Dấu ấn cà phê trong lịch sử phát triển âm nhạc

Cà phê và hàng quán cà phê đã góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, thăng hoa của nhiều nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn, cùng họ chinh phục những đỉnh cao mới trong âm nhạc.

Người Nhật đã định hình trà đạo trở thành một nghệ thuật sống. Nhiều triết lý cuộc sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Còn với cà phê, Việt Nam là cường quốc cà phê thế giới, có hạt cà phê Robusta xuất khẩu dẫn đầu, có lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm. Tuy vậy, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần... đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế cường quốc cà phê, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tâm huyết nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống để đưa cà phê trở thành "cà phê triết đạo".

Trên hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend, tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt với nhiều chương trình hành động để kiến tạo khát vọng lớn, chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Trên hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Âm nhạc - tiếng nói của những khát khao hạnh phúc

Âm nhạc đã xuất hiện từ thời cổ đại, được truyền tải qua văn hóa truyền miệng trong các nền văn minh Sumer, Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã... như một phần đời sống tinh thần của dân gian, tôn giáo, cung đình. Trong chế độ xã hội chiếm hữu nô lệ chứa đựng nhiều mâu thuẫn và đấu tranh, âm nhạc phân thành hai hướng. Một là âm nhạc của đại đa số nhân dân, với những bài hát phản ánh hiện thực cuộc sống về lao động sản xuất, lên án chiến tranh, đả kích hói hư tật xấu, mô tả sự phản kháng ách áp bức và bất công... Hai là âm nhạc bộc lộ sự kính trọng tầng lớp quý tộc, vua chúa, mang tính chất qui ước, lộng lẫy và kiểu cách.

Âm nhạc cổ đại còn nổi bật với vai trò phụng vụ tôn giáo, được xem là một phần quan trọng cho các nghi lễ. Âm nhạc góp phần ca ngợi thần thánh và tăng khả năng giao tiếp với thần thánh. Ngoài ra, với sự ra đời của triết học sơ khai, các triết gia đã sử dụng âm nhạc như một môn học để giáo dục đạo đức và tinh thần thượng võ.

Đến thế kỷ 14, ký hiệu âm nhạc được chuẩn hóa kết hợp kỹ thuật in ấn phát triển cho phép âm nhạc được chia sẻ xuyên biên giới. Sự thay đổi mạnh mẽ đời sống chính trị - kinh tế - xã hội giai đoạn này đã tác động đến đời sống văn hóa - nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển nhiều trường phái, phong cách mới. Được xem là một trong 7 bộ môn nghệ thuật của nhân loại, âm nhạc cũng liên tục đổi mới, hòa chung vào sự phát triển của các trường phái nghệ thuật như Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn..., theo đuổi khát khao vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Các tác phẩm âm nhạc cổ đại là nguồn cảm hứng cho nhiều sử thi và anh hùng ca sau này. Ảnh: Alamy

Thế kỷ 17, xã hội châu Âu trải qua sự thay đổi lớn về tâm thức, đề cao sức mạnh tri thức và tinh thần sáng tạo của con người. Ảnh hưởng bởi tư tưởng thời đại, phong cách nghệ thuật Baroque phát triển và thống trị nghệ thuật châu Âu, không chỉ gói gọn trong hội họa, mà còn cả trong điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, văn học.

Mang phong cách Baroque "ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế", âm nhạc giai đoạn này nâng cao vai trò của cá nhân nghệ sĩ biểu diễn, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển đa dạng các dòng nhạc. Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn không ngừng nỗ lực sáng tạo các thể loại âm nhạc mới như opera, cantata, oratorio, concerto, sonata; sử dụng các kỹ thuật phức tạp và phát triển các kỹ thuật chơi nhạc cụ mới. Đặc biệt, sự ra đời của opera, loại hình nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc, cảnh vật và diễn xuất với một cốt truyện rõ ràng, đã tạo nên một hình thức âm nhạc tối thượng, chiếm lĩnh nền âm nhạc thế giới trong nhiều thế kỷ. Sự sáng tạo không ngừng của các nhà soạn nhạc thời kỳ Baroque: Johann Sebastian Bach (1685 - 1750), Frideric Handel (1685 - 1759), Antonio Lucio Vivaldi (1678 -1741)... đã góp phần nâng vị thế của âm nhạc ngang bằng với lời nói, là một công cụ để biểu đạt và giao tiếp.

Thế kỷ 18, thời đại của lý trí, xã hội châu Âu khởi lên những tư tưởng tiến bộ về quyền tự do cá nhân, khát khao một cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp. Đây cũng là giai đoạn trường phái nghệ thuật cổ điển ra đời, hướng đến sự trong sáng của tư tưởng và vẻ đẹp lý tưởng, cùng sự cân bằng, hòa hợp trong sáng tác. Âm nhạc cổ điển được lồng ghép cảm xúc cá nhân con người, mang tinh thần tràn đầy năng lượng yêu thương, lạc quan, khơi dậy cảm xúc của người nghe. Franz Joseph Haydn (1732 - 1809), Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791), Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) là những nhà soạn nhạc tiêu biểu thời kỳ này, đã đóng góp một lượng lớn tác phẩm giao hưởng, concerto, sonata kinh điển, được coi là những mẫu mực không thể vượt qua.

Đầu thế kỷ 19, các phong trào độc lập chính trị phát triển trên khắp thế giới đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc phát triển. Kết hợp yếu tố dân tộc hoặc chủ đề dân tộc vào nhiều thể loại âm nhạc, các nhà soạn nhạc đã truyền tải những câu chuyện thấm đẫm tinh thần yêu nước, đoàn kết và tạo nên sự đặc trưng của âm nhạc quê hương. Tiêu biểu như các tác phẩm của Frédéric Chopin (1810 - 1849) mang âm hưởng từ âm nhạc Ba Lan, tác phẩm của Franz Liszt (1811 - 1886) thể hiện bản sắc Hungary, hay Richard Wagner (1813 - 1883) viết các vở opera khơi dậy niềm tự hào của người Đức... Đặc biệt, khi phong trào dân quyền xuất hiện, âm nhạc đóng vai trò xây dựng đồng cảm để con người vượt qua chia rẽ, góp phần chấm dứt sự phân biệt trong xã hội.

Âm nhạc là chất xúc tác thúc đẩy sự cộng hưởng những khát khao hạnh phúc đại đồng xã hội. Ảnh: Alamy

Cà phê - thức uống sáng tạo của nhiều nhạc sĩ

Xuất hiện và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu từ thế kỷ 17, cà phê được xem là thức uống thúc đẩy tư duy sáng tạo, được những nhà tư tưởng, giới tri thức thời kỳ Khai sáng yêu thích. Trong lĩnh vực âm nhạc, cà phê đã trở thành năng lượng gần như không thể thiếu và là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhà soạn nhạc vĩ đại.

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) - một trong những nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng có thói quen uống cà phê đen.

Đối với Ludwig Van Beethoven (1770 - 1827), việc uống cà phê trở thành chuẩn mực trong cuộc đời. Mỗi ngày, ông chọn chính xác 60 hạt cà phê, tự tay pha chế và thưởng thức cà phê như một nghi thức đặc biệt.

Johann Sebastian Bach (1685 - 1750) có thói quen ghé thăm quán cà phê mỗi tuần, điều này được người dân thành phố Leipzig (Đức) nơi ông sinh sống đều biết. Nhạc sĩ cũng thể hiện niềm yêu thích cà phê đặc biệt của mình trong tác phẩm Coffee Cantata.

Hay nhà soạn nhạc Franz Joseph Haydn đã sáng tác nhạc phẩm The Coffee Party; nhạc sĩ người Mỹ Peggy Lee (1920 - 2002) sáng tác Black Coffee; ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan -một nhân vật quan trọng trong văn hóa đại chúng đã viết One More Cup of Coffee vào năm 1976...

Các nhà soạn nhạc vĩ đại tìm kiếm năng lượng thăng hoa sáng tạo từ cà phê và hàng quán cà phê. Ảnh: Alamy

Hàng quán cà phê - không gian thăng hoa của âm nhạc

Cùng với cà phê, hàng quán cà phê cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển âm nhạc. Đây là không gian giới thiệu, trình diễn, đưa âm nhạc tiếp cận đến số đông công chúng, trở thành một phần quan trọng trong đời sống. Nơi đây cũng mang lại nguồn cảm hứng để các nhà soạn nhạc khai sinh ra những tác phẩm kinh điển.

Ra đời đầu tiên tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hàng quán cà phê khi ấy đã là trung tâm biểu diễn âm nhạc dân gian Âşıklık và các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của người Ottoman.

Đến châu Âu vào thế kỷ 17, hàng quán cà phê đóng vai trò như "địa điểm kết nối", phù hợp để tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, từ đó khởi đầu cho những tài năng mới, phong cách mới, cũng như gắn kết cộng đồng những người yêu âm nhạc.

Quán Zimmermann Café ở Leipzig (Đức) là nơi diễn ra những buổi hòa nhạc và thảo luận nhạc lý của dàn nhạc Collegium Musicum trong thế kỷ 18. Từ đây, Collegium Musicum đã tạo ra phong cách âm nhạc hoàn toàn mới, đưa âm nhạc cuối thời kỳ Baroque đạt đến đỉnh cao.

Tại Vienna (Áo) thế kỷ này cũng phổ biến loại hình quán cà phê hòa nhạc, tiêu biểu như Café Jüngling, Zweites Kaffeehaus, Erstes Kaffeehaus. Trong không gian quán cà phê, các tác phẩm âm nhạc lừng danh được trình diễn, chia sẻ rộng rãi. Nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss II (1825 – 1899) được mệnh danh là "Vua nhạc Waltz" từng trình diễn tại Café Dommayer.

Tại Mỹ những năm 1950, hàng quán cà phê ở Greenwich Village trở thành địa điểm kết nối nghệ sĩ và khán giả có chủng tộc, giai cấp khác nhau, khuyến khích sự hòa trộn không phân biệt, một điều chưa từng xảy ra trước đây. Trong các quán cà phê Cafe Wha?, Gaslight Café... các ca sĩ nổi tiếng Fred Neil (1936 – 2001), Bob Dylan (1941) và Paul Simon (1941) đã mang đến cho các khán giả những trải nghiệm âm nhạc hoàn toàn khác biệt.

Với không khí cởi mở, bình đẳng, hàng quán cà phê xóa mờ ranh giới chủng tộc, giai cấp, giúp tình yêu âm nhạc của khán giả và nghệ sĩ được kết nối. Ảnh: Alamy

Nguồn cảm hứng và những ý tưởng từ hàng quán cà phê đã giúp các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm vang danh, định hình phong cách âm nhạc độc đáo.

Tại Vienna, quán Café Frauenhuber là nơi Wolfgang Amadeus Mozart, Joseph Haydn, Ludwig van Beethoven thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tư duy âm nhạc. Đặc biệt, Mozart từng viết liên tục 3 tác phẩm trong vòng 3 giờ ngồi ở quán cà phê. Trong những năm sống tại Vienna, Mozart đã viết nên những kiệt tác bất hủ như The Marriage of Figaro, Don Giovanni, Die Zauberflote...

Với nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano người Ba Lan Frédéric Chopin (1810 -1839), hàng quán cà phê ở Warszawa (Ba Lan) là nơi ông thường xuyên đến uống cà phê và thảo luận về đời sống văn hóa của thủ đô. Tại đây, Chopin được truyền cảm hứng mạnh mẽ về tình yêu quê hương. Sự nghiệp âm nhạc của ông gắn bó với giai điệu và âm hưởng của âm nhạc vùng đồng bằng Ba Lan.

Thiên tài âm nhạc người Đức Richard Wagner (1813 -1883) lại thường xuyên lui tới Caffè Lavena. Tại đây, ông đã sáng tác một phần vở opera Parsifal và vở Tristan und Isolde. Ông cùng những nghệ sĩ opera, violin, piano lừng danh biến Caffé Lavena thành câu lạc bộ dành cho nghệ sĩ, nổi tiếng với tên gọi "Caffè dei musicisti" (Quán cà phê của các nghệ sĩ).

Sang thế kỷ 20, Café Hawelka là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ người Áo Georg Franz Danzer (1946 -2007) sáng tác nên bài hát Jö schau nổi tiếng.

Hàng quán cà phê là không gian sáng tạo, nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ sĩ trong nhiều thế kỷ. Ảnh: Alamy

Dấu ấn cà phê và hàng quán cà phê trong hành trình phát triển âm nhạc ngày nay vẫn tiếp tục duy trì, thúc đẩy sự thăng hoa sáng tạo của giới nghệ sĩ, và khuyến khích sự tương tác, cộng hưởng những khát khao hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Wolfgang Amadeus Mozart và tình yêu cà phê của một thiên tài âm nhạc
 
 

Xem thêm loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh Cà Phê Triết Đạo

(Nguồn: Trung Nguyên Legend)