Lần đầu tiên có mặt tại sàn giao dịch chứng khoán SSI (Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn), Lan Anh, một nhân viên văn phòng trốn việc tranh thủ lên sàn, cảm thấy quá nản trước cảnh tượng chen chúc, xô bồ của các NĐT. Với tay qua mấy cái lưng của những người đứng trước, cô lấy được tờ lệnh mua nhưng không có chỗ tì viết.
Thấy một anh chàng đứng sát ngay chiếc bàn đang cố khuỳnh 2 tay chống lại sự chen lấn từ phía sau để ghi lệnh, chị liền nhờ ghi giúp. Bắt chước chị, 4-5 người phía sau cũng đọc to số tài khoản, họ tên, mã chứng khoán (MCK) mua và nhờ ký hộ luôn rồi đặt vào chồng lệnh đã cao hàng tấc.
Nghe nói mấy lệnh nhỏ thường hay bị gạt ra, rất khó "khớp", phần nghĩ nhờ ghi giùm, chẳng biết đúng sai thế nào nên mấy tháng sau chị Lan Anh mới gọi điện ra kiểm tra tài khoản. Ai ngờ, lệnh của chị khớp thật.
Với 500 cổ phiếu (CP) của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã STB) mua được với giá lúc nhờ "ghi giùm" là 72.000 đồng/CP, lúc kiểm tra tài khoản thì giá đã lên tới xấp xỉ 100.000 đồng/CP. Mừng như bắt được vàng, chị Lan Anh khao cả phòng một chầu ra trò.
Những người may mắn như chị Lan Anh không nhiều. Phần lớn những người đã từng nhờ ghi lệnh dùm cho biết, thường hay bị ghi sai MCK khiến nhiều người đành xôi hỏng, bỏng không. Có trường hợp, đọc MCK này, ghi nhầm mã khác vì nhiều MCK phát âm gần giống nhau, lại trong khung cảnh quá ồn ào, hỗn độn.
Trên thực tế, hầu hết các sàn giao dịch hiện nay đều trong tình trạng quá tải, nhân viên nhập lệnh chẳng mấy khi ngước lên nhìn NĐT nên việc ghi hộ, ký hộ rất thoải mái. Một NĐT băn khoăn: "Tình hình như vậy, lỡ có ai nhớ tên tôi, số tài khoản của tôi, chơi xỏ bằng cách mạo danh tôi đặt lệnh bừa thì chết".
Đặt vấn đề này với chuyên gia tài chính chứng khoán Huy Nam, ông Nam nhận định, đây là một sơ hở cần lưu ý của thị trường chứng khoán VN. Với hạ tầng như hiện nay, số tài khoản và tên của các NĐT dễ dàng bị người khác "copy".
Nếu có ý đồ xấu, nhiều chuyện không may có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến tài sản của người khác. Vì vậy, phải tổ chức giao dịch tốt hơn, các CTCK tiếp nhận và phục vụ khách tới nơi, tới chốn chứ không thể để các NĐT phải chen lấn, xô đẩy như hiện nay. "Hình ảnh NĐT tại các sàn giao dịch hiện nay tội nghiệp quá", ông Nam nói.
Các CTCK mới đang liên tục ra đời song hầu như tất cả các sàn giao dịch vẫn trong tình trạng quá tải. Nếu không nhanh chóng khắc phục tình trạng này, những chuyện đáng tiếc liên quan đến việc đặt lệnh của NĐT có thể xảy ra.
(Theo Thanh Niên)