Con rạch Ông Cù chảy qua nhà máy và khu dân cư, mang theo dòng nước thải và ô nhiễm. |
Gần đây, khi phần lớn dân cư sống lâu năm tại vùng này chết vì bệnh ung thư thì nước bẩn trở thành nỗi nghi ngờ và ám ảnh...Đó là tình cảnh của người dân khu phố 9, phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM.
Ám ảnh nước
Chỉ cần nhắc đến chữ “nước”, tất cả những người dân ở đây cứ nhấp nhổm như phải lửa. Nhà nào ít nhất cũng đào giếng ba lần. Có ba nơi mà lúc nào khách cũng được người dân mời vào... chụp ảnh là cái giếng nước, nhà vệ sinh và bình lọc. Tất cả bị đổ vàng. Đến vòi nước loại tốt nhất cũng xỉn màu, ra teng.
Chị La Xuân còn múc một ly nước vặn từ vòi. Nước vừa chảy từ vòi ra nhìn có vẻ trong nhưng mùi thối thì cứ xộc vào mũi. Thử nhấp một ngụm thì nôn ra không kịp bởi vị lờ lợ, tanh và chát. Vậy mà đây là nguồn nước của cái giếng thứ 10. Nước này cứ đổ ra sân một chốc là dòng nước biến thành một dòng màu vàng ệch.
Nhiều người có nhà bà con ở quận khác thì chịu khó chở nước về nấu ăn. Nhiều nhà như chị Hoa hằng ngày phải tốn 25.000 đồng mua hai bình nước lọc để uống và nấu ăn. Như vậy, chỉ riêng tiền nước này mỗi tháng phải tốn 750.000 đồng.
Những cái tên, những cái chết gần đây được người dân liệt kê rành mạch đến lạnh người. Bà H. bị ung thư dạ dày chết chưa đầy bốn tháng. Sát nhà bà H. là bà L.T.C. cũng mất chưa đầy năm.
Ông Đ.P.Đ. ung thư gan mất cách đây hơn một tháng. Ông Hai Đ. phát hiện bị ung thư dạ dày không lâu thì mất. Ông Năm H. cũng mất vì ung thư gan. Ông N.V.S. ra đi vì ung thư dạ dày...
Gia đình khá giả còn mua bình lọc 5-6 triệu đồng, nhà nghèo thì chỉ lọc bằng bình lọc thô sơ. Giải pháp tối ưu vẫn là đi xin nước. Khổ nhất là những gia đình có em bé.
Ngước nhìn thùng lọc nước với những dấu nước chảy vàng cháy, mẹ bé Hoàng Công Vinh, bảy tháng tuổi, than thở: “Vừa mới chùi ca múc nước buổi trưa, múc nước mấy lần thì buổi chiều ca đã ngả vàng. Nước này tắm ngứa lắm nhưng có lúc người lớn cũng phải dùng đại. Riêng nước dùng sinh hoạt cho em bé thì phải đi xin xách từng thùng. Dạo này không ai phụ trông em bé, chị vất vả hơn vì đứa em không chịu nổi nước bẩn đã thuê nhà trọ ở nơi khác”...
Sợ hãi nước
Nước! Câu chuyện thường ngày nhiều tập lại là nỗi ám ảnh lớn của gần 600 hộ dân. Khi điểm lại những người sống từ 20 năm trở lên ở vùng này, phần lớn đều mất vì bệnh ung thư! Có sự liên quan gì giữa nguồn nước và căn bệnh ung thư? Câu hỏi lớn đầy hoang mang còn treo trong suy nghĩ của hầu hết người dân địa phương.
Cô Trần Thị Xuân Hoa, bí thư chi bộ, trưởng khu phố, cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm khu vực này chỉ có 28 hộ sinh sống. Trong khoảng bốn năm gần đây khu vực này đã có 10 người mất vì bệnh ung thư. Hầu hết là ung thư dạ dày, một số bị ung thư gan. Đáng ngại là tất cả họ đều trong số 28 hộ sống lâu năm ở vùng này”.
Dù chưa có một công trình khoa học nào chứng minh nhưng thực tế đã khiến người dân nơi đây luôn sống trong nỗi phập phồng. Chú L.H.Q., người cư ngụ tại đây từ năm 1965, đưa ra hồ sơ bệnh án của em trai mình mà rưng rưng: “Gia đình tôi chưa nguôi tiếc thương người cô đã ra đi khoảng 100 ngày vì ung thư dạ dày thì em trai tôi vừa phát hiện bị ung thư bàng quang. Hiện đã di căn chuyển sang giai đoạn cuối. Bản thân tôi cũng bị loét dạ dày dù ăn uống điều độ và không bia rượu”.
Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, trưởng khoa sức khỏe môi trường Trung tâm Y tế dự phòng: "Kết quả xét nghiệm các mẫu nước của người dân cho thấy nguồn nước giếng nơi đây bị ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng sắt, mangan cao. Gò Vấp ngày xưa là bãi rác, nghĩa địa, đầm lầy của TP. Chúng tôi từng có một khảo sát và khuyến cáo về hàm lượng nitrat cao trong nước ở khu vực Gò Vấp".
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Chi nhánh cấp nước Trung An (TP HCM): "Trong năm 2006, ngành cấp nước tiếp tục đầu tư một số khu vực ở Gò Vấp, riêng khu vực khu phố 9, phường17 vẫn chưa có kế hoạch do nguồn vốn có hạn. Nếu người dân nơi đây có nhu cầu sử dụng nước máy sẽ làm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngành cấp nước sẽ đầu tư mỗi hộ 4m ống. Phần còn lại người dân sẽ góp tiền". |
Chú N.T.X. hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Con trai chú cho biết: “Cách đây mấy năm ba tôi có bị ngứa ngoài da, tiêu chảy. Cứ tưởng bị bệnh ngoài da thông thường, nhà có mua thuốc xức nhưng không hết, cứ lặp đi lặp lại. Khoảng 10 tháng trước, gia đình đưa ba tôi đi khám thì phát hiện ông bị ung thư gan”.
Ngoài ung thư, bệnh ngoài da và đau dạ dày là những bệnh thông thường người dân hay mắc. Nhiều người còn than thở đến đánh răng bằng nước giếng thì răng cũng bị đen sì.
Con rạch đổi màu
Theo người dân, nước giếng nơi đây ngày càng ô nhiễm nặng. Nguyên nhân được đưa ra là khu vực này trước kia là đầm lầy trồng cói, thuốc diệt cỏ còn nhiều trong đất.
Một nguyên nhân nữa có thể thấy tận mắt là sự ô nhiễm môi trường và những dòng kênh. Chỉ tay về phía rạch Ông Cù nước đen đặc quánh, cô Trần Thị Xuân Hoa, trưởng khu phố, cho biết: “Khu vực này nằm ở vùng biền sông Vàm Thuật. Rạch Ông Cù phát sinh nguồn chảy từ hướng sân bay, chảy qua một số xí nghiệp, nhà máy... Từ một dòng kênh thuyền bè có thể qua lại, giờ đây rạch Ông Cù như một ao nước đọng chứa đủ thứ xà bần”.
Trước mặt dòng nước rạch đen đang sôi lên. Bên kia rạch phía phường 5, quận Gò Vấp là lưng dãy nhà lấn kênh rạch nhếch nhác. Từ phía ấy, những dòng nước nhờ nhờ chảy thẳng xuống kênh. Hòa lẫn với mùi khẳm lặm của nước kênh là tiếng la chói lói của những bầy lợn nuôi ngay trên rạch.
Cô Nguyễn Ánh Tuyết đứng trước nhà nhìn về rạch, nói như mếu: “Chịu không nổi! Chỉ tội mấy đứa nhỏ. Suốt ngày không khí hôi thối cứ xộc vào mũi”.
Chưa hết, chị Phan Kiều Hạnh còn cho biết: “Có hôm nước nhuộm thải vào, nhuộm cả lòng rạch màu đỏ. Có hôm là cả màu xanh”. Lòng rạch cứ đổi màu theo “cảm hứng” của các xí nghiệp. Để đối phó, dân tự gom tiền xây bức tường chắn dọc bờ rạch để khỏi nhìn thấy cảnh chướng tai gai mắt. Nhưng, đó không phải là giải pháp cuối cùng.
(Theo Tuổi Trẻ)