Theo phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại lễ khai mạc, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 mang ý nghĩa tôn vinh cà phê Việt Nam, biểu tượng của sáng tạo, thành công đồng thời là diễn đàn mang tầm vóc toàn cầu.
Diễn ra vào dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đăk Lăk (10/3/1975 - 10/3/2025), lễ hội đã ghi ấn tượng với hơn 250.000 lượt khách, trong đó có khoảng 1.800 du khách quốc tế.
Biểu diễn tổ khúc Buôn Ma Thuột - Huyền thoại tháng 3 tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Một trong những dấu ấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 được nhiều du khách nhắc tới là buổi khai mạc. Chương trình có phần nghi lễ trang trọng và trình diễn nghệ thuật tôn vinh hạt cà phê robusta Buôn Ma Thuột, văn hóa cà phê Việt Nam. Lần đầu tiên lễ khai mạc có sự tham dự và phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) - bà Vanusia Nogueira.
Tại sân khấu lễ khai mạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chính thức trao chứng nhận "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đăk Lăk là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" cho tỉnh. Đây là nền tảng đưa cà phê Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận, theo đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới" của UBND thành phố.
Năm nay cũng là lần đầu tiên ban tổ chức lễ hội giao cho Trung Nguyên Legend phối hợp thực hiện chương trình nghệ thuật lễ khai mạc với mong muốn tạo nên một kỳ lễ hội mới mẻ và thực sự là "điểm đến của cà phê thế giới". Hơn 1.500 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, sinh viên địa phương, trong nước, quốc tế đã tham gia các tiết mục trình diễn mang màu sắc văn hóa Tây Nguyên. Sân khấu kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong cả âm nhạc, ánh sáng và tạo hình.
Phần trình diễn Buôn Ma Thuột - Hạt vàng đen Robusta - thuộc chương trình biểu diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Lễ hội đường phố tiếp tục thể hiện sự đổi mới của kỳ lễ hội lần này. Sân khấu 360 độ tại Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, màn trình diễn của hơn 1.500 nghệ sĩ chuyên nghiệp và quần chúng cùng kinh nghiệm 7 lần được giao trọng trách tổ chức của Trung Nguyên Legend đã giúp lễ hội đường phố thu hút đông đảo du khách.
Các màn trình diễn của các nghệ sĩ trong nước mang thông điệp về tình yêu cà phê, niềm tự hào vùng đất quê hương "hạt cà phê robusta ngon nhất thế giới" (như nhận định của kênh truyền thông quốc tế Discovery) cùng khát vọng trở thành "điểm đến của thế giới". Trong khi đó, những điệu múa của các đoàn nghệ thuật dân gian đến từ Campuchia và Hàn Quốc lại là cách khẳng định nguyên liệu này mang vai trò cầu nối trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa quốc tế.
Một tiết mục trình diễn đường phố. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Một "điểm nhấn đặc biệt của lễ hội cà phê năm nay" như lời ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, Trưởng ban tổ chức là lễ động thổ Nhà máy Cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend tại Cụm công nghiệp Tân An. Theo ông, đây là nhà máy cà phê lớn nhất Đông Nam Á, là nội dung quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh nhằm nâng cao giá trị hạt robusta Buôn Ma Thuột, khẳng định vị thế cường quốc cà phê của Việt Nam trên toàn cầu.
Thuộc hệ thống 5 nhà máy của Trung Nguyên Legend và xây dựng theo tiêu chuẩn Net Zero, dự án này góp phần định hình ngành cà phê Việt Nam trong chuỗi chế biến hết, chế biến sâu và chế biến tinh, tạo ra nguyên liệu giá trị cho nhiều ngành công nghiệp khác. Bà Vanusia Noguiera đánh giá: "Đây là một hình mẫu cho sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng trên toàn thế giới".
Lễ động thổ Nhà máy Cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend tại Cụm công nghiệp Tân An. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Hội nghị giao thương quốc tế "Kết nối, nâng tầm cà phê Việt" do UBND tỉnh Đăk Lăk phối hợp Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức cũng góp phần mở đường phát triển cho ngành cà phê Việt Nam. Hội nghị thu hút gần 800 đại biểu, trong đó có 200 khách mời quốc tế. Các bài tham luận đều hướng tới tìm kiếm cơ hội và giải pháp thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững.
Trong đó, Trung Nguyên Legend chia sẻ vai trò của doanh nghiệp trong nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam và xây dựng thương hiệu Buôn Ma Thuột. Ý tưởng về một hệ sinh thái toàn diện với cà phê vật lý - cà phê tinh thần - cà phê xã hội nhằm góp phần đem về 20 tỷ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam của Trung Nguyên Legend đã nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu, khách mời.
Nhân dịp lễ hội, gần 30 phái đoàn ngoại giao, đại sứ quốc tế đã đến thăm, làm việc tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, Làng Cà phê. Đoàn gồm bà Vanusia Nogueira cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Evans Knapper, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre, hai đoàn Tổng lãnh sự quán Lào và Liên bang Nga, đoàn chính quyền tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), thống đốc bang Espirito (Brazil) cùng khách ngoại giao, nghệ thuật đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia... Các đoàn khách được trải nghiệm những ly cà phê năng lượng từ cà phê robusta Buôn Ma Thuột, khám phá văn hóa thưởng lãm cà phê Việt Nam...
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Evans Knapper trải nghiệm thiền cà phê tại Bảo tàng thế giới cà phê. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Đại sứ Mỹ Marc Evans Knapper hào hứng trải nghiệm thiền cà phê - một phương pháp thực hành nền tảng của cà phê đạo (do Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend sáng tạo nên). Ông chia sẻ đây là một trải nghiệm sâu sắc, giúp ông nhận ra những khoảng lùi ý nghĩa trong cuộc sống bận rộn, bên ly cà phê và những người bạn quý. "Chúng tôi cảm kích Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã sáng tạo nên phương pháp thiền cà phê và mong muốn chia sẻ cho toàn thế giới".
Cùng tham gia trải nghiệm thiền cà phê tại Bảo tàng, bà Vanusia Nogueira cho biết: "Chưa bao giờ nghĩ rằng thức uống này lại được thưởng thức rất nghệ thuật và đầy triết lý như cách sáng tạo của Trung Nguyên Legend". Bà nói cũng sẽ xem xét khả năng tổ chức những sự kiện hoặc diễn đàn thế giới tại Việt Nam để mọi người người có thể trải nghiệm thiền cà phê của Trung Nguyên Legend.
180 gian hàng tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP, cùng hơn 400 cơ sở trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đăng ký phục vụ cà phê miễn phí xuyên suốt lễ hội góp phần quảng bá và lan tỏa tình yêu cà phê đến du khách và người dân Buôn Ma Thuột.
Hai du khách nước ngoài thưởng thức những ly cà phê năng lượng được Trung Nguyên Legend phục vụ miễn phí trong dịp lễ hội. Ảnh: Trung Nguyên Legend
Đồng thời, loạt hoạt động như Lễ hội ánh sáng, Hội thi nhà nông đua tài, Hội trại "Đồng hành, chia sẻ", Cuộc thi rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025, Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk... đã đem đến cho du khách những trải nghiệm về đời sống, con người, văn hóa của vùng đất Buôn Ma Thuột. Hơn 20.000 lượt người đến tham quan các điểm đến nổi tiếng như Bảo tàng thế giới cà phê, Thành phố cà phê, Làng cà phê, cụm du lịch sinh thái thác Dray Nur - Gia Long. Ngoài ra, du khách còn trải nghiệm các tour du lịch "Rafting chèo thuyền vượt thác", "Xe siêu địa hình băng rừng vượt thác", tour Cà phê Thiền...
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Nguyễn Thiên Văn cho biết: "Lễ hội năm nay đã thành công tốt đẹp, khẳng định vị thế Thủ phủ cà phê Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi lễ, ban tổ chức đã trao tặng bằng khen cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp vào thành công chung của lễ hội. Là nhà tài trợ đặc biệt của Lễ hội, Tập đoàn Trung Nguyên Legend nhận bằng khen vì có "thành tích xuất sắc đóng góp, tài trợ".
Ông Nguyễn Thiên Văn cho biết thêm, những kết quả đạt được của Lễ hội là niềm tự hào, nguồn động lực mạnh mẽ cho UBND tỉnh Đăk Lăk, cộng đồng người trồng, sản xuất, chế biến và các doanh nghiệp như Trung Nguyên Legend. Qua đó, các bên sẽ tiếp tục hiện thực hóa khát vọng nâng tầm vị thế ngành cà phê Việt Nam, đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới".
Hoàng Anh