờ khi thực hành nghi lễ. Các nghi lễ cà phê được thực hiện nhằm thể hiện lòng sùng kính Thượng đế, nguyện được ban phước lành, được gần hơn với cõi thiên đàng. Khi đi vào đời sống thế tục, nghi lễ cà phê trở thành phương tiện giao tiếp xã hội và được xem như một biểu tượng của tinh thần hữu nghị, hiếu khách và sự tinh tế. Nó giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, có ý nghĩa mở ra một cuộc đối thoại, chấm dứt những tranh chấp, thể hiện tình yêu và hướng đến tương lai.

Chính vì vậy, tất cả các cấu phần của một nghi lễ cà phê, từ nguyên liệu cà phê, công cụ dụng cụ, cách thức và nghi thức pha chế, thưởng lãm đều được chọn lọc kỹ, chuẩn bị tỉ mỉ và thực hiện trang trọng. Đặc biệt, các công cụ, dụng cụ pha chế, thưởng lãm được chú trọng từ khâu chế tác. Không chỉ là công cụ, chúng còn là hiện vật phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng, thể hiện sự thiêng liêng, thành kính trong nghi lễ, cũng như tiết lộ địa vị của chủ nhà.

Nghi thức pha chế và thưởng lãm cà phê Ottoman vừa thể hiện tinh thần hướng kính thần linh, vừa phản ánh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Hồi giáo. Ảnh: Daily Sabah

Trong thời kỳ Ottoman, hạt cà phê tươi được rang trong chảo, sau đó xay mịn trong cối, đun sôi cùng nước lạnh tinh khiết trong bình cezve trên cát nóng, rồi rót vào những chiếc cốc fincan được đặt trong các giá đỡ zarf và xếp lên khay có tấm phủ tinh xảo để phục vụ người thưởng thức. Với tầm quan trọng của nghi lễ cà phê, tất cả các công cụ, dụng cụ, vật dụng này đều được chế tác cầu kỳ từ kiểu dáng đến họa tiết và bằng những chất liệu truyền thống, có giá trị văn hóa, tinh thần trong đời sống người Hồi giáo.

Đế chế Ottoman vốn sở hữu những vùng đất có trữ lượng quặng đồng phong phú và có nghề rèn đồng truyền thống nổi tiếng. Kim loại này được sử dụng rộng rãi để chế tác các công cụ nhà bếp và vũ khí trong thời kỳ Ottoman bởi tính chất dẫn nhiệt tốt, tuổi thọ cao. Hơn nữa, trong đời sống văn hóa, đồng mang tính chất thanh lọc, thu hút năng lượng tích cực và phước lành, nên được sử dụng chế tác các đồ vật phục vụ cho nghi lễ. Vì vậy, hầu hết các dụng cụ phổ biến trong nghi lễ cà phê Ottoman, từ bếp rang, cối xay cầm tay, hộp đựng cà phê, bình đun cezve, bình hâm, khay, giá đỡ zarf... được chế tác từ đồng hoặc đồng thau, bên cạnh số ít làm từ các nguyên liệu quý khác như vàng, bạc, gốm sứ, gỗ thơm... Bên cạnh đó đá quý, kim cương, vàng, bạc được dùng để làm các họa tiết trang trí.

Những dụng cụ pha chế cà phê Ottoman được làm bằng đồng và cùng những chi tiết trang trí tinh xảo với bạc, vàng, kim cương, đá quý. Ảnh: Shutterstock

Sử dụng bếp cát đun nấu cà phê là nét đặc trưng của văn minh cà phê Ottoman. Về công năng, cát tạo ra nhiệt lượng phù hợp, giúp nấu chín đều, giữ trọn vẹn hương vị tinh túy của cà phê. Hơn nữa, trong thế giới Hồi giáo, cát còn được sử dụng để thực hiện nghi lễ thanh lọc khô, giúp làm sạch bản thân trước khi cầu nguyện, nhằm tỏ lòng thành kính với thần linh. Sự cầu kỳ trong chế tác các công cụ thưởng lãm cà phê không chỉ thể hiện sự thành kính của người Ottoman đối với thần linh mà còn biểu đạt lòng tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, trong đời sống thế tục của xã hội Ottoman, cà phê là biểu tượng của lòng hiếu khách và tình bằng hữu. Pha chế, mời cà phê trong những dụng cụ tinh xảo, lộng lẫy là cách để người Ottoman tôn vinh phẩm giá của người thưởng thức và khẳng định địa vị trong xã hội.

Ngay khi cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của đế chế Ottoman, văn hóa cà phê Ottoman lan rộng đến toàn bộ khu vực châu Á - Âu - Phi, thúc đẩy nhu cầu về dụng cụ pha chế, thưởng lãm cà phê như bình cezve, cốc cà phê, khay cà phê... Từ đó, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ Ottoman phát triển mạnh mẽ, chế tác nên những công cụ phục vụ cà phê mang giá trị cao về kinh tế, nghệ thuật, góp phần định hình bản sắc đặc biệt của văn minh cà phê Ottoman trên toàn cầu.

Biểu tượng văn hóa của lối sống hướng thượng

Thế kỷ 17, cà phê và hàng quán cà phê du nhập vào châu Âu, trở thành nguồn năng lượng tỉnh thức, sáng tạo, xúc tác cho thời đại Khai sáng phát triển rực rỡ, tạo nền tảng cho sự tiến bộ vượt bậc của châu Âu trong giai đoạn tiếp theo.

Thế kỷ 19, châu Âu có nhiều thay đổi về văn hóa, xã hội, do sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp. Đây cũng là thời điểm gia tăng nhu cầu thưởng thức cà phê trên thế giới. Cà phê và hàng quán cà phê là nơi các nhà khoa học, giới trí thức tụ họp, nghiên cứu, phổ biến các luồng tư tưởng và sáng kiến mới trong mọi lĩnh vực, định hình nên văn minh phương Tây hiện đại.

Cuối thế kỷ 19, công nghiệp hơi nước bùng nổ. Các quốc gia từ đông sang tây áp dụng sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào phong cách thưởng thức cà phê riêng biệt với rất nhiều phát minh. Đơn cử Mỹ sáng tạo cà phê hòa tan (năm 1901), Đức phát minh bộ lọc cà phê và phương pháp rót cà phê nhỏ giọt Pour-Over Coffee (năm 1908), Pháp chế tạo máy ép cà phê French Press (năm 1929)... Người Italy cũng cải cách các công dụng cụ pha chế cà phê, tạo nên làn sóng văn hóa thưởng lãm mới tại châu Âu. Năm 1884, doanh nhân người Italy Angelo Moriondo (1851 - 1914) được cấp bằng sáng chế "Máy hơi nước pha cà phê kinh tế và tức thời". Đây được xem là máy pha chế cà phê Espresso đầu tiên sử dụng hơi nước, chiết xuất tinh chất và hương thơm nguyên bản của hạt cà phê trong thời gian nhanh nhất. Từ đặc tính này, thuật ngữ Espresso ra đời và lan rộng toàn châu Âu.

Sáng chế đầu tiên cho máy pha cà phê Espresso - một minh chứng cho nỗ lực của người Italy trên hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Wikipedia

Chưa dừng lại ở đó, tại hội chợ Milan năm 1906, Luigi Bezzera và Desiderio Pavoni đã giới thiệu máy Ideale. Đây là phiên bản cải tiến từ thiết kế của Moriondo với nhiều ưu điểm hơn như khắc phục sự khó kiểm soát áp suất khi trực tiếp đun bằng lửa, tích hợp ống hơi để thoát hơi nước tích tụ dưới nồi hơi. Năm 1938, Giovanni Achille Gaggia (1895 - 1961) kết hợp nguyên lý hoạt động của piston tạo ra máy pha cà phê Espresso áp suất đầu tiên, tạo tiền đề cho kỷ nguyên Espresso hiện đại.

Sang thế kỷ 20, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và khoa học, các máy móc sản xuất và thiết bị pha chế ngày càng đa dạng. Một lần nữa, với khát vọng định danh sự khác biệt và đóng góp cho văn minh nhân loại, người Italy đã sáng tạo nên ấm Moka (Moka Pot). Điều này đã tạo ra một "cuộc cách mạng" và cả sự bình đẳng giới trong thưởng thức cà phê. Từ đây, nhiều người có thể thưởng thức Espresso ngay tại nhà và phụ nữ cũng dễ dàng tiếp cận với cà phê. Ấm Moka còn được vinh danh như biểu tượng của ngành công nghiệp, khi sử dụng nhôm để tạo nên thân ấm. Trước Moka, không có vật dụng nào trong nhà bếp được làm bằng nhôm. Ngay sau khi Moka ra đời, nhôm trở thành vật liệu quen thuộc trong nhà bếp. Giữa những năm 1930 là thời kỳ hoàng kim của các sản phẩm nhà bếp làm bằng nhôm.

Từ những nỗ lực cải tiến công cụ pha chế, Espresso và ấm Moka trở thành biểu tượng của lối sống mới, mang đến cảm nhận về sự vượt thường của con người. Đó là vai trò làm chủ của con người trong cuộc sống, làm chủ quy luật vận hành của tự nhiên, khẳng định vị thế của con người trên hành trình xây dựng thế giới. Đồng thời, phong cách thưởng lãm cà phê Italy đã mở ra văn minh cà phê mới - văn minh cà phê Roman, gắn liền với các yếu tố công nghệ và khoa học.

Ấm Moka là một biểu tượng của văn hóa cà phê Italy, đóng vai trò quan trọng trong quá trình "cách mạng hóa" việc pha cà phê tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Với tình yêu dành cho cà phê và những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa cà phê, Tập đoàn Trung Nguyên Legend nhận ra rằng cà phê đã khởi sinh, phát triển như một vòng tuần hoàn từ Đông sang Tây, rồi quay trở về nguồn cội, tìm kiếm văn minh phương Đông. Lập nghiệp từ vùng đất Buôn Ma Thuột - quê hương của hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, Trung Nguyên Legend mong muốn nâng cà phê thành nghệ thuật, văn hóa, triết lý sống và đạo lý sống. Đến nay, Trung Nguyên Legend đã và đang nỗ lực xây dựng văn minh cà phê Thiền xuất phát từ cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt, đóng góp vào văn minh cà phê thế giới.

Kế thừa tinh hoa của văn minh cà phê Ottoman và Roman và hội tụ triết lý của người phương Đông, cà phê Thiền mang trong mình triết lý khoảng lùi, ví như nguồn ánh sáng dẫn lối con người theo hệ giá trị chân - thiện - mỹ. Cà phê Thiền hướng con người nỗ lực học tập, khổ luyện để tìm kiếm chân lý, sự minh triết với tình yêu thương - thiện lành - phụng sự, đạt đến giàu có và hạnh phúc đích thực.

Hoa hậu Tiểu Vy và Á hậu Kim Duyên trải nghiệm Cà phê Thiền. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Trên tinh thần đó, Trung Nguyên Legend đã và đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái cà phê Thiền từ triết lý đến sản phẩm - dịch vụ - công cụ thưởng lãm. Trong đó, các công cụ thưởng lãm cà phê Thiền được Trung Nguyên Legend nghiên cứu, sáng tạo từ những chất liệu thiên nhiên quen thuộc như gốm, sứ, tơ tằm, mây, tre... của các làng nghề truyền thống, cùng các hoa văn trang trí mang biểu tượng văn hóa như trống đồng, thân tre... Kết hợp những sản phẩm cà phê năng lượng tuyệt hảo được tạo tác từ những hạt Robusta Buôn Ma Thuột ngon nhất thế giới cùng các công cụ dụng cụ pha chế, thưởng lãm đặc biệt, Trung Nguyên Legend tạo ra bộ sản phẩm thiền cà phê thể hiện 5 tinh thần khát vọng - sức mạnh - đột phá - giàu có - tỉnh thức, khơi dậy và vun đắp sức mạnh bên trong mỗi cá nhân.

Cà phê triết đạo 3
 
 

Xem thêm loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh Cà Phê Triết Đạo

(Nguồn: Trung Nguyên Legend)